Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Chưa phát hiện bệnh cúm A-H1N1

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Chưa phát hiện bệnh cúm A-H1N1

Thu Hiền

Điều trị bệnh tay chân miệng tại bệnh viện Nhi Đồng 1. Ảnh: Hương Bùi

(TBKTSG Online) – Tính đến ngày 11-5, TPHCM chưa phát hiện ca nghi nhiễm cúm A-H1N1 nào. Tuy nhiên, thành phố vẫn tiếp tục các giám sát, kiểm dịch tại sân bay Tân Sân Nhất, các cửa khẩu đường bộ và đường thủy.

Trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online, bác sĩ Phan Văn Nghiệm, Trưởng phòng Nghiệp vụ y, Sở Y tế TPHCM, cho biết: từ ngày 26-4 đến nay, ngành y tế đã phát hiện 20 ca thân nhiệt cao; trong đó, có 15 ca đến từ vùng dịch, 5 ca còn lại đến từ các bệnh viện trên địa bàn thành phố như Vũ Anh, FV, phòng khám SOS… Các xét nghiệm của các bệnh nhân này đều cho kết quả âm tính với cúm A-H1N1.

Qua các hoạt động kiểm tra phòng dịch, ngành y tế gặp một số khó khăn như ý thức của bệnh nhân chưa cao. Theo bác sỹ Nghiệm, ngày 9-5 đã phát hiện 3 ca thân nhiệt cao từ sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất; trong đó, có một em bé 28 tháng tuổi từ Đài Loan về. Em bé này đã được cách ly và nhập bệnh viện Nhi Đồng 2 và làm các xét nghiệm cần thiết. Nhưng người nhà bệnh nhân tự ý đưa em bé về Long An. Vì vậy, ngành y tế TPHCM phải kết hợp với tỉnh Long An và tìm tung tích em bé này để giám sát bệnh. Đến nay, em bé đã hết sốt và không có dấu hiệu của bệnh cúm A-H1N1.

“Trong trường hợp người nhà không tuân thủ theo quy định của ngành y tế, vô hình chung đã gây khó khăn cho ngành trong việc kiểm soát, giám sát bệnh từ cộng đồng. Thêm vào đó, gây nguy hiểm cho tính mạng của bệnh nhân và những người xung quanh”, ông Nghiệm nói.

Cảnh giác với sốt xuất huyết

Về tình hình dịch bệnh theo mùa như tay chân miệng, rubella, sốt phát ban và quai bị đang có chiều hướng chững lại, không tăng so với năm 2008. Tuy nhiên, dịch sốt xuất huyết đang có dấu hiệu gia tăng.

Theo báo cáo của phòng Nghiệp vụ y, từ đầu năm đến nay, TPHCM ghi nhận 3.369 trường hợp sốt xuất huyết; trong đó, đã có 3 ca tử vong tại quận Tân Phú, Bình Tân và quận 3. Hiện tại, trung bình một ngày ghi nhận thêm từ 2 đến 4 ca mắc bệnh.

Các quận huyện xuất hiện dịch sốt xuất huyết gồm: quận 6, 8, Thủ Đức, Tân Phú, Bình Tân; do đây là các quận ngoại thành, điều kiện vệ sinh môi trường kém, đặc thù địa hình nhiều kênh rạch, sông nước tạo điều kiện cho muỗi phát triển. Số ca mắc bệnh tại các quận này chiếm tỷ lệ 40% tổng số ca mắc của thành phố từ đầu năm đến nay.

Ông Nghiệm cảnh báo rằng trong 1 hoặc 2 tuần tới, nếu người dân và chính quyền các quận, huyện lơ là việc vệ sinh môi trường, phun hóa chất diệt muỗi thì bệnh sốt xuất huyết có thể tăng.

“Hiện tại, ưu tiên số một vẫn là phòng chống cúm A-H1N1, dịch sốt xuất và dịch tả. Năm ngoái, thành phố cũng xác nhận 1 ca nhiệm vi khuẩn tả”, ông Nghiệm nói.

Theo báo cáo của Sở Y tế TPHCM: tính từ đầu năm đến nay, thành phố ghi nhận 1,067 trường hợp tiêu chảy cấp, so với năm 2008 là 891 trường hợp. Bệnh tay chân miệng có 804 trường hợp, giảm 25% so với cùng kỳ năm 2008, 177 ca sốt phát ban, 197 ca rubella, 159 trường hợp quai bị, viêm não do virus là 16 ca so với 46 ca viêm não do virus trong năm 2008.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới