Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Chứng khoán 2020 và điều thần kỳ giữa Covid-19

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Chứng khoán 2020 và điều thần kỳ giữa Covid-19

V.Dũng

(TBKTSG Online) – Covid-19 nhiều lần phủ bóng tối lên thị trường chứng khoán (TTCK) trong năm 2020 nhưng càng về cuối năm thì ánh sáng đã xuất hiện với những điều thần kỳ. Cảm xúc từ Covid-19 tạo ra cho thị trường là chưa có tiền lệ, không chỉ ở các lần lao dốc, lập đỉnh mà còn cho thấy sức mạnh của nhà đầu tư cá nhân và cả những thời điểm hệ thống không thể giao dịch vì "quá nhiều tiền".

Chứng khoán 2020 và điều thần kỳ giữa Covid-19
Thị trường chứng khoán năm 2020 đã xuất hiện những điều thần kỳ. Ảnh minh họa: TTXVN

Năm 2020, TTCK Việt Nam ghi dấu mốc lịch sử khi tròn 20 năm mở cửa hoạt động. Có thể vì lẽ đó mà thị trường đã bước qua năm nay một cách khá đặc biệt với việc đi từ dưới vực sâu lên đến đỉnh cao và hàng loạt kỷ lục được thiết lập. Nhìn tổng quan, chứng khoán Việt Nam 2020 như một bức tranh tương phản của bóng tối và ánh sáng. 

Câu chuyện giữa 2 chiều kỷ lục

TTCK Việt Nam bước vào năm 2020 suôn sẻ, các nhóm cổ phiếu đồng loạt tăng trong tháng 1. Nhà đầu tư tưởng chừng có một năm thuận lợi sau hai năm 2018 và 2019 giao dịch chật vật.

Nhưng Covid-19 đã đến, ngay trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán khiến nhà đầu tư bất ngờ và không kịp trở tay. TTCK Việt Nam lao dốc ngay trong phiên mở cửa  đầu năm âm lịch, VN-Index mất gần 32 điểm. Hai phiên 30 và 31-1, chỉ số giảm tổng cộng gần 55 điểm, thổi bay hàng chục tỉ đô la vốn hóa.

Nếu tính rộng ra quí 1 thì phản ứng của các nhà đầu tư trên toàn cầu đã dẫn đến một đợt sụt giảm nhanh và mạnh chưa từng thấy trên các TTCK. VN-Index chỉ trong hai tháng sau đó đã sụt giảm 33,51% xuống mức thấp nhất trong vòng ba năm.

Làn sóng bán tháo cổ phiếu tiếp tục diễn ra, tần xuất giảm sàn của các cổ phiếu có vốn hóa lớn ngày một nhiều và đồng loạt. Bước vào năm 2020, VN-Index với 992 điểm và kỳ vọng chinh phục mốc 1.000 điểm trong quí 1 thì rất nhanh sau đó đã phải thoái lui về mức 650 điểm. Covid-19 vẫn chưa được kiểm soát khiến nhiều nhà đầu tư nghĩ về các cột mốc thảm họa cho VN-Index, những kịch bản như ngắt giao dịch đã được tính đến. 

Và rồi thị trường đảo ngược khi những gói kích thích kinh tế, bơm tiền được chính phủ các nước đưa ra. TTCK toàn cầu đã hồi phục với sự kỳ vọng của giới đầu tư. Thị trường được vực dậy bằng tâm lý nhiều hơn là các phương pháp kỹ thuật, đồng tiền đang ngày một rẻ hơn, nhiều hơn đã thúc đẩy TTCK bật dậy bỏ qua cả những bi quan về thực trạng nền kinh tế.

VN-Index hồi phục mạnh mẽ, thanh khoản tăng cao kỷ lục, cùng với đó là sự tham gia mạnh mẽ của lớp nhà đầu tư mới, khiến nhà quản lý, giới chuyên gia, các thành viên tham gia thị trường cảm thấy “bất ngờ”, vượt qua cả kỳ vọng

Tính đến ngày 17-12, tổng mức huy động vốn cho nền kinh tế của TTCK đạt 383.600 tỉ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ năm trước; giá trị giao dịch bình quân trên thị trường cổ phiếu đạt 7.056 tỉ đồng/phiên, tăng 51,5% so với bình quân năm 2019; giá trị giao dịch bình quân trên thị trường trái phiếu đạt 10.247 tỉ đồng/phiên, tăng 11,3%; khối lượng giao dịch bình quân sản phẩm hợp đồng tương lai trên chỉ số VN30 trên TTCK phái sinh đạt 157.314 hợp đồng/phiên, tăng 77%.

Tính đến ngày 30-11-2020, tổng giá trị vốn hóa TTCK đạt hơn 6,11 triệu tỉ đồng – là mức cao nhất từ trước đến nay, chiếm 101,33% GDP, vượt mục tiêu chiếm 70% GDP đề ra trong chiến lược phát triển TTCK tới năm 2020.

Một nhà lãnh đạo của một quỹ đầu tư nội nhận xét, TTCK đang trong những ngày mà nhà đầu tư “mua gì cũng thắng” bất kể cổ phiếu tốt xấu, thị giá cao hay thấp, kết quả kinh doanh triển vọng hay thua lỗ. Thị trường bắt đầu tới giai đoạn lãi suất thấp quá, tiền rẻ nhiều, nên bị hướng theo các màn đầu cơ. Sự kích thích kinh tế quy mô lớn chưa từng có tiền lệ có thể tạo dựng những con sóng mà sự phi lý đến mức chúng ta chưa từng được chứng kiến. 

Sự bùng nổ của những thiên thần F0

Với mức độ phục hồi mạnh mẽ của TTCK và lãi suất duy trì thấp kỷ lục, dòng tiền đã chảy mạnh vào kênh đầu tư chứng khoán. Cộng thêm những điều nằm ngoài quy luật nói trên, thị trường ghi nhận quy mô tham gia của nhà đầu tư mới cao chưa từng thấy trong lịch sử.

Số liệu từ Trung tâm lưu ký chứng khoán (VSD) cho thấy, nhà đầu tư cá nhân trong nước mở mới hơn 41.000 tài khoản trong tháng 11, tăng 13% so với tháng trước. Đây là con số kỷ lục, vượt qua cả mức 40.500 tài khoản cá nhân mở mới trong tháng 3-2018, một tháng trước khi VN-Index lập đỉnh lịch sử 1.200 điểm.

Nguồn: VSD

Tuy nhiên, "kỷ lục" về số nhà đầu tư cá nhân không chỉ là thành tích của tháng 11 mà đã xuất hiện liên tục từ tháng 3 năm nay. Đồ thị về số lượng tài khoản mở mỗi tháng trong nửa cuối năm nay gấp đôi so với mức trung bình năm trước. Sự chênh lệch này phần lớn đến từ những khách hàng mới, các nhà đầu tư F0.

Nhà đầu tư F0 hay "nhà đầu tư số 0" là khái niệm để chỉ nhóm nhà đầu tư mới, những người không am hiểu thị trường, không có kinh nghiệm, không người dẫn dắt nhưng được đánh giá là có phản ứng nhạy bén và muốn tự bảo vệ đồng vốn của mình.

Nhiều báo cáo phân tích đánh giá đây cũng là sự phản ứng logic trước làn sóng thay đổi chính sách tài khoá, tiền tệ. Họ phản ứng nhạy bén để tự bảo vệ đồng vốn của mình. Họ không hẳn chỉ lao vào thị trường ngắn hạn và có cơ sở để tin họ sẽ tồn tại, trở thành xu hướng lâu dài trên thị trường.

Khoảng 90% số người Việt có khoản tiền dư giả sẽ nghĩ đến việc gửi tiết kiệm và tiền gửi tiết kiệm trong hệ thống ngân hàng hiện nay lên đến hàng triệu tỉ đồng. Vì lẽ đó, trong năm nay, chỉ một lượng tiền vừa phải dịch chuyển từ tiết kiệm sang kênh chứng khoán đã giúp TTCK năm 2020 tưởng không vui mà trở thành vui không tưởng.

Sự tham gia mạnh mẽ của các nhà đầu tư mới cũng đẩy thanh khoản thị trường tăng lên ngưỡng kỷ lục với phiên giao dịch đạt gần 23.562 tỉ đồng hai sàn ngày 15-6-2020. Giá trị khớp lệnh cũng liên tục đạt hơn 10.000 tỉ đồng/phiên trong tháng 12-2020. Chưa bao giờ TTCK lại đón nhận một lượng tiền nhiều như vậy.

Chứng khoán “tắc đường” khi tiền quá nhiều

Khi dòng tiền từ nhà đầu tư cá nhân đổ về nhiều, đi kèm với khối lượng các lệnh đặt nhỏ lẻ nhiều, cũng là lúc hệ thống bị quá tải. Nếu F0 là điểm cộng cho sự hấp dẫn của kênh đầu tư chứng khoán, sự chuyển dịch dòng tiền từ kênh tiết kiệm sang thị trường vồn, những trục trặc về giao dịch trong giai đoạn thị trường thăng hoa nhất lại là điểm trừ.

Tình trạng này không đến từ một thời điểm cố định trong phiên mà thường xảy ra khi dòng tiền vào thị trường quá lớn. Ngưỡng giao dịch 13.000-14.000 tỉ đồng trở thành cột mốc khiến nhiều người lo lắng, bởi khi thanh khoản đạt tới ngưỡng này, tình trạng "tắc" hệ thống giao dịch lại diễn ra.

Hệ thống liên tục bị nghẽn là điểm khiến nhiều nhà đầu tư ức chế trong năm 2020. Ảnh minh họa: TTXVN

Lần đầu hệ thống giao dịch của HoSE xảy ra tình trạng tương tự là phiên 17-12. Từ đó đến nay, các công ty chứng khoán liên tục phản ánh hệ thống gặp sự cố gián đoạn nhận kết quả từ HoSE dẫn đến không thể chuyển lệnh hoặc kết quả chưa được cập nhật. Tình trạng này xảy ra khi dòng tiền chảy vào thị trường ồ ạt, thể hiện qua kỷ lục về khối lượng giao dịch cổ phiếu liên tiếp bị phá, hiện cao nhất là 813 triệu cổ phiếu một phiên.

Ông Lê Hải Trà, Thành viên phụ trách Hội đồng quản trị HoSE lý giải, đường truyền và hệ thống vẫn hoạt động ổn định nhưng khối lượng giao dịch đột biến thì khó tránh tình trạng tắc nghẽn. Ông dẫn chứng số lượng lệnh giao dịch từ 20 công ty chứng khoán hàng đầu thị trường tăng 3-12 lần, một số công ty còn sử dụng thuật toán và robot để giao dịch "khiến lệnh tăng như sóng thần nên HoSE không thể kiểm soát".

Điều này, theo nhiều chuyên gia, xuất phát từ yếu tố khách quan khi dòng tiền trên thị trường quá đột biến. Nhưng thực trạng này cũng cho thấy những giới hạn của hệ thống giao dịch hiện tại. Hệ thống không lỗi nhưng vấn đề nằm ở quy mô dữ liệu tối đa có thể tiếp nhận. Vì vậy việc nâng cấp hạ tầng vẫn là điều cần thiết để giảm thiểu những ức chế của nhà đầu tư hay hạn chế đà thăng hoa của thị trường.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới