Thứ Tư, 24/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Chứng khoán sẽ khó tăng mạnh trở lại

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Chứng khoán sẽ khó tăng mạnh trở lại

Thủy Triều

Mặc dù VN-Index đã tăng trở lại hôm 11-8, khả năng tăng mạnh của chỉ số này theo các chuyên gia chứng khoán là khó. Ảnh: Lê Toàn.

(TBKTSG Online)- Sau khi lên gần mức 550 điểm vào đầu tháng 5, chỉ số chính VN-Index của thị trường chứng khoán đã bắt đầu giai đoạn dao động trong biên độ hẹp để chờ đợi thông tin hỗ trợ. Nhưng ba tháng trôi qua, tin tốt không nhiều trong khi nhiều tin xấu lần lượt được công bố khiến VN-Index ngày càng giảm và đỉnh điểm là hai phiên giảm mạnh đầu tuần này.

Kết thúc phiên giao dịch ngày 11-8, chỉ số VN-Index đã quay đầu tăng nhẹ 1,45 điểm sau hai phiên giảm mạnh đầu tuần nhưng thanh khoản của thị trường lại giảm gần 30%. Với nhiều thông tin xấu trong thời gian gần đây các chuyên gia cho rằng thị trường sẽ khó tăng mạnh trở lại trong thời gian tới.

Các chuyên gia đưa ra nhiều lý do để giải thích cho hai phiên giảm mạnh đầu tuần, nhưng lý do chung nhất đó là tâm lý của nhà đầu tư bị ảnh hưởng nặng nề, hệ quả của hàng loạt tin tức không tốt trong thời gian gần đây.

Nguồn vốn thu hẹp

Thông tin các ngân hàng đồng loạt phản đối Thông tư 13 của Ngân hàng Nhà nước quy định về tỷ lệ an toàn vốn của các tổ chức tín dụng được các phương tiện thông tin đại chúng đăng tải vào sáng ngày thứ Hai, 9-8, thị trường đã giảm hơn 10 điểm trong cùng ngày và tiếp đó mất thêm 11 điểm trong ngày tiếp theo.

Theo đánh giá của Công ty chứng khoán HSC thì trong điều kiện bình thường, Thông tư 13 là một thông tin tốt vì nó giúp cải thiện sự an toàn của toàn hệ thống ngân hàng. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay các ngân hàng đang gặp khó khăn trong huy động vốn, việc nâng tỷ lệ an toàn vốn càng làm cho nguồn vốn của ngân hàng thêm eo hẹp, khiến lượng vốn cho vay có nguy cơ giảm và chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến dòng tiền vào thị trường chứng khoán. Lý do này đã khiến tâm trạng nhà đầu tư bị ảnh hưởng mạnh.

Với tâm lý e ngại, nhà đầu tư đã đẩy mạnh bán cổ phiếu ra thị trường, khiến giá nhiều cổ phiếu giảm mạnh và làm tăng áp lực giải chấp của các công ty chứng khoán. Theo thống kê của Công ty chứng khoán Rồng Việt, tính từ thời điểm VN-Index rớt xuống mốc 500 điểm ngày 23-7 đến ngày 10-8, nhiều mã cổ phiếu đã giảm từ 20% đến 30% như DIC (-30,7%), TSC (-29,3%), HLG (-29%), DQC (-24%), và KSA (-24%) trong khi nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn cũng có những mã giảm mạnh như PVF (-22,6%), OGC (-19,3%), PVX (-16,5%), KBC (-11,9%), và PVD (-10,6%).

Tổng giám đốc Công ty chứng khoán Tân Việt Nguyễn Văn Dũng cho biết với tỷ lệ hợp tác đầu tư 5-5 (một sản phẩm đòn bẩy tài chính) như tại công ty ông thì khi giá cổ phiếu giảm 20% công ty sẽ phải yêu cầu nhà đầu tư đóng tiền thêm nếu không sẽ bán ra thu hồi vốn và với những công ty mà tỷ lệ hợp tác đầu tư cao hơn lên đến 8-2 (công ty 8, nhà đầu tư 2) thì công ty sẽ giải chấp cổ phiếu nếu giá giảm 10%.

Nguồn cung tăng mạnh

Trước đó, hàng loạt các thông tin vĩ mô không tốt đã được đề cập trên các phương tiện thông tin như nhập siêu tăng, vụ tập đoàn kinh tế lớn của Nhà nước là Vinashin không có khả năng trả nợ, Việt Nam bị Fitch hạ bậc tín nhiệm… đã làm nhiều nhà đầu tư e ngại. Sau đó, thông tin về việc các tập đoàn, tổng công ty nhà nước buộc phải sắp xếp và thoái vốn trong những khoản đầu tư ngoài ngành lại làm dấy lên tình trạng lo ngại về một lượng cung cổ phiếu lớn trong bối cảnh dòng tiền không đủ khả năng hấp thu.

Gần đây nhất là Tổng công ty Tài chính dầu khí (PVFC) tuyên bố sẽ thoái bớt vốn tại một số công ty con, trong khi Ngân hàng Vietcombank sau khi bán xong 5 triệu cổ phiếu của Ngân hàng Eximbank đã tiếp tục đăng ký bán tiếp 5 triệu cổ phiếu của ngân hàng này từ ngày 13-8 đến ngày 10-10, và đăng ký bán thêm 2 trriệu cổ phiếu PVD trong cùng thời gian trên.

Nghị định 09/2009/NĐ-CP được ban hành ngày 5-2-2009 yêu cầu các doanh nghiệp nhà nước tiến hành thoái vốn, giảm bớt các khoản đầu tư ra ngoài ngành, đưa chúng trở về đúng mức quy định và thời hạn đáp ứng các quy định này chỉ còn 8 tháng nữa.

Trong khi đó, do vay vốn từ ngân hàng khó khăn và lãi suất lại cao, nhiều công ty nhất là các công ty bất động sản đã ráo riết lên sàn trong những tháng gần đây để có thể phát hành cổ phiếu huy động thêm vốn qua thị trường chứng khoán. Đó là chưa kể các công ty đã niêm yết cũng có kế hoạch huy động thêm vốn từ các cổ đông hiện hữu trong năm nay. Chỉ riêng trong tháng 7, có ngày lượng cổ phiếu niêm yết thêm của các doanh nghiệp lên đến hơn 1.000 tỉ đồng, trong khi giá trị giao dịch của thị trường ngày đó chỉ gần 1.700 tỉ đồng.

Một nguồn cung hàng khổng lồ cần phải kể đến nữa đó là cổ phiếu của các ngân hàng phát hành thêm để tăng vốn điều lệ lên mức 3.000 tỉ đồng theo quy định vào cuối năm nay. Theo thống kê sơ bộ, số lượng vốn mà 21 ngân hàng cần huy động để tăng vốn từ nay đến cuối năm vào khoảng 30.000 tỉ đồng, chưa kể đến những ngân hàng lớn đã đáp ứng quy định về vốn nhưng vẫn có kế hoạch phát hành thêm cổ phần để tăng vốn điều lệ trong năm nay.

Ông Dũng của Công ty chứng khoán Tân Việt cho rằng các công ty phát hành thêm thường phát hành với giá bằng mệnh giá, thấp hơn giá đang giao dịch của các cổ phiếu, nên nhà đầu tư nếu có khả năng sẽ chấp nhận mua. Có hai phương án để mua cổ phiếu phát hành thêm, đó là vay tiền ngân hàng hoặc bán các cổ phiếu hiện có để lấy tiền. Tuy nhiên cách thứ hai có khả năng cao hơn vì vay tiền ngân hàng trong thời điểm này không phải dễ. Như vậy càng làm cho dòng tiền vào thị trường niêm yết giảm, ông nói.

Chuyên gia các công ty chứng khoán cho rằng nhìn chung nền kinh tế Việt Nam vẫn tốt trong khi giá các loại cổ phiếu đã về mức hấp dẫn nên VN-Index sẽ khó giảm sâu hơn mức 430 điểm, mức đáy lập vào tháng 12-2009, nhưng với dòng tiền yếu như hiện nay thì khả năng chỉ số này tăng trên 510 điểm cũng sẽ khó.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới