Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Chứng khoán – sóng bất động sản cuối năm

Triêu Dương

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) – Những phiên gần đây dù VN-Index tiếp tục tích lũy ngay dưới vùng 1.400 điểm, nhưng dòng tiền đã phát tín hiệu luân chuyển mạnh vào dòng bất động sản.

Nhiều nhà đầu tư lẫn giới phân tích tin rằng với những yếu tố hỗ trợ thuận lợi hiện nay, cộng thêm các chất xúc tác mới, sóng cổ phiếu bất động sản sẽ là tâm điểm trong thời gian còn lại của năm.

Tiền chạy mạnh vào cổ phiếu bất động sản

Giá cổ phiếu của Tổng công ty cổ phần (CTCP) Đầu tư phát triển xây dựng (DIG) chỉ trong hơn hai tuần qua đã tăng hơn 42%, riêng ba phiên cuối tuần trước đã tăng mạnh gần 15%, trở thành một trong những cổ phiếu dẫn dắt trên thị trường. Tương tự, giá cổ phiếu của CTCP Phát triển đô thị Từ Liêm (NTL), CTCP Phát triển Nhà Bà Rịa – Vũng Tàu (HDC), CTCP Đầu tư Nam Long (NLG) cũng tăng đến 35% trong cùng khoảng thời gian.

Sự tăng trưởng mạnh mẽ của bốn cổ phiếu trên chỉ là một phần trong bức tranh chung về sự bứt phá của nhóm cổ phiếu bất động sản trong thời gian qua. Thực tế dù những phiên gần đây thị trường vẫn ở thế tích lũy, với VN-Index tiếp tục củng cố ngay dưới vùng tâm lý 1.400 điểm, nhưng dòng tiền đã phát tín hiệu luân chuyển mạnh vào dòng bất động sản.

Như trong tuần từ 18 đến 22-10, trong 10 cổ phiếu đóng góp điểm số tăng nhiều nhất cho VN-Index, có đến năm cổ phiếu thuộc lĩnh vực bất động sản là PDR (+1 điểm), DIG (+0,7 điểm), NLG (+0,7 điểm), NVL (+0,5 điểm) và KDH (+0,3 điểm). Ngoài ra, cổ phiếu của hai công ty lấn sân sang lĩnh vực bất động sản là SAM (+0,35 điểm) và VGC (+0,31 điểm) cũng có những ảnh hưởng đáng kể đến chỉ số.

Đáng lưu ý là biểu đồ kỹ thuật cũng cho thấy chỉ số nhóm cổ phiếu bất động sản sau khi đạt đỉnh cao vào đầu tháng 7 và điều chỉnh trong suốt ba tháng sau đó, thì từ đầu tháng 10 đã bắt đầu phục hồi cho đến nay, cũng như đã chính thức thoát khỏi xu hướng giảm và phá vỡ cạnh trên của mẫu hình tam giác từ phiên ngày 11-10. Diễn biến này mở ra cơ hội tăng giá cho dòng cổ phiếu này trong thời gian tới.

Thực tế trong phiên cuối tuần rồi, thị trường cũng chứng kiến hàng loạt cổ phiếu bất động sản tăng trần hoặc gần mức trần, từ những cổ phiếu vốn hóa trung bình như DIG, NTL, HDC hay NLG kể trên, cho đến những cổ phiếu vốn hóa nhỏ, thị giá thấp như SCR, SGR, VRC, TEG, TDH, PTL, CEO,…

Cũng cần biết rằng không chỉ dòng bất động sản thương mại, mà nhóm cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp cũng cho thấy xu hướng đi lên tích cực trong những phiên vừa qua.

Chất xúc tác

Nếu như nhóm cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp đang được hỗ trợ bởi dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đang có xu hướng tăng trở lại, nhất là khi các quốc gia trong khu vực như Trung Quốc hay Ấn Độ đối mặt với nguy cơ khủng hoảng điện, thì dòng bất động sản thương mại được kỳ vọng sẽ hưởng lợi lớn từ các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng dự kiến đẩy mạnh triển khai trong thời gian tới.

Theo Chính phủ, một trong những giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trở lại là phải lấy đầu tư công dẫn dắt, kích hoạt đầu tư xã hội, trong đó cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng các dự án kết cấu hạ tầng trọng điểm, hạ tầng thương mại và hạ tầng văn hóa, xã hội; tăng cường kết nối liên vùng, khu vực, quốc tế, nhất là các công trình hạ tầng giao thông quan trọng, trong đó có đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông, cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ, Cảng hàng không quốc tế Long Thành, các tuyến đường sắt đô thị…

Thực tế trong giai đoạn giãn cách vừa qua, việc mở bán các dự án của các công ty bất động sản bị ảnh hưởng không nhỏ, nhưng nếu đầu tư vào cổ phiếu bất động sản thì vẫn đảm bảo được khả năng thanh khoản.

Dĩ nhiên các dự án đầu tư công sẽ giúp nhiều nhóm ngành hưởng lợi nhưng mức độ tác động sẽ có sự khác biệt. Nhóm vật liệu xây dựng có thể chứng kiến nhu cầu tăng nhưng công suất khai thác, sản xuất của nhóm doanh nghiệp này có những giới hạn nhất định.

Nhóm xây dựng còn phụ thuộc vào tiến độ thi công các dự án. Các công ty bất động sản có các dự án xoay quanh hoặc tận dụng được các cơ sở hạ tầng này có thể là nhóm hưởng lợi lớn nhất khi giá bán dự án/sản phẩm có thể tăng vọt trong giai đoạn tới.

Ngoài ra, trong bối cảnh chính sách tiền tệ nới lỏng suốt thời gian qua, đặc biệt là từ đầu năm ngoái đến nay, không chỉ các kênh đầu tư như chứng khoán mà kênh bất động sản cũng sẽ hưởng lợi từ môi trường tiền rẻ hiện nay.

Đáng lưu ý là thị trường chứng khoán và bất động sản cũng có mối liên thông nhất định, khi các nhà đầu tư lãi lớn trên thị trường chứng khoán thường có xu hướng chuyển dịch một phần tiền sang kênh bất động sản và đẩy doanh thu, giá bán bất động sản lên.

Tuy nhiên, với nhiều nhà đầu tư hiện nay, thay vì mua bất động sản trực tiếp, họ có thể chọn rót tiền vào chính cổ phiếu của các công ty bất động sản, vì có tính thanh khoản cao hơn và linh hoạt về nguồn vốn đầu tư hơn. Thực tế trong giai đoạn giãn cách xã hội vừa qua, việc mở bán các dự án của các công ty bất động sản bị ảnh hưởng không nhỏ, nhưng nếu đầu tư vào cổ phiếu bất động sản thì vẫn đảm bảo được khả năng thanh khoản.

Những cổ phiếu đáng chú ý

Nhiều công ty chứng khoán dự báo nhóm doanh nghiệp bất động sản sẽ là một trong số ít ngành vẫn duy trì đà tăng trưởng lợi nhuận trong năm 2021. Một điểm lưu ý khác là nhiều công ty bất động sản có truyền thống hạch toán doanh thu, lợi nhuận trong quí cuối năm, do đó nhiều nhà đầu tư cũng có xu hướng rót tiền vào nhóm này trong giai đoạn cuối năm để đón đầu sóng lợi nhuận. Dù vậy, ngay trong quí 3 vừa qua cũng đã chứng kiến khá nhiều công ty báo cáo lợi nhuận tăng trưởng mạnh mẽ, bất chấp những ảnh hưởng của giãn cách xã hội.

Có thể kể đến NLG. Dù việc bàn giao dự án gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh khiến doanh thu thuần quí 3 giảm 76% so với cùng kỳ năm 2020, nhưng nhờ doanh thu tài chính gấp gần 23 lần cùng kỳ năm 2020, đạt gần 372 tỉ đồng, chủ yếu đến từ việc hợp nhất CTCP Southgate, NLG vẫn công bố lãi ròng riêng quí 3 hơn 297 tỉ đồng, gấp 10 lần so với cùng kỳ.

Hay như HDC cũng chứng kiến lãi ròng quí 3 gần 68 tỉ đồng, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2020, nhờ ghi nhận doanh thu từ một phần dự án The Light City giai đoạn 1 và các dự án Ngọc Tước, Tây 3/2, Ecotown Phú Mỹ. Lũy kế chín tháng, HDC lãi sau thuế gần 210 tỉ đồng, tăng 91% so với cùng kỳ và đạt 82% kế hoạch năm.

CTCP Phát triển đô thị công nghiệp số 2 (D2D), dù hoạt động cốt lõi là bất động sản khu công nghiệp, nhưng trong quí 3 vừa qua cũng ghi nhận lãi ròng đạt gấp 2,5 lần so với cùng kỳ năm 2020 với gần 86 tỉ đồng, doanh thu thuần đạt gần 147 tỉ đồng – gấp 2,3 lần so với cùng kỳ. Trong đó, chủ yếu là doanh thu từ dự án Khu dân cư Lộc An – chiếm gần 136 tỉ đồng, còn doanh thu từ cho thuê hạ tầng khu công nghiệp vẫn duy trì xấp xỉ 10 tỉ đồng.

Ngoài các doanh nghiệp có thể báo lãi khủng và tăng trưởng mạnh mẽ trong năm nay, các doanh nghiệp bất động sản hưởng lợi lớn trong thời gian tới nhờ có các dự án nằm gần các dự án cơ sở hạ tầng sẽ được đẩy mạnh triển khai trong thời gian tới cũng cần được chú ý, đặc biệt là ở các đô thị vệ tinh quanh TPHCM như Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu, Long An. Trong số này, ngoài NLG và HDC đã nhắc đến ở trên, có thể kể đến DIG, KDH, IJC, TDC, NTL, SCR, LDG, CEO…

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới