Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Chưa đủ cơ sở để tạm ngừng xuất khẩu phân bón

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Chưa đủ cơ sở để tạm ngừng xuất khẩu phân bón

TH

(KTSG Online) – Trước tình trạng giá phân bón tiếp tục tăng cao, một số ý kiến đề xuất cần tạm ngừng xuất khẩu để bình ổn thị trường trong nước. Tuy nhiên, theo Cục Hóa chất (Bộ Công Thương), hiện chưa đủ cơ sở để thực hiện việc này và các đơn vị liên quan sẽ đánh giá cụ thể hơn mới đưa ra được kết luận.

Chưa đủ cơ sở để tạm ngừng xuất khẩu phân bón
Sản phẩm phân đạm của Đạm Cà Mau. Ảnh minh họa: TTXVN

Theo Cục Hóa chất, từ cuối năm 2020, giá nông sản trên thế giới cũng đã liên tục tăng, tình hình thời tiết thuận lợi, tạo điều kiện cho người nông dân đầu tư cho phân bón và chăm bón cây trồng. Lượng phân bón nhập khẩu của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2021 là 2,3 triệu tấn, tăng khoảng 15% so với cùng kỳ năm 2020. Cũng trong thời kỳ trên, Việt Nam xuất khẩu khoảng 667 ngàn tấn phân bón các loại, tăng 44,7% so với cùng kỳ năm 2020 và tương đương gần 60% tổng lượng phân bón xuất khẩu cả năm 2020.

Đại diện Cục Hóa chất cho biết, biến động giá phân bón thời gian gần đây chủ yếu do các yếu tố bên ngoài như giá phân bón thế giới tăng, sự tăng giá của một số nguyên liệu đầu vào, sự gia tăng của chi phí vận chuyển, nhu cầu tăng… không phải do nguồn cung không đáp ứng được nhu cầu trong nước.

Năng lực sản xuất của các nhà máy trong nước hiện nay khoảng trên 8 triệu tấn phân bón vô cơ, ngoài ra còn có phân bón hữu cơ vi sinh, phân bón lá…. Nhập khẩu phân bón trong những năm gần đây dao động khoảng 4 triệu tấn. Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ khoảng 11 triệu tấn phân bón các loại.

Trước ý kiến đề xuất tạm dừng xuất khẩu phân bón để đảm bảo nguồn cung và bình ổn giá, đại diện Bộ Công Thương cho biết, theo quy định tại Điều 12 và Điều 100 của Luật Quản lý ngoại thương 2017, có thể áp dụng biện pháp tạm ngừng xuất khẩu đối với hàng hóa, nhưng phải trong trường hợp mất cân đối nghiêm trọng của cán cân thanh toán hoặc các trường hợp đặc biệt nghiêm trọng khác theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, lượng xuất khẩu 6 tháng đầu năm tăng cao nhưng tổng nguồn cung từ sản xuất trong nước và nhập khẩu đạt trên 6,6 triệu tấn, trừ đi lượng phân bón đã xuất khẩu, cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu trong nước.

Trong khi đó, giá phân bón tăng trong thời gian vừa qua vì nhiều lý do khác nhau, như giá phân bón thế giới tăng, sự tăng giá của một số nguyên liệu đầu vào, sự gia tăng của chi phí vận chuyển, nhu cầu tăng… chưa có cơ sở khẳng định sự thiếu hụt về nguồn cung.

Từ những tháng cuối năm 2020 cho đến nay, giá phân bón, nhất là giá hai loại phân bón DAP và phân đạm u-rê đã tăng khá cao. Số liệu từ các nguồn khác nhau cho thấy, phân đạm u-rê tăng 62%, DAP tăng trên 54%, phân bón kali tăng 31%, cụ thể ở mức từ 435–440 đô la/tấn, mức giá cao nhất từ năm 2015 đến nay.

Giá phân bón tăng do chi phí nguyên liệu đầu vào tăng rất nhanh. Lưu huỳnh và amoniac là hai nguyên vật liệu chiếm tỷ lệ chi phí cao để sản xuất 2 loại phân bón DAP và MAP đã tăng giá khá nhanh. Hiện nay giá lưu huỳnh về tới các nhà máy sản xuất đã tăng hơn 2 lần, từ 95 đô la/tấn (tháng 10-2020) tăng lên khoảng 210 đô la/tấn và giá amoniac tăng tới 60% (tháng 4 năm 2021).

Thêm vào đó, chi phí vận chuyển nhất là vận chuyển bằng container cũng tăng chóng mặt, gấp vài lần so với năm 2020.

Theo TTXVN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới