Thứ Tư, 24/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Chuẩn bị gì cho thời kỳ “hậu ODA”?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Chuẩn bị gì cho thời kỳ “hậu ODA”?

Cơ sở hạ tầng giao thông là một trong những lĩnh vực mà Việt Nam đang sử dụng nhiều vốn ODA để phát triển. Ảnh: Lê Toàn.

(TBKTSG) – Nguồn vốn viện trợ phát triển chính thức (ODA) có ý nghĩa quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế – xã hội và xóa đói giảm nghèo ở Việt Nam giai đoạn mở cửa. Nhưng sau năm 2010, khi Việt Nam không còn được ưu đãi ODA, nền kinh tế sẽ xoay xở như thế nào?

Tại Hội nghị nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam năm 2007, Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, khi đó là ông Ajay Chhibber, đã phát biểu: “Nếu đạt ngưỡng 1.000 đô la Mỹ thu nhập bình quân đầu người/năm, Việt Nam sẽ được xếp vào danh sách các nước có thu nhập trung bình trên thế giới…”. Khi đó, ưu đãi về ODA chắc chắn sẽ không còn như hiện nay.

Mười lăm năm qua, trung bình mỗi năm các nhà tài trợ đã cam kết hỗ trợ Việt Nam khoảng 2,8 tỉ đô la Mỹ và số lượng vốn ký kết trung bình đạt hơn 2 tỉ đô la, chiếm 11% tổng đầu tư toàn xã hội và khoảng 17% tổng vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước.

Với số tiền đó, ODA có mặt ở tất cả các địa phương, từ thành thị đến nông thôn, từ miền núi đến các vùng hải đảo và là nguồn đầu tư quan trọng trong nhiều lĩnh vực (xem bảng bên dưới).

Nhìn vào những con số thống kê, dễ dàng nhận ra vai trò và tầm quan trọng của nguồn vốn ODA đối với quá trình phát triển của nước ta.

Tuy nhiên, với tốc độ đầu tư phát triển như hiện nay, Việt Nam vẫn cần ODA ưu đãi trong vòng 15-20 năm tới vì ngân sách hàng năm của Chính phủ vẫn còn quá nhỏ bé so với nhu cầu đầu tư.

Cụ thể, về cơ sở hạ tầng kinh tế, hiện nay vẫn còn nhiều bất cập và chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển. Hệ thống giao thông vận tải còn yếu kém và bị quá tải, mạng lưới điện và năng lượng thường xuyên bị thiếu hụt, cảng biển, sân bay còn ít và quy mô nhỏ trong khi bưu chính viễn thông chưa đáp ứng được sự hội nhập của một nền kinh tế hiện đại.

Về cải cách thể chế, tuy đã và giải quyết được một số bất cập trong quản lý hành chính công, song hiện nay đây vẫn là một trong những mặt còn yếu kém so với yêu cầu hội nhập của đất nước.

Trong khi đó, hiện còn hơn 75% dân cư sống ở khu vực nông thôn đang gặp nhiều khó khăn về thu nhập, điều kiện sống và cơ sở hạ tầng. Khoảng cách so với khu vực thành thị có nguy cơ nới rộng.

Song song đó là nhiều vấn đề xã hội cần phải nhanh chóng giải quyết như: phát triển nguồn nhân lực, y tế, giáo dục, bảo vệ môi trường và tạo công ăn việc làm cho người lao động.

Vì vậy, để khỏi bị bất ngờ với những thách thức sắp tới, thiết nghĩ Chính phủ cần quan tâm một số vấn đề sau:

Đánh giá đúng mức độ tăng trưởng GDP

Việc xác định đúng mức độ tăng trưởng GDP trong những năm sắp tới là hết sức cần thiết. Không thể vì thành tích mà tự nhận mình là quốc gia có thu nhập đầu người đạt ngưỡng 1.000 đô la. Thậm chí cũng nên chấp nhận thực tế nếu kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2006-2010 có nhiều chỉ tiêu không đạt, trong đó có chỉ tiêu về GDP. Như vậy, không những chúng ta tự đánh giá đúng về bản thân mà còn có thể kéo dài thời hạn ưu đãi ODA từ các nhà tài trợ.

Đẩy mạnh công tác quản lý ODA

Tính từ thời điểm này, còn hơn hai năm nữa để thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2006-2010. Trong thời gian còn lại, cần có những bước đột phá trong việc thúc đẩy giải ngân nguồn vốn ODA, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, sử dụng tiết kiệm, đúng mục đích… Những sai lầm trước đây về quản lý và phân cấp sử dụng vốn ODA cần được rút kinh nghiệm nghiêm túc để tránh không lặp lại vết xe đổ.

Theo tính toán, hiện nhu cầu vốn đầu tư phát triển là rất lớn, trong hai năm còn lại nếu Chính phủ kêu gọi được khoảng hơn 20 tỉ đô la từ nguồn ODA thì mới có thể đáp ứng được phần nào nhu cầu. Tuy nhiên, dù có lạc quan cũng phải thừa nhận, đạt được con số này là rất khó, vì năm 2008, năm mà Việt Nam thu hút được nhiều nguồn vốn cam kết viện trợ nhất, cũng mới chỉ đạt hơn 5 tỉ đô la.

Vì vậy, song song với sự chuẩn bị cho thời kỳ “hậu ODA”, đã đến lúc cần có một cái nhìn toàn diện và tỉnh táo hơn về vai trò của nguồn vốn vay nợ nước ngoài này để từ đó hoạch định các chính sách kinh tế vĩ mô phù hợp. Và trên hết, cần nhận thức rằng phải giảm dần sự lệ thuộc vào ODA, đồng thời phát huy nguồn vốn trong nước, đặc biệt là khu vực kinh tế tư nhân.

PHAN THANH TỊNH – Bộ Kế hoạch và Đầu tư

(THÀNH TRUNG lược ghi)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới