Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Chưa rõ khi nào giảm thuế nhập khẩu xăng dầu

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Chưa rõ khi nào giảm thuế nhập khẩu xăng dầu

Tâm An

Chưa rõ khi nào giảm thuế nhập khẩu xăng dầu
Bộ Tài chính khẳng định tăng thuế BVMT đối với các mặt hàng xăng dầu cơ bản sẽ không làm ảnh hưởng đến giá bán lẻ. Ảnh: Uyên Viễn

(TBKTSG Online) – Trả lời câu hỏi rằng liệu thuế nhập khẩu xăng dầu sẽ được điều chỉnh ra sao sau thời điểm thuế bảo vệ môi trường (BVMT) mới có hiệu lực, đại diện Bộ Tài chính cho biết cần phải xét trong bài toán tổng thể.

Ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ chính sách thuế, Bộ Tài chính tại buổi tọa đàm “Điều hành giá theo thị trường: nhìn từ giá xăng và giá điện” do Cổng thông tin Chính phủ tổ chức hôm nay, 16-3 giải thích, thuế nhập khẩu, thuế BVMT chỉ là một yếu tố trong cơ cấu giá xăng dầu.

Ở thời điểm hiện tại, thực hiện cam kết của các hiệp định thương mại tự do nên đang có hai mức thuế nhập khẩu khác nhau. Và từ 1-5-2015, thuế BVMT tăng từ 1.000 đồng/lít lên 3.000 đồng/lít đối với mặt hàng xăng. Việc giảm thuế nhập khẩu xăng để không tác động đến giá bán lẻ xăng dầu như thế nào sẽ được đặt trong bài toán tổng thể và “không phải là giảm ngay”, ông Thi nói.

Trước đó, giải trình trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội về đề xuất tăng thuế BVMT đối với các mặt hàng xăng dầu, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã khẳng định, trong trường hợp giá dầu trên thế giới tăng lên thì sẽ điều chỉnh giảm thuế nhập khẩu vì theo quy định tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 3-9-2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu thì thuế BVMT và thuế nhập khẩu là những yếu tố cấu thành trong giá cơ sở để cơ quan quản lý nhà nước điều hành giá bán lẻ xăng dầu trong nước. Việc tăng thuế BVMT cơ bản sẽ không ảnh hưởng nhiều đến giá bán lẻ xăng dầu trong nước và doanh nghiệp, người dân vẫn được hưởng lợi khi giá xăng dầu thế giới giảm.

Cũng theo lãnh đạo Bộ Tài chính, tăng thuế BVMT nhằm bù đắp ngân sách sụt giảm do thuế nhập khẩu phải giảm để thống nhất mức áp dụng giữa các thị trường trong bối cảnh thực hiện các hiệp định thương mại tự do.

Ở thời điểm hiện tại, thuế nhập khẩu xăng dầu có hai mức khác nhau. Mức thuế ưu đãi hiện hành là 35% đối với xăng, dầu mazut (FO), dầu hoả; 30% đối với dầu diesel (DO); 25% đối với xăng máy bay và nhiên liệu bay. Riêng hàng nhập khẩu từ các nước ASEAN, Trung Quốc và Hàn Quốc, áp thuế thấp hơn từ 5-35% tùy mặt hàng.

Xăng, điện tăng giá tác động đến người dân, doanh nghiệp

Cũng tại buổi tọa đàm, lãnh đạo các cơ quan quản lý có vai trò điều hành trong quyết định tăng giá điện, xăng dầu vừa qua thừa nhận, giá các mặt hàng này tăng sẽ tác động đến doanh nghiệp và người dân.

Ông Võ Văn Quyền, Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước, Bộ Công Thương cho biết, xăng dầu tăng giá rõ ràng có ảnh hưởng đến giá cả hàng hóa trên thị trường bởi đây là nguyên liệu đầu vào cho một số mặt hàng tiêu dùng đầu cuối cũng như một số ngành sản xuất.

Trong trường hợp xăng tăng giá 1.600 đồng/lít vừa qua, theo ông Quyền, cơ quan chức năng tính toán chỉ số giá tiêu dùng sẽ tăng 0,03% trong tháng Ba.

Ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ chính sách thuế, Bộ Tài chính nhìn nhận, giá xăng dầu, điện tăng sẽ tác động đến đầu vào sản xuất kinh doanh. Lợi nhuận doanh nghiệp sẽ giảm đi. "Xét về góc độ thu ngân sách,  sức cạnh tranh càng cao, hiệu quả nền kinh tế càng cao thì thu ngân sách càng tốt", ông Thi nói.

Trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online qua điện thoại sau buổi tọa đàm, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long nhận định, chỉ số giá tháng 3 sẽ tăng nhẹ do đợt tăng giá xăng, dầu nằm trong chu kỳ lấy số liệu. Còn việc tăng giá điện sẽ tác động vào chỉ số giá tháng 4. “Vấn đề đáng quan tâm là các mặt hàng này tăng giá sẽ tác động dây chuyền đến các mặt hàng khác”, ông Long nói thêm.

Trong khi đó, cũng theo thông tin đăng tải trên Cổng thông tin Chính phủ, bà Đỗ Thị Ngọc, Phó vụ trưởng Vụ thống kê giá, Tổng cục Thống kê đánh giá, việc tăng giá xăng 1.600 đồng/lít hôm 11-3 (tương đương 10,27%) sẽ tác động trực tiếp làm CPI tăng khoảng 0,25% trong tháng Tư. Còn việc tăng giá điện bình quân 7,5% sẽ tác động đến CPI trong năm 2015 khoảng 0,46%.

Bà Ngọc khẳng định với Cổng thông tin Chính phủ rằng, lộ trình tăng giá của các mặt hàng như điện, học phí, dịch vụ y tế đã được đặt ra hàng năm nên mục tiêu kiểm soát lạm phát 5% của năm nay đã được tính đến các yếu tố này.

Xem thêm:

Tăng thuế BVMT với xăng: Gánh nặng trên vai người dân

Tăng thuế bảo vệ môi trường các mặt hàng xăng dầu

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới