Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Chứng khoán điều chỉnh – những áp lực nào đang đè nặng lên thị trường?

Triêu Dương

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) – Nếu không thể tìm được hỗ trợ ở đường cản trên trong xu hướng giảm giá trước đây, tương đương vùng giá quanh 1.000 điểm, mà rớt trở lại vào kênh xu hướng giảm giá này, đây được xem là một tín hiệu tiêu cực và có thể thúc đẩy thêm nhiều nhà đầu tư tiếp tục tạm thoát khỏi thị trường.

Không còn đồng thuận

Chỉ trong vòng năm phiên từ ngày 21-2-2023, chỉ số VN-Index đã rớt từ đỉnh cao 1.095 điểm xuống mức thấp nhất ở 1.017 điểm tính đến phiên đầu tuần này (27-2), tức giảm 78 điểm, tương đương 7,2%. Có thể thấy sau chuỗi tăng ấn tượng trong tháng đầu năm, đẩy thị trường bước vào vùng quá mua ngắn hạn, thị trường chứng khoán Việt Nam đang bước vào giai đoạn điều chỉnh như nhiều dự báo trước đó đã đưa ra.

Đáng lưu ý, nếu như đà phục hồi ấn tượng kéo dài từ giữa tháng 11 năm ngoái có sự đóng góp không nhỏ từ lực mua ròng mạnh mẽ của nhà đầu tư nước ngoài, cũng như là lực đỡ quan trọng giai đoạn thị trường điều chỉnh khoảng nửa đầu tháng 2, thì trong những phiên vừa qua nhóm này đã bán ròng trở lại, cho thấy sự đồng thuận về thị trường đã không còn được duy trì.

Thống kê cho thấy tính từ ngày 15-2 đến phiên đầu tuần này, khối ngoại đã bán ròng chín phiên liên tiếp, riêng trên sàn HOSE tổng giá trị bán ròng lên tới hơn 2.500 tỉ đồng, trong đó cao nhất là vào phiên ngày 23-2 với giá trị bán ròng 278 tỉ đồng và phiên 27-2 với giá trị bán ròng hơn 658 tỉ đồng.

Còn theo giới phân tích, khối ngoại thực ra không đẩy quá mạnh bán ra, khi cường độ bán vẫn như vậy trong nhiều tuần qua, nhưng lực mua không còn đủ sức cân lượng bán ra nữa. Diễn biến này cho thấy tín hiệu ngày càng rõ hơn về sự suy yếu của dòng vốn ngoại, hơn là nhu cầu chốt lời quá đột biến.

Có thể thấy nếu như đợt phục hồi của thị trường trong tháng đầu năm đến từ những kỳ vọng chính sách thắt chặt tiền tệ đã đi vào giai đoạn cuối, giúp lãi suất và tỷ giá trong nước ổn định hơn, thì những dự báo mới gần đây đã khiến những rủi ro bất ổn quay trở lại và tác động tiêu cực lên tâm lý nhà đầu tư, do đó dòng tiền rút ra trở lại là tất yếu

Đi cùng với điểm số đi xuống là khối lượng giao dịch cũng sụt giảm trở lại, cho thấy dòng tiền tiếp tục thận trọng trước những rủi ro tiềm ẩn hiện nay, cũng như tâm lý hiện tại đã đổi chiều không còn quá lạc quan như giai đoạn đầu năm nay.

Cá biệt như trong phiên giao dịch ngày 24-2, khối lượng khớp lệnh trên sàn HOSE chỉ đạt hơn 397,3 triệu cổ phiếu, giảm đến 37% so với phiên trước đó.

Dưới góc độ phân tích kỹ thuật, sau khi thoát khỏi kênh xu hướng giảm giá từ giữa tháng 1-2023, VN- Index đã có một lần kiểm tra lại đường băng trên của kênh giảm này vào giữa tháng 2 vừa qua, và hiện đang có khả năng một lần nữa thử thách lại tại đường này. Dù không ít ý kiến cho rằng đây chỉ là một đợt điều chỉnh để củng cố trong một xu hướng tăng dài hạn hơn, nhưng cũng có những lo ngại khả năng thị trường đã đảo chiều và đang quay trở lại với xu hướng giảm.

Thực tế nếu không thể tìm được hỗ trợ ở đường cản trên trong xu hướng giảm giá trước đây, tương đương vùng giá quanh 1.000 điểm, mà rớt trở lại vào kênh xu hướng giảm giá này, đây được xem là một tín hiệu tiêu cực và có thể thúc đẩy thêm nhiều nhà đầu tư tiếp tục tạm thoát khỏi thị trường, càng gây áp lực thêm cho VN-Index.

Sức ép đến từ đâu?

Việc thị trường chứng khoán toàn cầu đang điều chỉnh khá mạnh rõ ràng đã ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường trong nước. Chỉ số Dow Jones của Mỹ đã giảm 4,2% kể từ giữa tháng 2 đến nay, trước lo ngại lộ trình tăng lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ còn kéo dài, mà đã khiến đô la Mỹ quay trở lại với xu hướng đi lên trong khi lợi suất trái phiếu kỳ hạn hai năm của Mỹ cũng tăng mạnh lên mức cao nhất trong ba tháng rưỡi qua.

Theo biên bản họp của Fed công bố vào ngày 22-2, các quan chức Fed cho biết đã có những dấu hiệu lạm phát hạ nhiệt, nhưng không đủ để ngừng nâng lãi suất, đồng thời lưu ý lạm phát vẫn quá cao so với mục tiêu 2%, cùng với thực trạng thị trường lao động vẫn chịu cảnh cầu lớn hơn cung, qua đó gây áp lực tăng với tiền lương và giá cả. Biên bản cũng cho biết “Các thành viên muốn nâng 0,5 điểm phần trăm lưu ý rằng việc nâng lãi suất mạnh hơn sẽ nhanh chóng nâng phạm vi lãi suất lên mức mà theo họ là đủ thắt chặt để kìm hãm lạm phát”.

Còn theo công cụ FedWatch của CME Group – giúp dự báo lãi suất của Fed, xác suất tăng lãi suất thêm 0,25 điểm phần trăm trong cuộc họp vào tháng 3 tới của Fed tại thời điểm đầu tuần này (27-2) ở mức 72%, đã giảm từ mức hơn 85% cách đây một tháng. Ngược lại, khả năng tăng mạnh 0,5 điểm phần trăm lên vùng 5-5,25% đã leo từ mức 0,3% lên 27,7% trong cùng khoảng thời gian.

Có thể thấy nếu như đợt phục hồi của thị trường trong tháng đầu năm đến từ những kỳ vọng chính sách thắt chặt tiền tệ đã đi vào giai đoạn cuối, giúp lãi suất và tỷ giá trong nước ổn định hơn, thì những dự báo mới gần đây đã khiến những rủi ro bất ổn quay trở lại và tác động tiêu cực lên tâm lý nhà đầu tư, do đó dòng tiền rút ra trở lại là tất yếu. Nếu Fed tăng lãi suất với cường độ mạnh trở lại, đô la Mỹ lên giá, rủi ro tỷ giá tăng thúc đẩy nhà đầu tư nước ngoài bán ròng trở lại là điều có thể hiểu được.

Một số dự báo cho rằng thị trường có thể còn giằng co ít nhất đến tháng 3, khi kết quả cuộc họp chính sách của Fed đã rõ ràng hơn để xác nhận lộ trình chính sách của cơ quan này trong thời gian tới. Tuy nhiên, mọi thứ vẫn không có gì chắc chắn, khi mà gần đây những rủi ro của thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong nước một lần nữa lại trở thành tâm điểm.

Theo thống kê của Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) gần đây, có 54 doanh nghiệp công bố thông tin với nội dung chậm trả gốc, lãi trái phiếu trong giai đoạn từ ngày 16-9-2022 đến ngày 31-1-2023. Đáng lưu ý là trong đó có cả những doanh nghiệp lớn đang niêm yết trên thị trường chứng khoán như: Novaland, Hải Phát, Công ty Địa ốc Sài Gòn Thương Tín, Đầu tư LGD, Danh Khôi, Hưng Thịnh, Xuất nhập khẩu An Giang, VKC Holdings,…

Thực tế hơn một tháng trở lại đây, trên trang thông tin trái phiếu của HNX, hàng loạt doanh nghiệp đã công bố chậm trả lãi trái phiếu, nguyên nhân chủ yếu do kinh doanh khó khăn, không có dòng tiền hoạt động. Với những thông tin về việc các doanh nghiệp có dư nợ trái phiếu đến hạn lớn nhưng có thể không thu xếp được dòng tiền để thanh toán, nhà đầu tư lo lắng và ảnh hưởng lan tỏa tiêu cực đến thị trường cổ phiếu là tất yếu.

Quá khứ vào giai đoạn tháng 10 năm ngoái từng cho thấy, khi áp lực trái phiếu đến hạn hoặc buộc phải mua lại trái phiếu trước hạn nhưng không thể tiếp cận các nguồn vốn khác để thanh toán, nhiều chủ doanh nghiệp đã bán ra cổ phiếu để thu xếp dòng tiền, hoặc thế chấp cổ phiếu để vay margin xoay tiền trả cho nhà đầu tư trái phiếu, mà hệ quả là sau đó lượng cổ phiếu của các chủ doanh nghiệp này bị bán giải chấp hàng loạt khi thị trường lao dốc.

Bên cạnh đó, việc các cơ quan quản lý tiếp tục mạnh tay xử lý các sai phạm tại các doanh nghiệp niêm yết, những hành vi thao túng thị trường cũng khiến dòng tiền thận trọng hơn. Mới đây nhất, khi mở rộng điều tra vụ án “Cố ý công bố thông tin sai lệch trong hoạt động chứng khoán” xảy ra tại Công ty cổ phần Tập đoàn Tiến Bộ (HOSE: TTB), Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thái Nguyên đã tiến hành khởi tố bị can đối với bốn cá nhân thuộc doanh nghiệp này. Trong đó, có cả chủ tịch hội đồng quản trị, tổng giám đốc và kế toán trưởng công ty.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới