Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Chứng khoán Đông Nam Á bầm dập vì thử thách của Covid-19

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Chứng khoán Đông Nam Á bầm dập vì thử thách của Covid-19

Chánh Tài

(TBKTSG Online) – Mọi sự chú ý của giới đầu tư đang dồn vào thị trường chứng khoán Mỹ, nơi vừa trải qua tuần sụt giảm mạnh nhất kể từ năm 2008. Tuy nhiên chứng khoán Đông Nam Á mới là nơi hứng đòn nặng nhất do tác động của Covid-19.

VN-Index mất hơn 16 điểm trong phiên cuối cùng của tháng 2

Kinh tế Mỹ và toàn cầu đứng trước nguy cơ suy thoái

Chứng khoán Đông Nam Á bầm dập vì thử thách của Covid-19
Làn sóng bán tháo cổ phiếu trong tuần qua khiến chỉ số MSCI ASEAN giảm hơn 17% so với mức đỉnh thiết lập hồi tháng 7 năm ngoái. Ảnh: Bloomberg

Trong khi các lo ngại về nguy cơ kinh tế toàn cầu suy thoái do sức tàn phá của dịch Covid-19 khiến chứng khoán Mỹ rơi vào vùng điều chỉnh (giảm 10% trở lên so với mức đỉnh gần nhất) thì chứng khoán Thái Lan và Malaysia đã đi vào thị trường “con gấu” (giảm ít nhất 20% so với mức đỉnh gần nhất).

Thị trường chứng khoán Philippines và Indonesia cũng đang suy giảm tiệm cận mức này.

Tại phố Wall, hai chỉ số Dow Jones và S&P 500 trải qua tuần mất mát lớn nhất kể từ năm 2008 với mức sụt giảm khoảng 12%. Trong 7 phiên giao dịch gần nhất, giá trị vốn hóa của chỉ số S&P 500 bị thổi bay 3.600 tỉ đô la Mỹ.

Đà sụt giảm điểm mạnh trong tuần qua cũng đưa các chỉ số chứng khoán ở Thái Lan, Indonesia và Philippines lọt vào nhóm 10 thị trường giảm mạnh nhất thế giới kể từ đầu năm.

Làn sóng bán tháo cổ phiếu khiến chỉ số MSCI ASEAN, theo dõi biến động giá 155 cổ phiếu tiêu biểu ở 4 thị trường mới nổi (Indonesia, Malaysia, Philippines,Thái) và 1 thị trường phát triển (Singapore) giảm hơn 17% so với mức đỉnh thiết lập hồi tháng 7 năm ngoái.

Chốt phiên giao dịch hôm 28-2, chỉ số SET (Thái Lan) giảm 3,91%, nâng mức giảm từ đầu năm lên mức 15,1%. Nếu tính từ mức đỉnh được thiết lập vào hồi tháng 1-2018, chỉ số SET đã giảm đến 27%.

Tại Malaysia, chỉ số Kuala Lumpur Composite cũng đã rơi vào chu kỳ con gấu. Chỉ số này giảm 1,5% vào lúc thị trường đóng cửa trong phiên cuối tuần, nâng mức giảm từ đầu năm lên 6,68% nhưng giảm hơn 21% so mức đỉnh vào tháng 4-2018.

Đà lao dốc trong tuần qua khiến chỉ số STI (Singapore) giảm 17% so với mức đỉnh hồi tháng 5-2018.

Trong khi đó, với mức giảm 1,81% vào hôm qua, chỉ số VN-Index đã thoái lùi 27% so với mức đỉnh cách đây 2 năm.

Chỉ số Jakarta Composite (Indonesia) và chỉ số PSEi (Philippines) lần lượt giảm 1,49% và 2,58% trong phiên giao dịch cuối tuần, nâng mức giảm lên hơn 13% kể từ đầu năm và gần 20% so với mức đỉnh trước đó.

Sự phụ thuộc vào Trung Quốc quá lớn của ngành thương mại và du lịch trong khu vực đồng nghĩa với việc các xáo trộn do dịch Covid-19 đang giáng một đòn nặng nề hơn vào nền kinh tế ASEAN so với các khu vực khác. Trung Quốc đang là đối tác thương mại lớn nhất của tất cả 6 nền kinh tế lớn ở khu vực này.

“Các thị trường chứng khoán trên thế giới bắt đầu được định giá dựa vào kịch bản dịch Covid-19 biến chuyển từ một bệnh dịch khu vực thành một đại dịch toàn cầu”, Alan Richardson, Giám đốc khu vực Đông Nam Á của Quỹ Quản lý tài sản Samsung, nói.

Ông cho rằng thị trường chứng khoán Đông Nam Á đang tổn thương lớn hơn các nơi khác vì không có các tài khoản vốn đóng (closed capital accounts) để kiểm soát các công ty, ngân hàng và cá nhân chuyển vốn ra nước ngoài.

Thái Lan nằm trong số những nền kinh tế bị tổn thất nặng nề nhất ở Đông Nam Á do lượng du khách Trung Quốc giảm sâu. Ngành du lịch đóng góp đến 11% GDP của Thái Lan.

Singapore cảnh báo lượng du khách quốc tế giảm từ 25-30% trong năm nay do tác động của dịch Covid-19. Các nền kinh tế Đông Nam đang đối mặt với các mức trưởng GDP suy giảm.

Hôm 29-2, Don Nakornthab, một lãnh đạo ở ban chính sách và kinh tế của Ngân hàng Trung ương Thái Lan, cảnh báo GDP của Thái Lan có thể chỉ tăng trưởng dưới 1% trong năm 2020 nếu dịch Covid-19 kéo dài đến hết năm. Mức tăng trưởng này giảm mạnh so với mức 2,4% vào năm ngoái.

Trong khi đó, Singapore đã hạ dự báo tăng trưởng trong năm nay từ mức 0,5-2,5% về mức -0,5 đến 1,5%. Trong khi đó, Thủ tướng Malaysia, Mahathir Mohamad, đặt mức tăng trưởng của Malaysia từ 3,2-4,2% cho năm 2020, giảm so với mức 4,3% đạt được vào năm ngoái.

Manny Cruz, nhà chiến lược của Công ty chứng khoán Papa Securities ở Mania (Philippines), tỏ ra bi quan: “Tôi không nghĩ chúng ta đã thấy đáy của cuộc khủng hoảng này cho đến khi chúng ta chứng kiến các nền kinh tế tiến vào suy thoái và thiệt hại do dịch Covid-19 được tổng kết bằng các con số cụ thể”.

Đối với hầu hết giới đầu tư và phân tích, triển vọng của thị trường cổ phiếu ở Đông Nam Á vẫn u ám khi mà dịch Covid-19 đang tàn phá các chuỗi cung ứng.

Rachelle Cruz, nhà phân tích của Công ty chứng khoán AP Securities, tại Manila, nói: “Thật khó để chứng khoán Đông Nam Á hồi phục khi thị trường không còn quan tâm đến các yếu tố cơ bản trừ khi nỗi sợ virus Covid-19 lắng xuống. Giới đầu tư đang định giá cổ phiếu dựa trên dự báo dịch bệnh này sẽ gây ra tác động rộng khắp”.

Dịch Covid-19 đang lây lan nhanh ở các nước bên ngoài Trung Quốc. Số ca nhiễm ở Hàn Quốc, tính đến sáng 29-2, đã lên 2.931, bao gồm 17 ca tử vong, trong khi đó, số ca nhiễm tại Ý tính đến tối 28-2 là 888, bao gồm 21 ca tử vong. Một ngày sau khi Brazil xác nhận ca nhiễm đầu tiên ở khu vực Mỹ-Latin, hôm 27-2, Nigeria cũng trở thành nước đầu tiên ở khu vực châu Phi Hạ Sahara có ca nhiễm.

Tuy nhiên, vẫn có những tia hy vọng ở Đông Nam Á khi Indonesia vẫn chưa có ca nhiễm Covid-19 nào, trong khi đó, tốc độ lây lan ở Singapore đã chậm lại với số ca nhiễm tăng thêm thấp hơn số ca hồi phục. Tại Việt Nam, tất cả 16 ca nhiễm đều đã hồi phục và xuất viện.

Theo Bloomberg, Bangkok Post

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới