Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Chứng khoán điều chỉnh là cơ hội tái cơ cấu danh mục

Triêu Dương

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) – Thị trường điều chỉnh sâu, nhưng đó không phải là bi kịch với tất cả nhà đầu tư, đặc biệt là những người đã sớm thoát ra khi chốt lời ở các mã đầu cơ tăng nóng, và hiện đang chờ đợi để chọn hàng ở những vùng giá hấp dẫn, hoặc đã sớm mua vào trước đó ở các mã cổ phiếu đang thể hiện xu hướng tích cực hơn so với thị trường chung trong những phiên vừa qua.

Tín hiệu báo trước

Chỉ trong vòng hai phiên cuối tuần trước và một phiên đầu tuần này, chỉ số VN-Index đã bốc hơi đến 32 điểm, tương ứng giảm gần 2,2%, trong đó đáng chú ý là ngày 19-11 khi mức dao động trong phiên lên đến 45 điểm, đẩy VN-Index có lúc về mức thấp nhất ở 1.437 điểm cùng khối lượng giao dịch tính riêng trên sàn HOSE ở mức kỷ lục gần 1,49 tỉ cổ phiếu được trao tay.

Nhưng có lẽ phiên nhà đầu tư cảm thấy cay đắng nhất là phiên đầu tuần này (ngày 22-11), dù VN-Index chỉ giảm 5,1 điểm nhưng có đến 111 cổ phiếu giảm sàn ở HOSE và HNX, UpCom lần lượt là 55 mã và 30 mã. Hàng loạt cổ phiếu hàng đầu cơ lẫn cơ bản tốt nhưng đã tăng nóng trong thời gian qua hầu hết đều chìm trong sắc xanh dương, tức giảm sàn. Có đến 22/25 nhóm ngành sụt giảm, chỉ riêng ba nhóm gồm ngân hàng, vật liệu xây dựng và thực phẩm – đồ uống đóng cửa trong sắc xanh, đặc biệt là các cổ phiếu ngân hàng đã góp phần kìm hãm mức sụt giảm của VN-Index.

Sự suy yếu và bán tháo của thị trường dường như đã được cảnh báo trước đó, khi những nhà đầu tư dày dạn kinh nghiệm đã chứng kiến dấu hiệu dòng tiền dần thoát ra kể từ đầu tháng 11 đến nay, thể hiện qua thanh khoản tăng mạnh nhưng điểm số khi đóng cửa gần như đi ngang hoặc sụt giảm. Phiên đáo hạn phái sinh diễn ra hôm 18-11 chứng kiến VN-Index tiếp tục đóng cửa trong sắc đỏ, thị trường đã chính thức ghi nhận bốn ngày phân phối, một chỉ báo kỹ thuật đo lường điểm số của chỉ số/cổ phiếu giảm nhưng khối lượng giao dịch cao hơn so với ngày trước đó.

Thực tế thị trường gần đây cũng thường xuyên chứng kiến những thời điểm bị bán tháo bất thường trong phiên, khi chỉ số và nhiều cổ phiếu đang tăng mạnh bất ngờ chuyển sang đỏ với khối lượng xả hàng ồ ạt, đến cuối phiên mới lại được kéo lên để đóng cửa trong sắc xanh nhẹ. Diễn biến như vậy rõ ràng chẳng khác nào kéo xả.

Bên cạnh đó, việc hàng loạt cổ phiếu vốn hóa nhỏ thuộc nhóm hàng đầu cơ tăng trần liên tiếp trong những ngày trước đó cũng là một cảnh báo xấu, cho thấy đà đi lên thiếu bền vững của thị trường và cũng là tín hiệu cho thấy nguy cơ điều chỉnh đang đến gần. Và thực tế những gì đã diễn ra từ cuối tuần trước đến nay đã khẳng định điều này, như bài “Tâm lý mua là thắng và sự nguy hiểm của thị trường chứng khoán” đã chỉ ra(1).

Trong khi đó, thị trường chứng khoán toàn cầu cũng đang chịu áp lực suy yếu và do đó cũng không hỗ trợ gì được về mặt tâm lý cho nhà đầu tư. Chỉ số Dow Jones của Mỹ đã phát tín hiệu điều chỉnh từ tuần thứ 2 của tháng này theo góc độ phân tích kỹ thuật. Với tình hình lạm phát đang leo thang khắp toàn cầu nói chung và tại Mỹ nói riêng, chính sách tiền tệ được dự báo sẽ thắt chặt sớm hơn dự kiến mà việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) chính thức thu hẹp chương trình mua tài sản ngay từ tháng 11 này là minh chứng rõ nhất.

Đừng quá bi quan

Dù thị trường điều chỉnh sâu, nhưng đó có lẽ không phải là bi kịch với tất cả các nhà đầu tư, đặc biệt là những người đã sớm thoát ra khi chốt lời ở các mã đầu cơ tăng nóng, và hiện đang chờ đợi để chọn hàng ở những vùng giá hấp dẫn, hoặc đã sớm mua vào trước đó ở các mã cổ phiếu đang thể hiện xu hướng tích cực hơn so với thị trường chung trong những phiên vừa qua, trong đó đáng chú ý là sự trở lại của nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, như kỳ vọng đặt ra trong bài “Chờ đợi sự trở lại của cổ phiếu blue-chip”(2).

Đơn cử như phiên đầu tuần này, dù VN-Index giảm mạnh nhưng chỉ số VN30 lại tăng gần 17 điểm, tương ứng tăng 1,13%. Còn phiên cuối tuần trước đó khi VN-Index giảm 18 điểm thì VN30 cũng chỉ giảm có 3 điểm. Ở chiều ngược lại, chỉ số VN-Midcap đo lường nhóm cổ phiếu vốn hóa trung bình đã bốc hơi hơn 4,6% chỉ trong hai phiên kể trên, còn chỉ số VN-SmallCap đo lường nhóm cổ phiếu vốn hóa nhỏ bị thổi bay gần 7%.

Những nhà đầu tư đã sớm tích lũy cổ phiếu ngân hàng trong hơn một tháng qua đang bắt đầu hưởng thành quả. Trong khi đó, nhiều nhà đầu tư cũng đang tận dụng sự điều chỉnh của thị trường trong những phiên vừa qua như là cơ hội để cơ cấu lại danh mục, lựa chọn các ngành tiềm năng và những cổ phiếu đang hút dòng tiền luân chuyển sang.

Ấn tượng nhất phải kể đến dòng ngân hàng khi là nhóm tăng mạnh nhất với mức tăng trưởng 5,6% chỉ trong hai ngày này. Đơn cử như phiên ngày 22-11, trong 10 cổ phiếu đóng góp điểm số tăng lớn nhất cho VN-Index, đã có đến tám mã ngân hàng, với CTG đóng góp lớn nhất là 2,2 điểm, sáu mã kế tiếp gồm VCB (+1,7 điểm), BID, VID và HDB đều xấp xỉ +1,2 điểm, TPB (+1 điểm), MBB (+0,9 điểm), hai mã còn lại là MSN và HPG đều ở mức +0,8 điểm, cuối cùng là TCB với +0,7 điểm.

Có thể thấy những nhà đầu tư đã sớm tích lũy cổ phiếu ngân hàng trong hơn một tháng qua đang bắt đầu hưởng thành quả. Trong khi đó, nhiều nhà đầu tư cũng đang tận dụng sự điều chỉnh của thị trường trong những phiên vừa qua như là cơ hội để cơ cấu lại danh mục, lựa chọn các ngành tiềm năng và những cổ phiếu đang hút dòng tiền luân chuyển sang.

Dù chịu áp lực nợ xấu gia tăng và phải hy sinh một phần lợi nhuận để hỗ trợ doanh nghiệp, nhưng không thể phủ nhận ngân hàng vẫn là ngành đang sinh lãi lớn nhất trên thị trường hiện nay, với các hệ số sinh lời vượt trội. Đặc biệt là trong giai đoạn suốt hơn bốn tháng qua khi cổ phiếu nhiều nhóm ngành khác tăng trưởng mạnh mẽ, ngay cả với nhóm cổ phiếu penny mang tính đầu cơ, nhóm cổ phiếu ngân hàng đã điều chỉnh đáng kể và thành ra hiện nay lại có mức định giá hấp dẫn so với những cổ phiếu khác đã tăng mạnh thời gian qua.

Ngoài ra, nhiều nhà đầu tư cũng kỳ vọng những khó khăn của ngành ngân hàng sẽ sớm qua đi, khi các chính sách hỗ trợ lãi suất, tái cơ cấu nợ sẽ kết thúc vào năm sau, do đó lợi nhuận của nhóm này sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ trở lại. Thực tế dòng tiền của các nhà đầu tư tổ chức đã tích cực rót vào nhóm ngân hàng trong hơn một tháng qua. Thông tin về những đề xuất nới tỷ lệ sở hữu nước ngoài cho các ngân hàng, hay gần đây nhất là việc một số ngân hàng tiếp tục được Ngân hàng Nhà nước nới hạn mức tăng trưởng tín dụng trong năm nay, đang trở thành chất xúc tác đẩy giá cổ phiếu ngân hàng tăng trở lại.

Kế tiếp phải kể đến nhóm ngành chứng khoán, khi thanh khoản liên tục tăng vọt từ đầu năm đến nay, đặc biệt là những phiên khối lượng giao dịch lên đến hơn 1 tỉ cổ phiếu, giá trị giao dịch vượt tỉ đô ngày càng thường xuyên hơn, cùng với số lượng tài khoản mở mới liên tục lập kỷ lục, sẽ giúp phí môi giới của các công ty chứng khoán tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ. Ngoài ra, hoạt động tự doanh của nhóm này cũng hiệu quả hơn trong sự biến động của thị trường vừa qua, bên cạnh thu nhập từ cho vay ký quỹ (margin) tăng trưởng mạnh mẽ, đặc biệt là những công ty tiếp cận được nguồn vốn vay rẻ từ các định chế tài chính quốc tế.

Nhóm công nghệ thông tin, bán lẻ hàng điện tử cũng có thể được lợi trong bối cảnh hiện nay, khi nhu cầu chuyển đổi số, giải trí, làm việc và học tập trực tuyến đang ngày càng trở thành một nhu cầu thường xuyên trong thời đại bình thường mới. Lợi nhuận của nhóm này được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ trong giai đoạn tới. Cuối cùng không thể không nhắc đến nhóm cổ phiếu mía đường, với kỳ vọng sẽ hưởng lợi từ giá đường thế giới đã tăng vọt trong thời gian gần đây nhưng giá trong nước vẫn chưa tăng theo kịp.

—————–

(1) (Link: https://thesaigontimes.vn/tam-ly-mua-la-thang-va-su-nguy-hiem-cua-thi-truong-chung-khoan/

(2) (https://thesaigontimes.vn/cho-doi-su-tro-lai-cua-co-phieu-blue-chip/)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới