Thứ Hai, 2/10/2023, 19:37
26 C
Ho Chi Minh City

Đặt báo in

Thông tin quảng cáo

Thông tin quảng cáo


Chưa phải lúc tăng lương tối thiểu

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Chưa phải lúc tăng lương tối thiểu

Minh Tâm

Chưa phải lúc tăng lương tối thiểu
Công nhân lắp ráp ô tô tại khu công nghiệp Trà Nóc, Cần Thơ. Để người lao động có thể sống được bằng tiền lương, ngoài việc tăng mức lương tối thiểu, cần có chính sách kiểm soát giá cả, nhất là đối với những mặt hàng thiết yếu. Ảnh: DUY KHƯƠNG.

(TBKTSG) – Việc tăng lương tối thiểu là cần thiết. Tuy nhiên, doanh nghiệp hiện đang rất khó khăn với chi phí đầu vào lẫn việc giải quyết đầu ra. Hiệu quả của việc tăng lương đối với người lao động chưa đong đếm được. Đó là những lý do để cơ quan quản lý cân nhắc về chủ trương tăng lương tối thiểu mà Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội vừa đề xuất.

>>> Giá cả ăn hết vào lương

Theo dự thảo Nghị định về lương tối thiểu vùng, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đề xuất hai phương án tăng lương so với mức hiện hành. Ở phương án thứ nhất, mức lương tối thiểu ở các doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng I được đề xuất tăng từ 2 triệu đồng/người/tháng lên 2,7 triệu đồng. Các doanh nghiệp hoạt động ở vùng II, III và IV lần lượt áp dụng mức 2,4 – 2,13 – 1,93 triệu đồng. Ở phương án thứ hai, mức cao nhất cho vùng I là 2,5 triệu đồng và thấp nhất là 1,8 triệu đồng cho vùng IV. Nếu đề xuất này được Chính phủ thông qua thì mức lương tối thiểu mới sẽ được áp dụng từ ngày 1-1-2013 tại các công ty, doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và cơ quan, tổ chức thuê mướn lao động.

Không chỉ vì lương

Phải khẳng định ngay rằng, tăng lương tối thiểu là việc làm cần thiết, đúng đắn. Bởi, một thực tế không ai phủ nhận được là đời sống người lao động hiện rất khó khăn, lương không đủ trang trải cuộc sống. 

Để bù trượt giá, các ông chủ doanh nghiệp, theo đòi hỏi của thị trường lao động, cũng đã tăng lương một phần nào nhưng mức tăng không theo kịp tần suất và mức độ tăng của giá cả.

Một khảo sát về tiền lương và mức sống tối thiểu của người lao động khu vực doanh nghiệp do Viện Công nhân – Công đoàn (Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam) thực hiện, được công bố hồi tháng 10-2011, cho thấy 65% người lao động không đủ sống với mức lương hiện có. Trong phần lương được chi trả, một người lao động ở khu vực Hà Nội (ở thời điểm tháng 4-2011) phải dành hơn 1 triệu đồng/tháng chỉ riêng cho tiền ăn, tức khoảng 35.000 đồng/ngày cho gạo, mắm, thịt, cá, rau củ. Và để đáp ứng mức sống tối thiểu, người lao động vùng IV cần 1,5 triệu đồng/tháng, vùng III là gần 1,9 triệu đồng/tháng, vùng II khoảng 2,2 triệu đồng/tháng và vùng I cần hơn 2,42 triệu đồng/tháng.

Ở thời điểm hiện tại, tuy không có một khảo sát chính thức nào được công bố nhưng với tình hình giá cả, nhất là các mặt hàng thiết yếu của cuộc sống như lương thực, xăng dầu… liên tục tăng, số tiền để đáp ứng cuộc sống tối thiểu chắc chắn đã phải cao hơn con số mà Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội công bố. Số tiền 35.000 đồng của người lao động ở khu vực Hà Nội không thể đủ để mua thức ăn cho một ngày như năm ngoái khi đơn giản như muối ăn đã tăng từ 5.200 đồng/ki lô gam vào năm ngoái lên mức 7.000 đồng/ki lô gam ở thời điểm hiện tại.

Nói như vậy để thấy phần lớn người lao động hiện đang sống rất chật vật. Tuy nhiên, nguyên nhân không chỉ nằm ở lương thấp, không đủ trang trải, mà còn ở việc giá cả liên tục tăng khiến đồng tiền mất giá. Để bù trượt giá, các ông chủ doanh nghiệp, theo đòi hỏi của thị trường lao động, cũng đã tăng lương một phần nào nhưng mức tăng không theo kịp tần suất và mức độ tăng của giá cả.

Vì vậy, để đảm bảo mức sống tối thiểu cho người lao động không thể không giải quyết bài toán lạm phát, chặn đà tăng giá của hàng hóa, nhất là của các mặt hàng thiết yếu, liên quan trực tiếp đến đời sống như điện, nước, xăng dầu, lương thực, thực phẩm… chứ không chỉ có tăng lương tối thiểu.

Dưới góc độ thị trường, phải để cho giá cả các mặt hàng do chính thị trường quyết định chứ không phải bằng các mệnh lệnh hành chính, các quy định đăng ký giá hay sự chi phối của một vài “ông lớn” được đặc quyền. Khi các doanh nghiệp được cạnh tranh công bằng, hệ thống phân phối thông suốt, chắc chắn người tiêu dùng, trong đó có công nhân sẽ mua được hàng hóa với giá hợp lý.

Nặng gánh doanh nghiệp

Trở lại với câu chuyện lương tối thiểu, đây được coi là mức sàn để doanh nghiệp và người lao động làm căn cứ thỏa thuận tiền công lao động, tránh tình trạng doanh nghiệp trả công lao động không tương xứng. Nhà nước cũng khuyến khích doanh nghiệp trả lương cho người lao động cao hơn mức lương tối thiểu quy định.

Thực tế thì lương tối thiểu là công cụ tham chiếu khi doanh nghiệp xây dựng bảng lương và tính bảo hiểm xã hội cho người lao động. Mức lương thực nhận như thế nào được quy định bởi chính thị trường. Ở thời điểm hiện tại, theo các doanh nghiệp sử dụng lao động, mức lương trung bình ở vùng I, như TPHCM đang ở mức từ 3-3,5 triệu đồng/người/tháng.

Như vậy, câu hỏi đặt ra là người lao động sẽ được thụ hưởng thế nào từ chủ trương tăng lương tối thiểu? Sẽ có bao nhiêu người lao động được tăng lương lên mức 2,5 triệu đồng hoặc 2,7 triệu đồng như hai phương án của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội? Có lẽ, rất khó để đo đếm và trả lời được các câu hỏi này.

Tuy nhiên, có một hệ quả rất dễ xảy ra và thực tế đã xảy ra, đó là số tiền thực nhận của người lao động sẽ giảm đi khi tăng lương tối thiểu. Như đã nói, trên thực tế, lương tối thiểu được coi là công cụ tham chiếu của doanh nghiệp khi xây dựng bảng lương, tính tiền bảo hiểm. Hầu hết doanh nghiệp đều có hai sổ lương: một sổ lương đóng bảo hiểm (theo đúng mức tối thiểu như quy định) và một sổ lương thực nhận. Khi mức lương tối thiểu tăng lên, điều tất yếu là mức đóng bảo hiểm xã hội (người sử dụng lao động đóng 17% và người lao động đóng 7%) phải tăng. Doanh nghiệp lẫn người lao động đều “mất” thêm một số tiền mỗi tháng. Nếu tổng thu nhập (lương, phụ cấp) của người lao động không được điều chỉnh thì rõ ràng, số tiền thực nhận mỗi tháng của họ sau khi trừ các khoản bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp đã giảm đi một khoản so với trước.

Bên cạnh đó, một khía cạnh cũng rất cần được nhắc đến, đó là thời điểm áp dụng. Nếu đề xuất của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội được thông qua thì mức lương tối thiểu mới sẽ được áp dụng từ đầu năm sau, 1-1-2013, tức còn bốn tháng nữa tính từ thời điểm này. Đến lúc đó, liệu còn bao nhiêu doanh nghiệp “sống sót” trong tình hình kinh tế khó khăn hiện nay? Ở thời điểm hiện tại, sau những khó khăn về tiếp cận tín dụng, lãi suất cao, doanh nghiệp đang phải đối mặt với áp lực chi phí đầu vào liên tục tăng, từ xăng dầu, điện nước đến nguyên vật liệu. Trong khi đó, hàng sản xuất ra không bán được bao nhiêu, dù doanh nghiệp đã khuyến mãi, giảm giá liên tục, bởi người tiêu dùng đang thắt chặt chi tiêu khi thu nhập, sức mua cứ ngày càng teo tóp. Vốn sản xuất, lương công nhân đang nằm trong đống hàng hóa, không quay vòng cũng không chuyển hóa thành tiền được.

Xin được nhắc lại, tăng lương tối thiểu là rất cần thiết, nhưng chính sách cũng cần được áp dụng đúng thời điểm, mang lại hiệu quả cụ thể chứ không để xảy ra tình trạng người thực thi cố ý lách luật dù họ không muốn.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới