Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Chứng khoán lên điểm, vui được bao lâu?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Chứng khoán lên điểm, vui được bao lâu?

Tư Giang

Chứng khoán lên điểm, vui được bao lâu?
Một trong những nguyên nhân giúp chứng khoán lên điểm thời gian qua là sự kỳ vọng lãi suất sẽ giảm. Ảnh: Thanh Tao.

(TBKTSG) – Những tràng pháo tay rộn rã đã nổ ra hưởng ứng mong muốn của Chủ tịch Hiệp hội Chứng khoán Việt Nam, ông Lê Văn Châu: “Tôi hy vọng chứng khoán sẽ lên được 500-600 điểm trong năm nay”.

Mong muốn của ông Châu, cũng là mong muốn của hàng trăm đại diện các công ty chứng khoán, quỹ đầu tư tại hội nghị tuần trước ở trụ sở Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Họ được nâng đỡ bởi một thực tế đáng khích lệ: các cổ phiếu đang lên điểm sau một thời gian dài đóng băng.

Câu hỏi đặt ra là, vì sao lên điểm? Một phần của câu trả lời nằm ở sự kỳ vọng lãi suất sẽ giảm. Hơn ai hết, Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ hiểu rõ điều này. Ông thuyết phục giới đầu tư: “Đã có các tín hiệu cần và đủ cho việc hạ mặt bằng lãi suất. Tôi thấy cũng đã đến lúc chín muồi… Thủ tướng cũng đã chỉ đạo giảm mặt bằng lãi suất hợp lý”.

Để minh chứng cho nhận định này, Bộ trưởng cố gắng đưa ra một số bằng chứng vĩ mô có dấu hiệu tích cực như chỉ số CPI giảm nhanh trong hai tháng đầu năm ở mức 2,36%, là mức thấp nhất trong 10 năm nay so với cùng kỳ của tháng Tết. Tỷ giá tiền đồng/đô la Mỹ ổn định khi mức chênh giữa ngân hàng và bên ngoài là không đáng kể. Ngoài ra, một số các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế đang xem xét nâng hạng mức tín nhiệm quốc gia cho Việt Nam.

Lý giải của Bộ trưởng Huệ, dù chỉ mang tính “thuyết phục giới đầu tư” nhưng ít ra cũng đã bật đèn xanh cho những kiến nghị của Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Vũ Bằng. Ông Bằng nói: “Vấn đề tín dụng và lãi suất ngân hàng có ảnh hưởng rất lớn đến dòng tiền và tâm lý nhà đầu tư”. Vì lẽ đó ông Bằng kiến nghị: “Phải từng bước giảm mặt bằng lãi suất… không thắt chặt tiếp mà giữ trên cơ sở mặt bằng hiện tại để tạo tín hiệu thu hút dòng tiền từ khu vực tư nhân và nhà đầu tư nước ngoài”.

Nhưng, quả bóng lãi suất lại nằm trên sân của Ngân hàng Nhà nước chứ không phải của ngành tài chính. Tuần trước, khi Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc ký thỏa thuận phối hợp chính sách tài khóa và tiền tệ, không một thông điệp về giảm lãi suất nào được đưa ra. Lý do cơ bản nhất là lạm phát ở Việt Nam, dù đang có xu hướng giảm liên tục từ mức đỉnh điểm hơn 23% tháng 8 năm ngoái xuống 16,4% vào tháng 2 vừa rồi, vẫn đang ở mức rất cao, xét cả ở bình diện trong nước và quốc tế.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư tỏ ra lo ngại thực tế này khi nhận định rằng lạm phát đang có xu hướng tăng trở lại, nhất là trong bối cảnh giá nhiên liệu trên thế giới đang trỗi dậy. Hơn nữa, mục tiêu xuyên suốt trong năm nay và các năm sau sẽ vẫn là chống lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô. Chỉ khi nào CPI giảm và ổn định ở mức thấp thì Ngân hàng Nhà nước mới tính đến phương án giảm lãi suất, như cơ quan này nhiều lần khẳng định. Đến giữa tuần này, việc giảm lãi suất đã được khẳng định khi Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước giảm 1 điểm phần trăm cho mọi loại lãi suất ngay trong tuần này.

Những nhà đầu tư, trong niềm vui chứng khoán lên điểm, cũng rất cần ôn lại những gì đã diễn ra trong năm 2011, năm thứ ba liên tiếp Việt Nam tuyên bố đeo đuổi chính sách ổn định kinh tế vĩ mô.

Theo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, thị trường chứng khoán đã trải qua năm 2011 “đầy khó khăn”. Chỉ số chứng khoán sụt giảm mạnh, khoảng 27% so với cuối năm 2010. Giá trị giao dịch bình quân cổ phiếu, chứng chỉ quỹ mỗi phiên chỉ đạt 1.032 tỉ đồng, giảm 60% so với năm 2010. Mức vốn hóa đạt khoảng 602.000 tỉ đồng, giảm 124.000 tỉ đồng so với cuối năm 2010; mức vốn hóa so với GDP giảm xuống 25% từ mức 39% cuối 2010. Giá trị dòng vốn gián tiếp ròng giảm 70% so với năm 2010.

Tính sơ bộ, có khoảng 16% công ty niêm yết bị lỗ và khoảng 60% công ty có lợi nhuận sụt giảm so với năm trước khiến chất lượng công ty niêm yết suy giảm. Có 80% các công ty niêm yết có giá thị trường thấp hơn giá trị sổ sách; 59% công ty có thị giá thấp hơn mệnh giá; có 49% công ty có hệ số thị giá so với lợi nhuận sau thuế trên mỗi cổ phiếu (P/E) thấp hơn 5. 

Số lượng chứng khoán nhiều nhưng chất lượng còn thấp. Đa số các công ty niêm yết, đăng ký giao dịch là những công ty nhỏ và vừa; trong số 710 công ty niêm yết/đăng ký giao dịch có tới 342 công ty (khoảng 50%) có vốn điều lệ dưới 100 tỉ đồng; hiệu quả hoạt động của các công ty niêm yết chưa cao, đặc biệt là quản trị công ty và tính công khai, minh bạch. Trong thời kỳ khó khăn, đặc biệt là giai đoạn 2010-2011, nhiều công ty niêm yết làm ăn thua lỗ, ảnh hưởng đến sự hấp dẫn của cổ phiếu niêm yết và niềm tin của các nhà đầu tư.

Dù thuyết phục giới đầu tư bằng câu chuyện lãi suất nhưng Bộ trưởng Tài chính cũng tỏ ra cẩn trọng. Ông nói: “Quan điểm của Chính phủ là phát triển thị trường chứng khoán lành mạnh, an toàn và bền vững; đảm bảo lợi ích chính đáng của nhà đầu tư chứ không phải phát triển bằng mọi giá”. Ông Vũ Bằng có cái nhìn tổng thể: “Điều quan trọng nhất là phải kiềm chế được lạm phát, và ổn định được kinh tế vĩ mô”. Yêu cầu của ông Bằng đã là mục tiêu chính của chính sách mà Việt Nam đeo đuổi trong suốt năm năm nay. Chính sách đó đã để lại những dấu ấn sâu đậm, vui buồn lên số phận của biết bao nhà đầu tư.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới