Thứ Tư, 17/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Chứng khoán châu Á chững lại sau 1 tuần tăng mạnh  

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Chứng khoán châu Á chững lại sau 1 tuần tăng mạnh  

Tình trạng thất nghiệp tăng nhanh khiến cho những dấu hiệu lạc quan về kinh tế thế giới mất sức thuyết phục. Ảnh AP

(TBKTSG Online) – Sau khi tăng đột biến vào hôm qua thứ Năm, hôm nay các thị trường chứng khoán châu Á trở lại với nhịp điệu “đủng đỉnh” vốn có, bất chấp những thông tin tích cực phát ra từ các nền kinh tế lớn như Mỹ và Trung Quốc và từ Hội nghị thượng đĩnh G20 tại London khơi dậy.

Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần vào hôm nay thứ Sáu 3-4, các chỉ số chứng khoán chính tại châu Á vẫn tăng nhưng với mức khiêm tốn hơn rất nhiều so với hôm qua. Chỉ số Nikkei 225 của Nhật chỉ tăng 0,34% (hôm qua tăng 4,4%), Hang Seng của Hồng Kông tăng 0,16%, STI của Singapore tăng 0,86% và S&P/ASX của Úc tăng 1,51%. Giới kinh doanh cho rằng, đợt tăng giá mạnh kéo dài từ đầu tuần này đã đến lúc kết thúc.

Lúc 16g hôm nay tại châu Á, giá dầu giảm 0,79 đô la (tức 1,5%), còn 51,85 đô la Mỹ/thùng; giá vàng cũng giảm 0,70 đô la (0,08%) còn 908,2 đô la Mỹ/ounce.  

Trong nội địa Trung Quốc chỉ số SCI của Thượng Hải giảm 0,23% bất chấp thông tin đưa ra ngày hôm qua rằng chỉ số PMI tháng 3 đã tăng lên 52,4 điểm, từ 49 điểm của tháng trước và là lần đầu tiên kể từ tháng 9 năm ngoái chỉ số PMI của Trung Quốc vượt lên khỏi ngưỡng 50 điểm – một dấu hiệu cho thấy quá trình suy giảm của kinh tế Trung Quốc đã chạm đáy và bắt đầu bật trở lại. [PMI (Purchasing Manager’s Index) là thước đo điều kiện sản xuất kinh doanh, PMI >50 cho thấy sản xuất công nghiệp có phát triển, PMI<50 là sản xuất trì trệ. Chỉ số PMI tháng 3 của Mỹ là  31,4 điểm, của EU là 33,9 điểm và của Nhật Bản là 33,8 điểm].  

Ngoài Trung Quốc, các nền kinh tế lớn khác cũng có những tín hiệu tích cực bên cạnh những thông tin u ám quen thuộc về tình hình kinh tế. Tại Mỹ lượng đơn đặt hàng cho các nhà máy công nghiệp đã tăng trong tháng 2 sau bảy tháng giảm sút liên tiếp; sự kiện hai viện Quốc hội Mỹ phê chuẩn bản dự thảo ngân sách “khổng lồ”, trị giá tới 3.600 tỉ đô la của Chính phủ Obama và lãi suất cho vay thế chấp giảm mạnh có tác dụng kích thích tiêu dùng… khiến giới quan sát hy vọng mơ hồ rằng sự suy thoái của kinh tế Mỹ đã chạm đáy và sẽ sớm hồi phục.

Tại Âu châu, Ngân hàng trung ương châu Âu ECB quyết định giảm lãi suất cơ bản thêm 50 điểm phần trăm, xuống 1,25%/năm, được hy vọng sẽ góp phần kích thích sản xuất và tiêu thụ của người dân ở châu lục này.  

Hội nghị thượng đỉnh G20 thể hiện sự đoàn kết của lãnh đạo các nền kinh tế lớn nhất thế giới trong công cuộc vực dậy kinh tế toàn cầu cũng thổi một niềm tin mới vào các thị trường. G20 đồng ý tăng nguồn lực của Quỹ Tiền tệ quốc tế lên 750 tỉ đô la, gấp ba mức hiện nay, và dành 250 tỉ đô la hỗ trợ tín dụng thương mại toàn cầu trong hai năm tới. Theo các nhà lãnh đạo, những biện pháp này có khả năng đưa sản lượng kinh tế thế giới tăng 4% vào cuối năm 2010.  

Tuy vậy, tình trạng mất việc làm và thất nghiệp không ngừng gia tăng vẫn làm cho những tín hiệu lạc quan trở nên mất sức thuyết phục. Số liệu công bố sáng nay cho thấy trong tháng 3 Mỹ đã mất thêm 650.000 chỗ làm trong các ngành phi nông nghiệp, đưa tỉ lệ người hưởng trợ cấp thất nghiệp ở nước này lên mức 8,5% lực lượng lao động, mức cao nhất từ năm 1983 đến nay. 8,5% cũng là tỷ lệ thất nghiệp ghi nhận được ở khu vực sử dụng đồng euro trong Liên hiệp châu Âu.

Thái Bình

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới