Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Chưa thể lạc quan với quy định chặn cuộc gọi rác

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Chưa thể lạc quan với quy định chặn cuộc gọi rác

Lưu Minh Sang (*)

(TBKTSG Online) – Sự xung đột lợi ích trong việc chống cuộc gọi rác, tin nhắn rác luôn tồn tại khi nhà mạng, các đơn vị cung cấp dịch vụ vừa là chủ thể có lợi ích từ các tin nhắn, cuộc gọi lại vừa là chủ thể có nghĩa vụ chống lại điều này – một khía cạnh nào đó như đang chống lại “nồi cơm” của chính mình.

Chặn cuộc gọi, tin nhắn rác: chế tài đã có, cần xử phạt nghiêm

Chưa thể lạc quan với quy định chặn cuộc gọi rác
Hiện tại cả nước có trên 125 triệu thuê bao di động trên tổng số 96 triệu dân, cho thấy cuộc chiến với sim rác vẫn còn phải tiếp tục. 

5 điểm tiến bộ của Nghị định 91

Chính phủ đã ban hành Nghị định 91/2020 về chống tin rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác (gọi chung là rác điện tử) với nhiều nội dung mới được dư luận kỳ vọng sẽ chấm dứt được tình trạng rác điện tử trong quảng cáo. Đây không phải là nghị định đầu tiên về chống rác điện tử trong quảng cáo. Trước đó, Chính phủ đã lần lượt ban hành Nghị định 90/2008, Nghị định 77/2012, Nghị định 174/2013 điều chỉnh vấn đề này nhưng đều không phát huy được hiệu quả. Vấn nạn rác điện tử trong quảng cáo vẫn diễn ra và ngày càng trở nên phổ biến, gây nhiều phiền toái và bức xúc đối với người dân.

Chính vì vậy, Nghị định 91 được trông đợi sẽ là lời giải cho những “bế tắc” trong công tác quản lý nhà nước hiện nay. Nhìn vào tổng thể Nghị định 91 thì dễ dàng nhận thấy sự quyết tâm thiết lập lại kỷ cương của cơ quan quản lý. Điều đó thể hiện rõ qua 5 điểm tiến bộ sau đây:

Thứ nhất, nội hàm của tin rác, thư điện tử rác (bổ sung thêm cuộc gọi rác) được chi tiết hóa và lấy tiêu chí “sự đồng ý của người sử dụng” làm trọng tâm. Như vậy, việc chuyển thông điệp quảng cáo qua tin, thư điện tử hay cuộc gọi không có sự đồng ý của người sử dụng đều được xem là “rác”. Đồng thời, cách thức thể hiện sự đồng ý, từ chối nhận tin quảng cáo cũng được quy định rõ. Việc không không trả lời sau khi nhận tin nhắn đăng ký quảng cáo đầu tiên được xem là từ chối nhận tin quảng cáo.

Thứ hai, cơ chế phối hợp giữa các bên: cơ quan quản lý, nhà mạng, người quảng cáo, người sử dụng cũng được hình thành. Theo đó, trách nhiệm giữa các chủ thể cũng thể hiện rõ ràng hơn. Cục An toàn thông tin thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ là chủ thể điều phối. Nhà mạng phải xây dựng, cung cấp, phối hợp và chịu trách nhiệm về chống tin rác hướng đến bảo vệ người sử dụng. Các yêu cầu về thiết lập hạ tầng công nghệ ứng dụng vào việc chống rác điện tử cũng được đặt ra.

Thứ ba, người dân có thể khiếu nại trực tiếp đến Cục An toàn thông tin thông qua đầu số 5656 khi nhận tin rác, cuộc gọi rác.

Thứ tư, người dân có thể đăng ký vào danh sách không quảng cáo (DoNotCall) nếu không chấp nhận bất kỳ tin nhắn đăng ký quảng cáo, tin nhắn quảng cáo, cuộc gọi quảng cáo nào.

Thứ năm, chế tài xử phạt được nâng lên với mức phạt lên đến 100.000.000 đồng đối với người quảng cáo và 170.000.000 đồng đối với nhà mạng.

Chưa thể lạc quan

Những quy định mới của Nghị định 91 chắc chắn sẽ tác động tích cực đến hiệu quả quản lý nhà nước về chống tin rác. Tuy vậy, người viết cho rằng Nghị định 91 chưa thật sự chặt chẽ và hiệu quả tác động đến đâu còn phụ thuộc vào hàng loạt các vấn đề có liên quan.

Đầu tiên, Nghị định 91 tập trung nhiều nội dung hướng đến việc chống tin nhắn rác qua số thuê bao điện thoại. Việc khiếu nại đối với 1 tin nhắn rác có thể dễ dàng với thao tác chuyển tiếp tin nhắn đến đầu số 5656. Tuy nhiên, cơ chế khiếu nại đối với cuộc gọi rác hay thư điện tử rác sẽ tiến hành như thế nào vẫn còn bỏ ngỏ. Điều này sẽ vô tình sẽ hạn chế việc người sử dụng khiếu nại.

Tiếp đến, tình trạng tin rác thông qua các ứng dụng ứng dụng nhắn tin, gọi điện miễn phí qua Internet (Over The Top – OTT) cũng đang trở nên phổ biến và gây phiền toái không kém các hình thức còn lại nhưng vẫn chưa phải là đối tượng điều chỉnh của nghị định 91.

Nếu hoạt động quản lý thuê bao di động trả trước, sim rác không đạt hiệu quả thì Nghị định 91 dường như không phát huy được tác dụng.

Bởi nếu có bị khiếu nại về tin rác thì cơ quan quản lý cũng chỉ nắm được chiếc sim điện thoại chứ khó xác định được chủ nhân thật sự là ai để xử lý.

Thứ ba, người sử dụng có thể khiếu nại để không còn bị làm phiền nhưng cơ chế xử lý và phản hồi khiếu nại sẽ như thế nào thì vẫn chưa được đề cập. Quy định sẽ không có giá trị nếu như cơ chế xử lý vi phạm không được thực thi hiệu quả.

Sự xung đột lợi ích trong việc chống tin giả luôn tồn tại khi nhà mạng, các đơn vị cung cấp dịch vụ vừa là chủ thể có lợi ích từ các tin nhắn, cuộc gọi lại vừa là chủ thể có nghĩa vụ chống lại điều này – một khía cạnh nào đó như đang chống lại “nồi cơm” của chính mình. Bởi thế, người viết cho rằng cần một hệ thống thông tin minh bạch, công khai để người dân tra cứu, giám sát kết quả xử lý khiếu nại và xử lý vi phạm.

Thứ tư, các cơ chế xử lý hiện tại tập trung chủ yếu vào các đầu số quảng cáo chuyên dụng, được định danh. Tuy nhiên, tình trạng dùng sim rác nhắn tin, gọi điện dưới dạng từ cá nhân đến cá nhân vẫn đang hoành hành. Theo thống kê, hiện tại cả nước có trên 125 triệu thuê bao di động trên tổng số 96 triệu dân, số liệu cho thấy cuộc chiến với sim rác vẫn còn phải tiếp tục. Nếu hoạt động quản lý thuê bao di động trả trước, sim rác không đạt hiệu quả thì Nghị định 91 dường như không phát huy được tác dụng. Bởi nếu có bị khiếu nại về tin rác thì cơ quan quản lý cũng chỉ nắm được chiếc sim điện thoại chứ khó xác định được chủ nhân thật sự là ai để xử lý.

Cuối cùng, tiêu chí nhận diện tính chất “quảng cáo” trong nội dung tin nhắn, cuộc gọi hay email vẫn chưa được làm rõ để phân biệt với tính chất “chào hàng”, “đề nghị giao kết hợp đồng” hay “giao dịch thương mại”. Nếu áp dụng rập khuôn và không có tiêu chí nhận diện rõ ràng, việc áp dụng các cơ chế ngăn chặn có thể sẽ ảnh hưởng không nhỏ đối với các giao dịch thương mại của doanh nghiệp hay các hoạt động bình thường của các chủ thế khác.

Tác động gì đến doanh nghiệp?

Trong ngắn hạn, dễ dàng nhận thấy Nghị định 91 sẽ tác động không nhỏ đối với các doanh nghiệp trong các ngành nghề như bất động sản, bảo hiểm, tín dụng, giáo dục, bán hàng đa cấp, dịch vụ đầu tư tài chính hay liên quan đến bán hàng qua điện thoại (telesale). Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc nhà nước cấm các doanh nghiệp tiến hành hoạt động tiếp thị thông qua điện thoại hay email.

Thay vào đó, doanh nghiệp sẽ phải tiến hành bài bản hơn theo trình tự, thủ tục và yêu cầu của nghị định để đưa thông tin tiếp thị đến đúng đối tượng quan tâm sản phẩm, dịch vụ. Về lâu dài, điều này sẽ nâng cao giá trị và hiệu quả của hình thức tiếp thị này, đồng thời tránh tình trạng tạo nên phản ứng ngược, tâm lý tiêu cực hay hành động tẩy chay của người tiêu dùng vì những phiền toái do tin rác mang đến.

Đồng thời, các doanh nghiệp buộc phải chuyển đổi hoặc kết hợp với các hình thức tiếp thị theo hướng thực chất hơn, tăng cường mở rộng các kênh tiếp thị sử dụng các công nghệ số trên nền tảng Internet cũng như các hình thức trực tiếp khác. Theo đó mà thị trường dịch vụ quảng cáo, tiếp thị sẽ có điều kiện phát triển và góp phần nâng cao tính cạnh tranh của các doanh nghiệp.

Nhìn tổng thể Nghị định 91 thì có vẻ Chính phủ còn để nhiều không gian cho Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục cụ thể, chi tiết hóa nhằm hướng dẫn thi hành. Hy vọng những vấn đề còn băn khoăn sẽ được giải quyết trong thông tư hướng dẫn.

(*) Trường Đại học Kinh tế – Luật, ĐHQG TPHCM

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới