Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Chung cư không còn an cư?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Chung cư không còn an cư?

Nguyễn Huệ Nghi

Chung cư không còn an cư?
Ẩu đả xảy ra tại chung cư Era Town tại Quận 7, TP.HCM ngày 3-1-2016. Ảnh: thanhnien.vn

(TBKTSG Online) – Mâu thuẫn giữa cư dân sinh sống tại các khu chung cư với chủ đầu tư và ban quản trị, giữa ban quản trị với chủ đầu tư gần đây diễn ra liên miên. Nhẹ thì thấy cảnh giăng biểu ngữ, phát loa phản đối, nặng hơn thì tranh luận gay gắt trên bàn hội nghị hay kéo nhau ra tòa. Và cấp độ nguy hiểm nhất, đó là xảy ra những cuộc ẩu đả, đổ máu…

Sáng 3-1-2016, trên mạng phát tán một clip ghi lại cảnh ẩu đả tại chung cư Era Town (phường Phú Mỹ, quận 7, TP.HCM). Theo báo Thanh Niên, trước đó cư dân ở lô B chung cư này đã giăng băng rôn, phát loa đòi nhà đầu tư phải tổ chức hội nghị nhà chung cư nhưng chưa được đáp ứng. Vụ xô xát diễn ra giữa một nhóm người lạ mặt đến từ bên ngoài gây thương vong cho một số dân cư tại Era Town một lần nữa báo động về tình hình phức tạp về an ninh trong các khu chung cư hiện nay.

Nhưng đây không phải trường hợp hiếm. Chưa đầy một tháng trước, tại chung cư 4S Riverside ở đường 17, phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức, TP.HCM cũng đã xảy ra một cuộc xô xát đẫm máu giữa nhóm thanh niên có dương tính với ma túy đến từ bên ngoài (theo thông tin trên báo chí, nhóm này được chủ đầu tư là công ty Thành Trường Lộc thuê đến tháo dỡ công trình xây dựng trái phép) với cư dân, dẫn đến một người dân bị thương phải nhập viện.

Việc tổ chức mô hình sinh hoạt, an ninh, dịch vụ trong các chung cư hiện nay đã có quy định pháp luật. Tuy nhiên, nhìn vào những vụ việc nảy sinh mâu thuẫn gây thiệt hại cho khách hàng là cư dân gần đây tại các chung cư, có thể thấy có ba nguyên nhân chính: mâu thuẫn giữa cư dân với ban quản trị, giữa cư dân với chủ đầu tư và giữa chủ đầu tư với ban quản trị.

Một phóng viên trong mảng địa ốc cho biết, dù cho xảy ra loại mâu thuẫn nào, thì thiệt hại lớn nhất vẫn thuộc về cư dân. Có những chung cư thường xuyên diễn ra các hội nghị đầy căng thẳng do quyền lợi của cư dân không được đảm bảo. Cũng có những chung cư mất vài năm trời cư dân chưa đồng thuận để có thể bầu ra được một ban quản trị để xử lý những vấn đề chung.

Câu hỏi đặt ra, một khi cư dân đã dọn về sinh sống và coi căn hộ là tài sản của mình, nhưng nếu xảy ra sự không thỏa mãn về quyền lợi dịch vụ an ninh theo luật định, thì ai sẽ là người bảo vệ họ? Rõ ràng, câu trả lời đơn giản nhất trên lý thuyết, sẽ là đưa nhau ra tòa, phải trái đúng sai đã có luật.

Nhưng, “sòng phẳng” trên phương diện pháp luật lại là một câu chuyện khác, còn trên thực tế, với cách hành xử của những chủ đầu tư cũng như các ban quản trị gần đây với chính khách hàng của mình thì có thể hiểu: người dân hoặc ngậm đắng nuốt cay chịu thiệt cầu an để sinh sống, vì họ biết rằng cuộc đấu tranh của mình với chủ đầu tư là một cuộc đấu tranh không hề cân sức. Và muốn an toàn, họ buộc phải chấp nhận mình sống trong một cộng đồng mà ở đó ông chủ đầu tư sau khi bán xong nhà thì cao chạy xa bay (hoặc trở lại trong tư cách thành viên ban quản trị hay đối tác cho thuê các tổ hợp thương mại đi kèm) và một ban quản trị độc quyền cung cấp các dịch vụ từ chỉnh sửa căn hộ đến quyền chọn thuê công ty dịch vụ bảo vệ…

Ông Tú, một cư dân tại khu chung cư 4S Riverside (Thủ Đức, TP.HCM), bị hành hung vào giữa tháng 12-2015. Ảnh: trích từ clip do người dân ghi hình tung lên mạng.

Giá căn hộ chung cư Việt Nam hiện nay, như nhiều nhà phân tích đã nhận định, là còn rất cao so với mức thu nhập bình quân xã hội. Nhiều người dân đã phải chấp nhận trả nợ nhiều năm để có một chỗ ở mà họ cầu mong là thực sự văn minh, yên ổn. Nhưng trong thực tế việc kinh doanh địa ốc phức tạp như hiện nay, ngay chuyện lai lịch nhà đầu tư mà họ ký hợp đồng mua bán đôi khi cũng thay đổi xoành xoạch, cơ chế pháp lý rườm rà và lối ứng xử mafia trong tổ chức cộng đồng dân cư đang khiến người dân bị đặt trước rất nhiều lệ thuộc và rủi ro.

Cuộc sống trong mỗi chung cư có thể xem như một đơn vị hành chính thu nhỏ, dù được dựng nên trong sự xét duyệt, giám sát của chính quyền địa phương (phường, quận) nhưng trên thực tế ít nhiều mang tính tự quản, thậm chí, trong nhiều trường hợp, có màu sắc tự trị.

Sự đùn đẩy trách nhiệm của chính quyền địa phương, sự khoán trắng chức năng an ninh cho ban quản trị các chung cư sẽ rất dễ dàng dẫn đến tình trạng tham nhũng và lối hành xử cát cứ, mafia trong nội bộ quản lý chung cư, ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống cư dân. Do vậy, nếu không chấn chỉnh bằng những ràng buộc pháp lý cụ thể gia tăng trách nhiệm trị an của chính quyền thì việc chủ đầu tư hay ban quản trị thuê “anh chị” bên ngoài vào hành hung cư dân để trấn áp khi xảy ra những bất đồng quyền lợi sẽ còn tiếp tục xảy ra và hậu quả sẽ thật khó lường.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới