Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Chưa ngư dân nào vay được vốn đóng tàu theo Nghị định 67

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Chưa ngư dân nào vay được vốn đóng tàu theo Nghị định 67

Thuỳ Dung

Chưa ngư dân nào vay được vốn đóng tàu theo Nghị định 67
Vẫn chưa ngư dân nào tiếp cận được nguồn vốn từ Nghị định 67 – Ảnh: TL

(TBKTSG Online) – Hơn hai tháng sau ngày Nghị định 67/2014/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản có hiệu lực thi hành, đã có khoảng 10 Quyết định và 8 Thông tư hướng dẫn từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước được ban hành nhưng vẫn chưa có ngư dân, tổ chức nào tiếp cận được với nguồn vốn này.

Đây là thông tin được đưa ra trong buổi tọa đàm trực tuyến “Để ngư dân vững vàng vươn khơi” do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức ngày 4-11 tại Hà Nội.

Tại buổi toạ đàm, ông Phạm Ngọc Tuấn, Phó cục trưởng Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, cho hay Nghị định 67 được xem là một chính sách đạt được rất nhiều các kỷ lục về thời gian xây dựng, số lượng văn bản hướng dẫn chính sách, nội hàm của chính sách… Song, thực tế đến nay người dân vẫn chưa hề tiếp cận được các nguồn vốn cũng như các chính sách hỗ trợ mà Nghị định đề ra.

Lý giải về vấn đề này, ông Phạm Ngọc Tuấn cho hay, theo hướng dẫn trong Thông tư 22 của Ngân hàng Nhà nước, ngư dân có nhu cầu vay vốn đóng mới, nâng cấp tàu, trong danh sách được ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt thì mới liên hệ với ngân hàng thương mại để làm hồ sơ vay vốn.

Trong khi đó, việc đăng ký và xét duyệt đối tượng đủ điều kiện vay vốn được đưa lên từ cấp xã, sau đó mới đưa lên huyện thẩm định và ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố thẩm định quyết định danh sách đối tượng cuối cùng.

“Như vậy, khâu vướng mắc ở đây chính là tại các địa phương cơ sở, do đến thời điểm hiện nay chưa có tỉnh nào phê duyệt danh sách này”, ông Tuấn nhấn mạnh.

Không những thế, ông Tuấn cũng cho hay, khi chính sách đưa ra, ở địa phương ai cũng cần vay vốn trong khi chưa hiểu hết được các điều kiện. Bên cạnh đó, khâu thẩm định đối tượng đủ điều kiện cũng gặp khó khăn vì không phải Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nào ở các huyện cũng có cán bộ thẩm định thủy sản.

Cũng tại buổi tọa đàm, ông Lê Trung Thành, Phó tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), cho biết Nghị định 67 ban hành, ngân hàng rất tích cực quán triệt tới toàn bộ hệ thống ngân hàng để triển khai. Điển hình là ngân hàng BIDV đã thành lập các đường dây nóng để hỗ trợ cho người dân, xây dựng cẩm nang vay vốn, dự thảo mẫu đề nghị vay vốn, phương án phải trả để bà con tiếp cận đơn giản, phù hợp với nhu cầu thực tế sản xuất của bà con.

Song vấn đề vướng mắc dẫn đến chưa giải ngân được đến nay đó là việc các cán bộ nghiệp vụ cơ sở phải chủ động đến với bà con địa phương tuyên truyền hướng dẫn, nắm nhu cầu vay vốn của bà con. “Khi ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt danh sách bà con đủ điều kiện thì ngay lập tức giải ngân để rút ngắn thời gian” , ông Thành nói.

Tuy nhiên, ông Thành cũng cho rằng, quan hệ giữa ngân hàng và người dân là quan hệ “vay-trả” chứ không phải cho không, nhà nước chỉ hỗ trợ lãi suất do đó địa phương cần hướng dẫn cụ thể người dân khi tham gia hiểu được chính sách này.

Một lý do khác khiến nguồn vốn chậm tới tay ngư dân, theo ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch Hiệp hội nghề cá Thành phố Đà Nẵng, là do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã công bố toàn bộ mẫu tàu vỏ thép hơn nửa tháng nay, nhưng tại các địa phương vẫn chưa nhận được văn bản hay bất cứ mẫu tàu nào nên rất khó để ngư dân vay vốn.

Đọc thêm:

Ngư dân được vay với lãi suất 1-3% để đóng tàu

Ngư dân vẫn chưa được vay tiền đóng tàu sắt

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới