Thứ Sáu, 29/09/2023, 15:30
34 C
Ho Chi Minh City

Đặt báo in

Thông tin quảng cáo

Thông tin quảng cáo


Chưa ngang tầm khu vực

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Chưa ngang tầm khu vực

Hoàng Hà

Chưa ngang tầm khu vực
Phòng thí nghiệm công nghệ nano tại Đại học Quốc gia TPHCM.

(TBKTSG) – Các chuyên gia cho rằng so với các nước trong khu vực, trình độ khoa học công nghệ của Việt Nam nằm ở nhóm khá thấp, chỉ ngang ngửa với Philippines, và kém rất xa các quốc gia như Singapore, Malaysia, Thái Lan và Indonesia.

40 năm chưa đủ để ý tưởng thành hiện thực

Một buổi sáng không lâu sau ngày 30-4-1975, Giáo sư Đặng Lương Mô, cựu Viện trưởng quốc gia kỹ thuật, tức Đại học Bách Khoa TPHCM hiện nay, nhận được một cuộc viếng thăm đột ngột của người đứng đầu Ủy ban Khoa học nhà nước Trần Đại Nghĩa. Mục đích của chuyến thăm là đề nghị ông Mô đứng ra xây dựng dự án một “dây chuyền khép kín sản xuất vi mạch”. Đáng tiếc là vì thời cuộc, ông đã không nhận lời, dù nể phục về tầm nhìn xa trông rộng của ông Nghĩa. Thời đó bán dẫn – vi mạch hãy còn là một ngành rất mới, chỉ mới thành công ở Mỹ và Nhật Bản.

Sau chừng 20 năm làm việc tại Nhật Bản, ông Mô trở về Việt Nam theo tiếng gọi xây dựng một ngành công nghiệp bán dẫn – vi mạch. Vị cố vấn của Đại học Quốc gia TPHCM này dùng tiền túi của mình, uy tín khoa học của một giáo sư đầu ngành để đào tạo, xây dựng một đội ngũ các nhà khoa học của ngành. Sản phẩm các học trò của ông thực hiện, SigmaK3, con chip “made in Vietnam” đầu tiên, đã gây được tiếng vang lớn. Dù chưa bắt kịp thế giới, nhưng khoảng cách về công nghệ đang ngắn lại dần.

Ý tưởng manh nha từ gần 40 năm trước, nhưng bán dẫn – vi mạch hiện vẫn là một giấc mơ công nghệ cao của người Việt. Đến nay, mỗi năm Việt Nam bỏ ra chừng 3 tỉ đô la Mỹ để nhập về các thiết bị vi mạch. Ở TPHCM, một dự án xây dựng nhà máy chế tạo chip của Tổng công ty Công nghiệp Sài Gòn cũng đang được gấp rút thực hiện. Dù vậy, với số tiền đầu tư 200 triệu đô la Mỹ, cũng chỉ mua được một dây chuyền công nghệ cũ, sản xuất loại chip thông thường 180 nanomet. Nhưng ít nhất, nền tảng cũng đã được xây dựng.

Qua câu chuyện kể trên mới thấy thực trạng công nghệ cao của Việt Nam vẫn còn đi sau rất nhiều so với thế giới. Cho đến nay, dù đã có ba khu công nghệ cao, bảy phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia, cùng hàng loạt dự án rải rác trong các khu công nghiệp khác, nhưng theo đánh giá của giới chuyên gia, trình độ công nghệ của Việt Nam vẫn còn rất thấp. Hình ảnh phổ biến trong các nhà máy ở các khu công nghệ cao vẫn là các dây chuyền lắp ráp. 

Trong khu vực, chỉ mới ngang ngửa với Philippines

Thực trạng còn đáng buồn hơn trong hàng trăm khu công nghiệp khác khi mà công nghệ phần lớn là lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường, tiêu thụ nhiều điện năng. Rất nhiều doanh nghiệp, cả trong nước lẫn nước ngoài, đều không chú tâm đến công nghệ, mà thường chỉ tận dụng lao động rẻ, chính sách ưu đãi. Thực trạng này khiến cho nhiều chuyên gia lo ngại về viễn cảnh Việt Nam sẽ trở thành một bãi rác công nghệ sắp tới.

Cách đây vài năm, một đề tài nghiên cứu về thực trạng khoa học công nghệ trong các khu công nghiệp – khu chế xuất ở TPHCM cho ra con số chỉ 1% doanh nghiệp trong tổng số 429 doanh nghiệp có công nghệ tiên tiến, còn 51% là có công nghệ lạc hậu. Từ đó đến nay, chưa có thêm cuộc khảo sát nào khác, nhưng theo các chuyên gia, tình hình chưa được cải thiện bao nhiêu. Sở Khoa học Công nghệ TPHCM đã xây dựng một phần mềm đánh giá trình độ khoa học công nghệ trong các doanh nghiệp, giao cho ban quản lý Hepza triển khai. Tuy nhiên, điều đáng buồn là số lượng các doanh nghiệp tham gia vào chương trình này rất ít.

Bức tranh về công nghệ Việt Nam cũng được thể hiện qua chỉ số năng suất tổng hợp (TFP). Ở TPHCM, chỉ số này hiện đang ở mức rất thấp là 36%, trong khi ở các nước phát triển ít nhất cũng từ 65% trở lên. Lãnh đạo Sở Khoa học Công nghệ cho biết đang trình UBND thành phố về chuyện phối hợp với Cục Thống kê để tính TFP cho một số ngành sản xuất công nghiệp. Khi đó, bức tranh về công nghệ sẽ trở nên rõ nét hơn.

Theo bảng xếp hạng chỉ số cạnh tranh toàn cầu 2012 của Diễn đàn Kinh tế thế giới, các chỉ số về yếu tố công nghệ của Việt Nam rất thấp. Các chỉ mục về sự thu hút công nghệ trong doanh nghiệp, chuyển giao công nghệ của doanh nghiệp FDI lần lượt xếp vị trí 126 và 94. Đặc biệt, mức độ sẵn sàng về công nghệ tiên tiến xếp thứ 137/144 nước. Phần đổi mới sáng tạo cũng không lấy gì làm sáng sủa khi mà chỉ mỗi phần mua sắm chính phủ về các sản phẩm công nghệ tiên tiến xếp thứ 39, còn lại, các chỉ số về khả năng sáng tạo, chất lượng viện nghiên cứu, mức chi tiêu của doanh nghiệp cho nghiên cứu và phát triển, hay các sáng chế và công bố quốc tế đều xếp hạng rất thấp, từ xấp xỉ từ 80-100.

Cũng năm 2012, Tổ chức Sở hữu trí tuệ toàn cầu (WIPO) công bố bảng xếp hạng chỉ số đổi mới/sáng tạo toàn cầu, theo đó Việt Nam đứng thứ 76/141 quốc gia thuộc WIPO, tụt 25 bậc so với năm trước. So với vị trí thứ 3 của Singapore, khoảng cách đang là một trời một vực.

Việc có rất ít bằng sáng chế và các bài báo khoa học được đăng trên tạp chí khoa học quốc tế cho thấy rõ điều đó. Ở các viện nghiên cứu đã vậy, trong các doanh nghiệp việc nghiên cứu khoa học công nghệ lại còn ít hơn.

Thêm một năm nữa, việc xếp hạng các trường đại học quốc tế hàng đầu lại vắng bóng Việt Nam. Và lại thêm một năm nữa, nhiều chỉ số về khoa học công nghệ, từ sáng tạo đến sở hữu trí tuệ lại tụt hạng. Trong khi đó, nhiều nhà hoạch định chính sách lại tỏ ra nôn nóng trong việc đặt ra mục tiêu đi tắt, đón đầu nhằm tạo ra sự phát triển nhảy vọt về khoa học công nghệ. “Người Nhật có một câu ngạn ngữ: nếu vội, hãy đi vòng. Ý câu này muốn nói, với khoa học, không thể có chuyện đốt cháy giai đoạn, nôn nóng đột phá, mà phải từ nền tảng căn bản”, Giáo sư Mô nói. Đó cũng là điều mà ngành khoa học công nghệ nước nhà còn thiếu.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới