Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Chứng khoán châu Á xanh lại; Nikkei tăng 7,7%

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Chứng khoán châu Á xanh lại; Nikkei tăng 7,7%

Phúc Minh

Chứng khoán châu Á xanh lại; Nikkei tăng 7,7%
Chứng khoán Nhật Bản ngày 9-9 có mức tăng trong ngày lớn nhất trong gần 7 năm qua, dẫn đầu thị trường châu Á. Ảnh: Sina

(TBKTSG Online) – Thị trường chứng khoán châu Á ngày 9-9 ngập sắc trở lại nhờ chứng khoán Mỹ và châu Âu tăng vào hôm trước. Trong đó, chứng khoán Nhật Bản có mức tăng trong ngày lớn nhất trong gần 7 năm qua, dẫn đầu thị trường châu Á.

Chứng khoán Nhật Bản tăng mạnh nhất trong gần 7 năm qua

Ngày 9-9, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cho biết trong vòng 2 năm tính đến khi kết thúc năm tài chính 2016, Nhật Bản sẽ giảm ít nhất 3,3 điểm phần trăm thuế suất thuế doanh nghiệp để kích thích kinh tế.

Thông tin trên thúc đẩy chỉ số Nikkei 225 (Nhật Bản) tăng 7,71%, mức tăng trong ngày lớn nhất kể từ tháng 10-2008 và phục hồi số điểm bị mất trong cả năm 2015, đóng cửa ở mức 18.770,51 điểm.

Cùng ngày, chỉ số Topix (Nhật Bản) cũng tăng 6,4%, mức tăng trong ngày lớn nhất kể từ tháng 3-2011, đóng cửa ở mức 1.507,37 điểm.

Chứng khoán TQ tiếp tục tăng

Đóng cửa giao dịch ngày 9-9, chỉ số Shanghai Composite (Trung Quốc) tiếp tục tăng 2,29%, sau khi tăng 2,92% vào hôm qua, lên 3.243,09 điểm. Ngày 8-9, Giám đốc phân tích chiến lược La Văn Ba của Công ty chứng khoán Tề Lỗ (Trung Quốc) nhận định: “Tỷ giá hối đoái nhân dân tệ ổn định trong thời gian gần đây khiến rủi ro của thị trường giảm xuống”.

Tính đến 15 giờ 53 phút ngày 9-9, chỉ số Hang Seng (Hồng Kông) tăng mạnh 4,28%, lên mức 22.168,41 điểm.

Sắc xanh tràn ngập chứng khoán toàn cầu ngày 8-9

Trước đó vào ngày 8-9, số liệu xuất khẩu tháng 8-2015 yếu kém của Trung Quốc khiến thị trường dự báo chính phủ Trung Quốc sẽ tiếp tục có thêm biện pháp nới lỏng, kích thích thị trường chứng khoán toàn cầu tăng lên.

Các chỉ số chứng khoán chính của Mỹ ngày 8-9 đều ghi nhận mức tăng hơn 2%.

Các thị trường chứng khoán châu Âu cũng tăng do số liệu xuất nhập khẩu tháng 7-2015 của Đức đạt mức cao kỷ lục và Cục thống kê châu Âu (Eurostat) công bố số liệu điều chỉnh cho thấy khu vực đồng euro (eurozone) tăng trưởng 0,4% trong quí 2-2015, cao hơn mức ước tính ban đầu 0,3%.

Diễn đàn kinh tế Davos mùa hè thảo luận vấn đề tăng trưởng

Diễn đàn kinh tế thế giới mùa hè, còn gọi là Diễn đàn kinh tế Davos mùa hè, với chủ đề “Phác hoạ lộ trình tăng trưởng mới”, diễn ra từ ngày 9-9 đến ngày 11-9 tại thành phố Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc, ngày 9-9 khai mạc với sự tham dự của hơn 1700 đại biểu đến từ gần 90 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Diễn đàn diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới có phục hồi nhưng vẫn còn chậm và chứa đựng nhiều rủi ro, kinh tế Trung Quốc đối diện với áp lực giảm tăng trưởng và chính phủ nước này phá giá nhân dân tệ ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế toàn cầu. Theo đó, kinh tế Trung Quốc và xu hướng chính sách mà chính phủ nước này áp dụng trong thời gian tới có tác động thế nào với nền kinh tế toàn cầu sẽ là chủ đề chính được thảo luận tại Diễn đàn năm nay.

Cùng với chủ đề tăng trưởng kinh tế, Diễn đàn còn thảo luận các vấn đề phát triển nông nghiệp, đảm bảo an ninh lương thực, bồi dưỡng nguồn nhân lực, bảo vệ môi trường, tăng cường kết nối cơ sở hạ tầng và gắn kết giữa các nền kinh tế…

Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) được tổ chức thường niên tại thành phố Davos (Thuỵ Sỹ) vào mùa đông, còn Diễn đàn kinh tế thế giới tổ chức tại Trung Quốc diễn ra vào mùa hè, nên còn được gọi là Diễn đàn kinh tế Davos mùa hè. Diễn đàn kinh tế Davos mùa hè ra đời từ năm 2007, được tổ chức luân phiên tại hai thành phố Đại Liên và Thiên Tân của Trung Quốc hàng năm.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới