Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Chứng khoán lao dốc – tín hiệu nào cho nhà đầu tư?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Chứng khoán lao dốc – tín hiệu nào cho nhà đầu tư?

Triêu Dương

(KTSG) – Như bài viết Chứng khoán đối mặt với mùa thông tin không mấy tích cực(1) từng nhận định thị trường chứng khoán đang đối mặt với các phiên phân phối đỉnh bất cứ lúc nào, diễn biến thị trường trong nửa tháng qua dường như đang chứng kiến điều này.

Khó phục hồi sớm?

Giảm hơn 10% chỉ trong vòng bảy phiên từ ngày 5-7 đến 14-7-2021, VN-Index trở thành một trong những chỉ số giảm mạnh nhất trên thế giới trong khoảng thời gian này, xóa sạch thành quả đi lên trong gần hai tháng trước đó. Những phiên có biên độ dao động lớn, mới tăng đó đã vội giảm ngay, ngày càng diễn ra thường xuyên hơn, khiến rủi ro mà các nhà đầu tư hứng chịu trong giai đoạn này là rất lớn.

Trong khi không ít nhà đầu tư lo sợ thị trường đã chính thức bước vào xu hướng giảm giá dài hạn, thì vẫn nhiều người cho rằng đây chỉ là động thái điều chỉnh tất yếu trong một xu hướng đi lên, khi mà thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam đã tăng quá mạnh trong hơn một năm qua, và trên bước đường đó cũng đã chứng kiến không ít đợt điều chỉnh mạnh nhưng rồi cũng nhanh chóng phục hồi.

Xác suất thị trường tiếp tục giảm lại dường như đang cao hơn, nhất là sau khi VN-Index đã xuyên thủng chỉ báo kỹ thuật đường trung bình động 50 phiên (MA50), tương ứng với vùng 1.330 điểm.

Một số dự báo gần đây còn cho rằng thị trường có thể rớt về tận vùng hỗ trợ tâm lý 1.200 điểm, gần với một chỉ báo kỹ thuật khác là Fibo Retracement 50%.

Với đợt điều chỉnh vừa qua, thị trường đã có hai phiên phục hồi vào cuối tuần ở ngày 15 và 16-7. Tuy nhiên, khối lượng giao dịch thấp cho thấy dòng tiền tiếp tục cẩn trọng đứng ngoài chờ đợi, đồng nghĩa với nỗ lực tăng giá có thể sớm thất bại, nhất là khi hiện nay thiếu các thông tin tích cực hỗ trợ.

Đáng lưu ý là trong khi khối ngoại trở lại mua ròng liên tiếp với giá trị lớn trong những phiên vừa qua phần nào giúp tâm lý thị trường bớt bi quan, thì dòng tiền các nhà đầu tư F0 ngược lại liên tục bị rút ra trong ba tuần gần đây, trước diễn biến dịch bệnh leo thang phức tạp dẫn đến chính sách tái giãn cách xã hội tại nhiều tỉnh thành, mà bài viết Có thể là sai lầm nếu nghĩ chứng khoán lại đi lên khi dịch bùng phát từng nhận định(2).

Trong khi đó, tình trạng căng cứng vốn vay ký quỹ (margin) trước đây khiến hậu quả giải chấp cổ phiếu càng trở nên trầm trọng trong những phiên giảm mạnh vừa qua, mà có thể sẽ chưa dừng lại. Việc TTCK đang diễn biến bất lợi cũng sẽ tác động lên kế hoạch tăng vốn của các công ty chứng khoán giai đoạn hiện nay, nên trần giới hạn margin sẽ chưa sớm được nới lỏng ra để có thể giúp thị trường “cầm máu”.

Dù vậy, với những nhà đầu tư kỳ vọng vào một đợt phục hồi sớm xảy ra, cần quan sát kỹ thanh khoản thị trường có cải thiện mạnh mẽ trong các phiên sắp tới hay không, đồng thời chờ đợi các phiên bùng nổ theo đà – thể hiện qua điểm số tăng mạnh với khối lượng giao dịch tăng vọt – để làm tín hiệu xác nhận và tham gia thị trường trở lại.

Thông thường ngày bùng nổ theo đà sẽ xuất hiện ở ngày thứ 4 đến ngày thứ 7 sau ngày phục hồi đầu tiên, tức từ ngày 21-26 tháng này nếu xác định ngày phục hồi đầu tiên là ngày 15-7. Đó sẽ là ngày chỉ số có mức tăng trên 1% và khối lượng phải lớn hơn ngày trước đó và cũng lớn hơn bình quân các phiên gần nhất. Nhưng nhà đầu tư cần phải kiên nhẫn chờ đợi tín hiệu được xác nhận rõ ràng, nhằm tránh rơi vào các phiên bẫy tăng giá theo mô hình “Dead Cat Bounce” – cú nảy mèo chết.

Giảm tới đâu?

Ở chiều ngược lại, xác suất thị trường tiếp tục giảm dường như đang cao hơn, nhất là sau khi VN-Index đã xuyên thủng chỉ báo kỹ thuật đường trung bình động 50 phiên (MA50), tương ứng với vùng 1.330 điểm vào ngày 12-7. Một số dự báo gần đây còn cho rằng thị trường có thể rớt về tận vùng hỗ trợ tâm lý 1.200 điểm, gần với một chỉ báo kỹ thuật khác là Fibo Retracement 50% kéo từ mức đáy 998 điểm ngày 29-1 năm nay đến đỉnh cao 1.424 điểm gần đây.

Nếu không thể giữ được vùng này, vùng hỗ trợ kế tiếp sẽ nằm tại vùng 1.155 điểm, tương ứng với Fibo Retracement 61,8% và cũng gần với đường trung bình động 200 phiên (MA 200), hiện được xem là hỗ trợ mạnh nhất của chỉ số VN-Index. Nếu tiếp tục để mất vùng hỗ trợ này, khả năng thị trường bước vào xu hướng giảm dài hạn là rất lớn

Cũng theo phân tích kỹ thuật, một chỉ số chứng khoán nói chung hoặc một cổ phiếu nói riêng thường kết thúc một xu hướng tăng và xác nhận đảo chiều xu hướng chỉ khi giảm tối thiểu 20% từ đỉnh cao nhất. Với đỉnh cao gần nhất của VN-Index là 1.424 điểm vào ngày 2-7, mức giảm 20% của VN-Index sẽ tương ứng với vùng xấp xỉ 1.140 điểm. Như vậy, vùng 1.140-1.155 điểm là thật sự quan trọng với VN-Index nếu chẳng may đợt điều chỉnh này sẽ còn kéo dài.

Trong trường hợp quả thật thị trường giảm về vùng trên, ít nhất sẽ có các phiên bật lại mạnh mẽ khi dòng tiền bắt đáy có thể đổ vào ào ạt để lướt sóng ngắn hạn. Dù vậy, với triển vọng của nền kinh tế Việt Nam và thị trường chứng khoán nói riêng trong tương lai, xu hướng tăng dài hạn vẫn đang được kỳ vọng sẽ giữ vững.

Điều đáng lo ngại hơn là thị trường có thể mất nhiều thời gian hơn trong đợt điều chỉnh lần này, khác với lần điều chỉnh hồi tháng 1 năm nay. Sau các nhịp điều chỉnh vừa qua, thanh khoản suy giảm mạnh dù cho thấy dòng tiền lớn chưa vội tham gia nhưng nhìn theo khía cạnh tốt thì có lẽ là lực bán cũng đang cạn kiệt. Tuy nhiên, nếu tình trạng này vẫn tiếp tục diễn ra trong thời gian dài sẽ dẫn tới việc nhà đầu tư chán nản trước diễn biến tích lũy kéo dài lê thê của thị trường.

Kết quả kinh doanh quí 2-2021 đang trong mùa cao điểm công bố, theo đó tất yếu sẽ có sự phân hóa, với việc nhóm ngân hàng, chứng khoán có thể tiếp tục ghi nhận tăng trưởng vượt trội. Tuy nhiên, diễn biến này đã được dự đoán trước và cũng đã phản ánh vào sóng tăng mạnh vừa qua của nhóm cổ phiếu này. Không ít nhận định cho rằng kết quả kinh doanh quí 2 của nhóm ngân hàng có lẽ cũng là đỉnh lợi nhuận, khi sáu tháng còn lại các ngân hàng phải chịu áp lực trích lập dự phòng, cùng với việc phải giảm lãi suất cho vay trong tháng 7 này – điều sẽ thu hẹp biên lợi nhuận.

Đó có lẽ cũng là một trong những lý do khiến cổ phiếu ngân hàng lao dốc mạnh mẽ trong những phiên vừa qua và kéo thị trường giảm mạnh đến thế. Với vị thế vốn hóa chiếm tỷ trọng cao nhất trong chỉ số chung, nhóm cổ phiếu ngân hàng sẽ tác động rất mạnh đến thị trường, do đó khi nhóm ngân hàng còn chịu áp lực thì thị trường chung cũng khó có thể đi lên trở lại.

(1) https://www.thesaigontimes.vn/317879/chung-khoan-doi-mat-voi-mua-thong-tin-khong-may-tich-cuc.html

(2) https://www.thesaigontimes.vn/td/316909/co-the-la-sai-lam-neu-nghi-chung-khoan-lai-di-len-khi-dich-bung-phat.html

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới