Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Chứng khoán tháng 6 và nỗi lo vẫn từ Fed

Triêu Dương

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) – Gói hỗ trợ lãi suất được kỳ vọng sẽ đem lại những hiệu ứng tích cực cho thị trường chứng khoán (TTCK) và dường như đây cũng là một trong những động lực giúp chỉ số VN-Index phục hồi khá tích cực tính từ giữa tháng 5 đến nay. Bước sang tháng 6, áp lực nào đang chờ đón thị trường?

Tháng 5 xẻ đôi

Từ mức đáy quanh 1.156 điểm vào ngày 17-5-2022, chỉ số VN-Index đã phục hồi 12% tính đến phiên đầu tuần này (30-5-2022), lên mức gần 1.294 điểm, tương đương với mức tăng tuyệt đối 138 điểm. Nhờ đó cũng thu hẹp mức giảm so với cuối tháng 4 chỉ còn 5,3%, dù vẫn còn đang giảm đến 15,5% so với đỉnh cao 1.530 điểm đạt được vào đầu tháng 4.

Trong khi đó, chỉ số VN30 cũng đạt mức tăng xấp xỉ 11,6% trong cùng khoảng thời gian. Ngược lại, các chỉ số HNX-Index và UpCom Index có mức phục hồi khá khiêm tốn chỉ quanh 5%, cho thấy dòng tiền tập trung vào sàn HOSE bắt đáy nhiều hơn, khi không ít cổ phiếu cơ bản tốt tại đây đã rơi về vùng giá hấp dẫn trong đợt thị trường lao dốc gần hai tháng qua.

Như vậy, đúng như những dự báo trước đó, thị trường đã có thêm các đợt lao dốc mạnh trong giai đoạn nửa đầu tháng 5 trước hiệu ứng Sell in May and go away, nhưng sau đó đã có đợt phục hồi khá ấn tượng trong gần nửa cuối tháng 5, khi dòng tiền lớn chủ động nhập cuộc trở lại. Việc xử lý xong các tài khoản bị call margin, cộng thêm các chính sách, cam kết ổn định thị trường, trấn an tâm lý của nhà đầu tư, cùng với các nhận định đầy tích cực của giới phân tích lẫn các quỹ và nhà đầu tư tổ chức đã phần nào hỗ trợ giá cổ phiếu bật lại.

Đáng lưu ý là việc Chính phủ chính thức triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất 2% đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, thông qua Nghị định 31/2022/NĐ-CP và Thông tư 03/2022/TT-NHNN hướng dẫn các ngân hàng thực hiện, đều được ban hành và có hiệu lực từ ngày 20-5-2022, đã trở thành một động lực quan trọng thúc đẩy đà phục hồi của thị trường trong những ngày qua.

Theo Công ty Chứng khoán Agriseco, trong năm 2009, Việt Nam cũng triển khai gói hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước nhằm kích thích nền kinh tế đang bị tác động của cuộc khủng hoảng toàn cầu. Khi gói hỗ trợ được bơm ra, VN-Index đã ghi nhận mức tăng ấn tượng từ 230 điểm lên gần 500 điểm (tương đương mức tăng trưởng trên 100%) trong năm 2009 với sự xuất hiện dòng tiền đầu cơ chảy vào TTCK, trong khi lợi suất từ sản xuất kinh doanh giảm dần.

Đối với thời điểm hiện tại, nhóm phân tích của Agriseco cũng kỳ vọng gói hỗ trợ lãi suất sẽ đem lại những hiệu ứng tích cực dù không quá mạnh mẽ do quy mô thị trường đã lớn hơn nhiều so với năm 2009. Cụ thể, vốn hóa của TTCK cuối năm 2009 là 620.000 tỉ đồng, đạt 45% GDP, trong khi vốn hóa TTCK tại thời điểm cuối năm 2021 đạt gần 5.800.000 tỉ đồng, đạt gần 93% GDP.

Áp lực nào cho tháng 6?

Dưới góc độ phân tích kỹ thuật, xu hướng tăng trở lại của VN-Index đã được xác nhận, với phiên ngày bùng nổ (FTD: Follow – Through Day) đã xuất hiện hôm 25-5, tương ứng với ngày thứ 7 tính từ phiên nỗ lực phục hồi ngày 17-5. Về cơ bản, ngày bùng nổ theo đà thường sẽ xuất hiện từ ngày thứ 4 đến ngày thứ 7 tính từ phiên thị trường tạo đáy và nỗ lực phục hồi, với chỉ số trong ngày này phải tăng giá mạnh từ 1-2% cùng khối lượng giao dịch cao hơn ngày trước đó.

Dưới góc độ phân tích kỹ thuật, xu hướng tăng trở lại của VN-Index đã được xác nhận, với phiên ngày bùng nổ (FTD: Follow – Through Day) đã xuất hiện hôm 25-5.

Phiên ngày 17-5 chỉ số VN-Index lao dốc mạnh trong buổi sáng về tận 1.156 điểm nhưng sau đó đã nỗ lực bật lại và đóng cửa ở mức cao nhất trong ngày tại 1.228 điểm, biên độ dao động lên đến 72 điểm, được xem là ngày nỗ lực phục hồi đầu tiên.

Sáu phiên sau, VN-Index tăng hơn 2,8% cùng khối lượng giao dịch trên sàn HOSE tăng gần 30% so với ngày trước đó, chính thức xác nhận ngày FTD đã xuất hiện, theo đó đã kích thích dòng tiền đầu tư đang chờ đợi tín hiệu tham gia ồ ạt trở lại.

Thực tế không chỉ hàng loạt mã blue-chip trong VN30 đã tăng vọt lên mức trần hoặc gần trần trong ngày này, mà dòng tiền cũng đã lan tỏa mạnh mẽ với số lượng mã cổ phiếu trên sàn HOSE đóng cửa trong sắc xanh lên đến 415 mã, cao gấp 8,5 lần so với số mã giảm, trong đó có đến 48 cổ phiếu tăng trần.

Xét theo lĩnh vực, nhóm ngành thủy sản, dầu khí đang cho thấy sức bật mạnh hơn so với thị trường chung.

Trong khi đó, với chương trình hỗ trợ lãi suất 2%, giới phân tích đánh giá các nhóm cổ phiếu sẽ hưởng lợi bao gồm ngân hàng – chủ thể chính thực thi chính sách này, thứ hai là nhóm các doanh nghiệp đầu ngành trong các ngành được hỗ trợ, đáng chú ý là (1) Nhóm dịch vụ hàng không, vận tải kho bãi, du lịch, dịch vụ lưu trú, ăn uống; (2) Nhóm ngành sản xuất – xuất khẩu, bao gồm: nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, và công nghiệp chế biến, chế tạo; (3) Nhóm công nghệ thông tin.

Với quy định chính sách hỗ trợ lãi suất chỉ nhắm đến các khách hàng có khả năng trả nợ, có khả năng phục hồi, các doanh nghiệp đầu ngành sẽ có khả năng đáp ứng được điều kiện hỗ trợ cao hơn do có sức chống chịu tốt hơn phần còn lại của ngành khi chịu ảnh hưởng từ dịch trong hai năm vừa qua.

Đối với tháng 6, thị trường vẫn có nhiều nỗi lo lắng. Một trong những nỗi lo lớn nhất vẫn sẽ đến từ việc thắt chặt chính sách tiền tệ, đặc biệt là từ Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) với dự báo sẽ tiếp tục nâng lãi suất cơ bản đô la Mỹ thêm 0,5 điểm phần trăm trong cuộc họp sẽ diễn ra vào giữa tháng 6 tới. Động thái của Fed có thể tiếp tục gây áp lực lên TTCK Mỹ nói riêng và TTCK toàn cầu nói chung, theo đó Việt Nam cũng khó tránh khỏi tác động chung.

Dù vậy, trong bối cảnh dòng vốn nước ngoài tiếp tục hút ròng khỏi các nền kinh tế mới nổi cũng như các thị trường châu Á khi Fed liên tục nâng lãi suất, ngược lại tại Việt Nam nhà đầu tư nước ngoài có tín hiệu quay lại mua ròng trong những tuần đây. Đây được xem là một yếu tố hỗ trợ tâm lý thị trường trong thời gian qua.

Nhìn lại quá khứ, diễn biến của thị trường trong tháng 6 cũng khá ảm đạm, với mức tăng bình quân trong 20 năm qua là 0,3%, do nhiều nhà đầu tư cũng thường lựa chọn tạm thoát khỏi thị trường khi chuẩn bị bước vào tháng 7 – giai đoạn thị trường có màn trình diễn kém nhất trong năm. Ngoài ra, áp lực chốt lời cũng có thể tăng dần đến từ các nhà đầu tư đã bắt đúng đáy hồi giữa tháng 5.

Với xu hướng phục hồi hiện nay, theo phân tích kỹ thuật, ngưỡng kháng cự gần nhất của VN-Index nằm tại 1.300 điểm, tương ứng với Fibo 38,2% kéo từ đỉnh cao 1.531 điểm xuống vùng đáy gần nhất ở quanh 1.156 điểm. Vùng kháng cự mạnh hơn sẽ đặt tại 1.345-1.350 điểm và 1.390-1.400 điểm, tương ứng với Fibo 50% và Fibo 61,8%.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới