Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Chưa đến một nửa người Việt tính chuyện khi về già

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Chưa đến một nửa người Việt tính chuyện khi về già

Dũng Nguyễn

(TBKTSG Online) – Có đến 85% người Việt mong muốn một cuộc sống độc lập khi về già, nhưng chỉ có 40% là lên kế hoạch chuẩn bị trước. Thế hệ gen X và gen Y ngày nay cũng đã có những thay đổi tư duy đáng kể về tương lai cuộc sống về già. Về vĩ mô, tốc độ già hóa của Việt Nam đang ở mức cao cũng tạo áp lực lớn đến xã hội và kinh tế trong tương lai.

Chưa đến một nửa người Việt tính chuyện khi về già
Việt Nam đang đối mặt với nguy cơ "chưa giàu đã già". Ảnh minh họa: Thành Hoa.

Báo cáo khảo sát “Cuộc sống độc lập khi về già” do Công ty bảo hiểm nhân thọ Prudential Việt Nam phối hợp cùng công ty nghiên cứu thị trường Kantar Việt Nam vừa được công bố, cho thấy có đến 85% người Việt Nam mong muốn có một cuộc sống độc lập khi về già. Đặc biệt, tỷ lệ này còn cao hơn trong nhóm người có mối quan tâm nhất về vấn đề Tài chính khi về già (95%).

Theo đó, ba mối quan tâm hàng đầu khi về già của người Việt lần lượt là sức khỏe thể chất (59%), Sức khỏe tinh thần (30%) và Tài chính (11%).

Tuy nhiên, giữa kỳ vọng và hiện thực có khoảng cách đáng kể. Khảo sát cũng cho thấy mức độ chuẩn bị của người Việt Nam cho cuộc sống về già vẫn còn khá thấp, khi chỉ có 40% người Việt lên kế hoạch và hành động, trong đó phụ nữ hoạch định tốt hơn nam giưới (75% so với 59% là có kế hoạch).

Với những người chưa có kế hoạch cho cuộc sống về già, vướng bận trách nhiệm gia đình (51%) và tài chính chưa ổn định (44%) là những lý do chính cho sự trì hoãn của họ.

 

 

Theo cuộc khảo sát, người Việt có xu hướng bắt đầu hoạch định cho cuộc sống về già khi bước vào độ tuổi 40. Đây cũng là độ tuổi trung bình mà người tiêu dùng nghĩ họ cần bắt đầu chuẩn bị cho cả ba khía cạnh: sức khỏe thể chất, sức khỏe tinh thần và tài chính.

Ông Phương Tiến Minh, Tổng giám đốc Prudential Việt Nam, nhận định bối cảnh kinh tế và xã hội Việt Nam thay đổi và phát triển từng ngày, đi cùng đó là sự thay đổi trong cấu trúc gia đình và sự ảnh hưởng từ lối sống cũng như văn hóa của các nước phương tây. “Đã có sự thay đổi đáng kể trong suy nghĩ và hành động của những người trẻ thuộc thế hệ Gen X và Gen Y về cuộc sống độc lập của họ khi về già, so với các thế hệ trước”, ông Minh đánh giá.

Trong những năm gần đây, dân số già đang là một trong những mối lo ngại hàng đầu của chính phủ, doanh nghiệp, cũng như cả xã hội Việt Nam. Theo báo cáo HelpAge International 2020, Việt Nam là một trong các quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Cụ thể, số lượng người già trên 60 tuổi dự kiến chiếm 27,2% tổng dân số vào năm 2050, từ mức 11,1% vào năm 2017.

“Mặc dù có đến 85% mong muốn có một cuộc sống tuổi già độc lập, tỷ lệ người Việt đang chủ động lên kế hoạch và hành động để đạt được mong muốn này hiện chỉ ở mức 40%. Đây chính là thách thức mà bản thân mỗi người cần phải hành động ngay để đạt được một cuộc sống về già như kỳ vọng”, ông Minh nhìn nhận.

Đây là báo cáo khảo sát đầu tiên và độc lập về các mối quan tâm, sự kỳ vọng cũng như mức độ sẵn sàng và tự tin của người Việt cho cuộc sống độc lập khi về già. Tuổi về già được đề cập trong khảo sát là ở độ tuổi 60 trở lên.

Nghiên cứu được thực hiện bởi Kantar Việt Nam thông qua hình thức khảo sát trực tuyến tại TPHCM và Hà Nội trong khoảng thời gian từ ngày 26-10 đến 8-11-2020.

Khảo sát được thực hiện với những người Việt ở độ tuổi 30-45, sinh sống tại TPHCM và Hà Nội, đang tự kiếm tiền và không phụ thuộc hoàn toàn vào người khác về mặt tài chính, dựa trên ba khía cạnh là Sức khỏe thể chất, Sức khỏe tinh thần và Tài chính.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới