Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Chưa hẳn đã là chìa tay!

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Chưa hẳn đã là chìa tay!

Tấn Đức

(TBKTSG) – Quy chế thí điểm hợp tác công tư (PPP), được Thủ tướng Chính phủ ban hành theo Quyết định số 71, không ngoài mục tiêu thu hút khu vực tư nhân đầu tư vào lĩnh vực cơ sở hạ tầng kỹ thuật và xã hội, qua đó giảm nhẹ gánh nặng đầu tư công cho ngân sách nhà nước.

Quyết định này ra đời là kết quả của sự nỗ lực của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng hàng loạt các buổi tham vấn với các đối tác như Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển châu Á, Nhật Bản, Mỹ, Anh, Hàn Quốc, Trung Quốc… (xem thêm bài “Nhà nước đã chìa tay, dù còn dè dặt”).

Tuy nhiên, nếu so sánh với Nghị định số 108 về đầu tư theo hình thức BOT, BTO, BT được Chính phủ ban hành vào năm 2009, thì nội dung của Quy chế thí điểm PPP gần như là một bản sao của Nghị định 108, thậm chí một số yêu cầu đặt ra với nhà đầu tư còn ngặt nghèo hơn. Vì vậy, rất khó hy vọng quy chế này sẽ tạo ra sự thay đổi tích cực nào đó trong việc thu hút đầu tư của khu vực tư nhân.

Điểm khó khăn đầu tiên là ở tiêu chí chọn lựa dự án để thí điểm PPP. Theo quy chế này, chỉ những dự án quan trọng, quy mô lớn và có yêu cầu cấp thiết cho nhu cầu phát triển kinh tế mới được chọn để thí điểm. Trong khi nếu chọn hình thức đầu tư BOT hay BTO thì gần như không bị giới hạn về quy mô.

Ngay nội dung được kỳ vọng sẽ mang lại sự hấp dẫn cho hình thức PPP, là sự tham gia góp vốn của Nhà nước vào dự án, cũng tỏ ra kém hấp dẫn, khi quy chế chỉ giới hạn phần tham gia của Nhà nước không quá 30% tổng mức đầu tư của dự án, trong đó bao gồm cả giá trị của những ưu đãi đầu tư và chính sách tài chính dành cho dự án. Vốn nhà nước có thể được dùng trang trải một phần chi phí của dự án, xây dựng công trình phụ trợ, bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định cư…

Trong khi đó, nếu chọn đầu tư theo hình thức BOT hoặc BTO theo Nghị định 108, thì phần vốn của Nhà nước tham gia có thể đến 49% tổng đầu tư của dự án. Phần của Nhà nước này cũng được dùng để xây dựng các công trình phụ trợ, bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định cư…

Ngoài ra, yêu cầu về vốn tự có của nhà đầu tư tư nhân tham gia dự án theo hình thức PPP cũng ngặt nghèo hơn rất nhiều so với hình thức đầu tư BOT và BTO… Nghị định 108 chỉ yêu cầu nhà đầu tư phải có vốn tự có tối thiểu 15% tổng giá trị đầu tư của dự án. Còn tỷ lệ vốn tự có nhà đầu tư phải đáp ứng theo Quy chế PPP lên đến 30%.

Điểm khác biệt nhất giữa Quy chế PPP và hình thức đầu tư BOT, BTO… có lẽ là ở sự cam kết tham gia của Nhà nước. Ở hình thức PPP, Nhà nước cam kết tham gia vốn ngay từ đầu. Trong khi đó, đối với các dự án đầu tư BOT hay BTO, Nhà nước có thể tham gia cũng có thể không. Đồng thời, việc tham gia vốn của Nhà nước tùy thuộc vào sự xét duyệt, đánh giá của các bộ, ngành và UBND cấp tỉnh về tính cấp bách phải đáp ứng để đưa công trình vào sử dụng.

Trong mô hình đầu tư PPP, việc tham gia vốn của Nhà nước chủ yếu giúp giảm nhẹ gánh nặng huy động tài chính cho nhà đầu tư, qua đó giúp dự án có tính khả thi cao hơn. Nhưng với nhà đầu tư, yếu tố quan trọng nhất để họ bỏ vốn vào một công trình không phải chi phí đầu tư nhiều hay ít, mà ở những chính sách ưu đãi, hỗ trợ mà họ sẽ nhận được là gì, để dự án trở nên có hiệu quả cao. Nhưng cơ chế ưu đãi, bảo đảm đầu tư theo Quy chế PPP không có bất kỳ khác biệt nào so với những ưu đãi dành cho nhà đầu tư BOT, BTO, BT… được quy định trong Nghị định 108.

Rõ ràng, cơ chế dành cho nhà đầu tư theo hình thức đối tác công – tư chẳng những không tốt hơn, mà trái lại

PPP là mô hình tốt, nhưng nó chỉ có thể phát huy tác dụng khi chính sách và hành lang pháp lý phục vụ cho nó thực sự cuốn hút được nhà đầu tư.

còn kém hấp dẫn hơn so với hình thức BOT, BTO… Vì vậy, sẽ chẳng có hy vọng đột phá nào từ cơ chế mới này. Hình thức đầu tư BOT, BTO, BT đã được triển khai từ cách nay gần 20 năm, nhưng sự hưởng ứng của các đầu tư tư nhân rất hạn chế.

Chính phủ rất kỳ vọng hình thức đầu tư BOT, BTO hay BT sẽ tạo ra bước đột phá về phát triển cơ sở hạ tầng, qua đó giảm nhẹ gánh nặng cho ngân sách. Nhưng kết quả thu được chỉ là những công trình nhỏ lẻ, hầu hết tập trung ở cửa ngõ giao thông của các thành phố lớn và các đô thị.

PPP là mô hình tốt, nhưng nó chỉ có thể phát huy tác dụng khi chính sách và hành lang pháp lý phục vụ cho nó thực sự cuốn hút được nhà đầu tư. Như vậy, quy chế thí điểm hợp tác công – tư cần phải được xây dựng lại.

Đối với Việt Nam, PPP là lĩnh vực còn rất mới. Nhưng chúng ta có thuận lợi là đã thực hiện hình thức đầu tư BOT, BTO, BT được gần 20 năm. Những bất cập cũng như thuận lợi phát sinh từ thực tế của quá trình triển khai thực hiện mô hình này sẽ là kinh nghiệm rất cần thiết cho việc xây dựng quy chế thí điểm mô hình đầu tư PPP. Vì vậy, quy chế PPP phải là sự kế thừa và phát huy, chứ không thể chỉ là một bản sao của mô hình đầu tư BOT, BTO và BT.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới