Thứ Tư, 24/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Chưa “mặn mà” chuyện cải cách

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Chưa “mặn mà” chuyện cải cách

Đỗ Lê Phương

Nhà đầu tư ở Công ty Chứng khoán Rồng Việt. Ảnh: Lê Toàn.

(TBKTSG) – Theo kế hoạch việc rà soát các văn bản thủ tục hành chính trong lĩnh vực chứng khoán sẽ được kết thúc vào cuối tháng 4-2010. Cho đến giờ vẫn chưa có một văn bản kiến nghị chính thức nào của các công ty chứng khoán được gửi tới nhóm công tác rà soát.

Gian nan con đường cải cách

Trong bối cảnh Việt Nam đang hòa nhập sâu cùng nền kinh tế thế giới, thị trường chứng khoán trong nước cũng theo dòng chảy đó mà ngày càng được mở rộng và phát triển. Số lượng các công ty niêm yết hiện nay trên hai sàn tính đến đầu tháng 4-2010 là 493 công ty trên tổng số 974 công ty đại chúng đã đăng ký với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN).

Chưa kể đến những công việc như chấp thuận niêm yết, phát hành cổ phiếu, chào mua công khai, tăng giảm vốn điều lệ hay việc chia, tách, sáp nhập các công ty… thì cũng có thể thấy một khối lượng công việc khổng lồ đang hàng ngày đổ dồn lên 170 cán bộ công chức của UBCKNN chờ giải quyết.

Nếu như các thủ tục hành chính cấp phép theo kiểu “xin – cho” và các loại giấy phép không được giản lược thì vấn đề ách tắc trong giải quyết công việc là điều hoàn toàn dễ hiểu.

Hiện nay, quá trình rà soát thủ tục hành chính trong lĩnh vực chứng khoán gồm bốn mục là: đề nghị tăng, giảm vốn điều lệ của công ty chứng khoán (CTCK); đề nghị chia, tách, sáp nhập, hợp nhất, chuyển đổi CTCK; đăng ký chào mua công khai; đăng ký cung cấp dịch vụ giao dịch chứng khoán trực tuyến tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội.

Tại cuộc hội thảo về cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực chứng khoán được tổ chức tại Hà Nội vừa qua, dường như nhiều CTCK vẫn chưa thực sự quan tâm đến quyền lợi của chính mình khi còn tỏ ra khá hờ hững với vấn đề này. Nếu đếm sơ qua tại hội thảo cũng chỉ thấy có khoảng hơn chục CTCK tham dự, còn phần đông là ban tổ chức, đại diện các công ty luật và giới truyền thông.

Trên thực tế, số lượng báo cáo mà các CTCK đang phải nộp cho các cơ quan quản lý là tương đối nhiều, trong đó phải gửi tới nhiều cơ quan chưa thực sự phù hợp. Đơn cử như việc các CTCK phải gửi đầy đủ báo cáo đến cho UBCKNN song song với việc cũng phải đồng thời gửi đến cho Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia (UBGSTCQG) một số loại báo cáo nhằm mục đích giám sát tài chính của cơ quan này.

Trong khi thời đại công nghệ thông tin phát triển mạnh mẽ, 100% CTCK đều có website, nhưng trên thực tế cơ quan quản lý nào cũng đòi hỏi báo cáo phải được gửi dưới hình thức văn bản (có dấu đỏ) nhằm mục tiêu đảm bảo sự trung thực của báo cáo.

Thiết nghĩ, nếu như mọi báo cáo của các CTCK được tập trung tại một đầu mối là UBCKNN và UBGSTCQG sẽ khai thác, giám sát số liệu của CTCK qua UBCKNN thì sẽ giản tiện hơn nhiều về mặt thủ tục hành chính cho CTCK cũng như cho chính UBGSTCQG. Đồng thời số liệu thu về cũng được đồng nhất tại một thời điểm, vừa tiết kiệm được thời gian và sức lực cho các bên nộp và thu báo cáo.

Càng “cải” càng “cách”?

Cũng trong buổi hội thảo trên, nhiều diễn giả đã tỏ ý băn khoăn về câu chuyện nếu bây giờ bỏ đi được khoảng x loại văn bản, thì liệu mai sau có mọc thêm xn loại văn bản khác hay không? Phần đông những người tham dự đều mang tâm lý thà rằng không giản lược các thủ tục hành chính bây giờ còn hơn là tăng thêm các thủ tục hành chính khác sau này nữa. Cũng có thể bởi sự “thiếu lòng tin” mà hội thảo đã không thu lại được ý kiến và thành công như mong muốn.

Theo ý kiến của luật sư Phạm Chí Công, Giám đốc Công ty Luật Khai Phong, trong thủ tục đăng ký chào mua công khai của Bộ Tài chính ban hành còn tồn tại nhiều điểm chưa rõ như việc hồ sơ mà UBCKNN yêu cầu là thỏa thuận với HĐQT hoặc cổ đông lớn của công ty mục tiêu vẫn chưa được hợp thức hóa theo thuật ngữ và cần được đưa vào Thông tư 194/2009/TT-BTC. Ngay cả tài liệu chứng minh công ty chào mua có đầy đủ điều kiện để mua cổ phiếu của chính mình trong trường hợp chào mua công khai cũng còn khá mập mờ.

Ngoài ra trong thủ tục đề nghị tăng, giảm vốn điều lệ của CTCK hiện nay, UBCKNN yêu cầu CTCK phải nộp bản “Phương án thay đổi tăng, giảm vốn và sử dụng vốn đã được Đại hội đồng cổ đông, HĐQT hoặc Hội đồng thành viên thông qua” như một tài liệu độc lập trong thành phần hồ sơ. Tuy nhiên khi thủ tục pháp lý đã được CTCK thực hiện một cách đầy đủ thì rõ ràng đây là một thủ tục rườm rà không cần thiết cho doanh nghiệp.

Cùng quan điểm với ông Công, bà Đặng Linh Chi, đại diện Công ty Baker & McKenzie thuộc nhóm công tác lĩnh vực tài chính, ngân hàng/chứng khoán, cho rằng trong nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông đã phê chuẩn phương án tăng vốn rồi, do đó không nên yêu cầu doanh nghiệp nộp thêm phương án tăng giảm vốn như là một tài liệu độc lập bởi mục đích chính của việc làm này là cung cấp thông tin cho nhà đầu tư được biết chứ không cần thiết phải là hình thức văn bản.

Ngay trong trình tự thủ tục và thời hạn giải quyết hồ sơ của thủ tục tăng, giảm vốn điều lệ cũng bộc lộ một số khía cạnh chưa hợp lý. Theo quy định hiện hành, thủ tục này gồm hai bước. Bước một là doanh nghiệp sẽ nộp cho UBCKNN báo cáo về việc tăng, giảm vốn điều lệ và thời hạn để UBCKNN có ý kiến về việc tăng vốn (trước khi CTCK thực hiện việc tăng vốn) là 15 ngày làm việc kể từ khi nhận báo cáo. Bước hai là thời hạn để UBCKNN cấp sửa đổi, bổ sung giấy phép thành lập và hoạt động (sau khi thực hiện tăng vốn) là 7 ngày kể từ ngày nhận hồ sơ đề nghị sửa đổi giấy phép thành lập và hoạt động.

Tuy nhiên, trên thực tế thủ tục này hoàn toàn có thể đơn giản hóa bằng việc CTCK xin ý kiến về việc tăng, giảm vốn điều lệ đồng thời với việc xin cấp giấy phép thành lập và hoạt động sửa đổi, bổ sung cùng lúc thay vì làm từng giấy phép “con” một và thời hạn để cho UBCKNN xem xét hồ sơ và ban hành ý kiến của mình cũng được kiến nghị giảm xuống còn 7 ngày thay cho 15 ngày như quy định.

Một vấn đề khác cũng rất được nhiều luật sư quan tâm, đó là theo Quyết định 27/2007/QĐ-BTC về việc chia, tách, sáp nhập, hợp nhất, chuyển đổi CTCK, một tài liệu bắt buộc phải có trong thành phần hồ sơ là “ý kiến của luật sư về tính phù hợp pháp luật của hợp đồng, hồ sơ của việc chia, tách, sáp nhập, hợp nhất, chuyển đổi”.

Nhiều băn khoăn về tính mục đích của việc UBCKNN yêu cầu CTCK đưa ra ý kiến của luật sư khi giá trị về khía cạnh pháp lý của “ý kiến luật sư” cũng như trách nhiệm của luật sư đưa ra ý kiến này vẫn không được quy định cụ thể. Liệu có thể bãi bỏ phần “ý kiến luật sư” hay không khi điều này không thực sự phát huy tác dụng trong bối cảnh các công ty đã tuân thủ đầy đủ các thủ tục pháp lý khác?

Cuộc hội thảo cũng nhanh chóng được khép lại, không có quá nhiều dư vị để lại sau buổi họp này. Trong tâm lý của những người tham dự, ai cũng e ngại rằng nếu cắt đi một giấy phép con lại mọc thêm nhiều giấy phép khác thì liệu rằng việc cải cách thủ tục hành chính có thành công hay không? Và liệu có phải câu chuyện càng “cải” thì khoảng “cách” giữa cơ quan hành chính với doanh nghiệp lại càng dài ra trên con đường hội nhập và phát triển?

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới