Thứ Năm, 18/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Chứng khoán tháng 7 liệu đã tạo đáy?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Chứng khoán tháng 7 liệu đã tạo đáy?

Dũng Nguyễn

(KTSG Online) – Thị trường chứng khoán trong tuần đầu tiên của tháng 8 bất ngờ phục hồi cả về điểm số và thanh khoản. Tâm lý nhà đầu tư dường như lạc quan hơn khi chỉ số quay trở về đà tăng dù chỉ trong ngắn hạn. Câu hỏi tiếp theo là thị trường liệu có thực sự tạo đáy trong tháng 7 hay sẽ còn đi xuống trong tháng 8?

Chứng khoán tháng 7 liệu đã tạo đáy?
Hình minh họa: T.H.

Phiên giao dịch ngày thứ Sáu cuối tuần trước ghi nhận chỉ số VN-Index giảm điểm sau 9 phiên tăng điểm liên tiếp,  đóng cửa tại mức 1.341,45 điểm, giảm 0,3% so với phiên trước đó. Chỉ số HNX-Index đóng cửa dưới mức tham chiếu, trong khi chỉ số Upcom-Index tăng 0,4%, ở mức 88,28 điểm.

Trong phiên giao dịch đó, VN-Index đã có lúc chạm ngưỡng 1.350 điểm, thị trường có diễn biến tăng trên diện rộng. Tuy nhiên, áp lực bán bất ngờ tăng mạnh trong nửa cuối thời gian giao dịch phiên chiều, kéo theo đà đi xuống chung của thị trường.

Lực bán tập trung nhiều tại các nhóm cổ phiếu có vốn hóa lớn, trong đó ngân hàng chiếm chủ yếu. Trong rổ cổ phiếu VN30, ghi nhận 20 mã giảm và 8 mã tăng nhẹ.

Ghi nhận chung là nhóm ngân hàng cũng không còn nhiều đóng góp cho đà tăng của VN-Index khi chỉ có 3/10 mã ảnh hưởng. Chiều giảm điểm cũng xuất hiện 3 cổ phiếu ngân hàng là ACB, CTG và VPB.

Nhìn chung trong tuần qua, tâm lý lạc quan đã thể hiện qua 4 phiên tăng điểm liên tiếp kể từ đầu tuần với lực mua tăng dần. VN-Index cũng ghi nhận đã phục hồi 77 điểm (tương ứng khoảng 6%) từ mức đáy 1.268,83 điểm vào cuối phiên ngày 23-7 vừa qua.

Điểm sáng trong tuần tiếp tục là việc khối ngoại mua ròng cả 5 phiên trong tuần với tổng giá trị hơn 2.400 tỉ đồng (riêng VHM dẫn đầu danh sách với giá trị mua ròng 1.000 tỉ đồng, bỏ xa STB giá trị 602 tỉ đồng).

So với tuần giao dịch trước đó nữa, VN-Index ghi nhận mức tăng 31,4 điểm (tương đương tăng 2,4%). Theo Công ty chứng khoán Yuanta Việt Nam, chỉ số chính của chứng khoán đã hồi phục tuần thứ hai liên tiếp, kèm theo thanh khoản gia tăng. Thêm nữa, dòng tiền không tập trung vào 2-3 ngành như vài tháng vừa qua và có sự luân chuyển thay phiên, phân bổ vào nhiều nhóm ngành khác nhau.

 

Như vậy, VN-Index tiếp tục nhịp phục hồi đáng kể, đạt gần 120 điểm trong cả 3 tuần. Do đó, theo Mirae Asset, chỉ số này sẽ phải đối mặt với tuần điều chỉnh đầu tiên, với ngưỡng hỗ trợ là vùng 1.300-1.310 điểm.

Tương tự, Yuanta Việt Nam cho rằng chỉ số sẽ tiếp tục giằng co trong các phiên giao dịch đầu tuần. Thị trường có thể sẽ còn trong trạng thái tích lũy ở vài phiên giao dịch tới.

Theo Công ty chứng khoán SSI, xét về yếu tố kỹ thuật, chỉ số chính đã vượt mốc kháng cự 1.340 điểm cùng khối lượng khớp lệnh vượt trội so với mức bình quân 20 ngày, đã xác nhận chỉ số quay trở lại đà tăng trong ngắn hạn.

Theo đó, các vùng hỗ trợ gần dành cho chỉ số lần lượt 1.340 điểm và 1.300 điểm, xa hơn là 1.261 điểm trong trường hợp dịch bệnh diễn biến xấu ngoài tầm kiểm soát.

Trong báo cáo chiến lược tháng 8 mới công bố, nhiều công ty chứng khoán cũng nhận định rằng định giá hiện tại của thị trường đang khá hấp dẫn so với thời điểm cuối tháng 6 cũng như so với mặt bằng khu vực.

Theo Công ty chứng khoán VNDirect, chỉ số VN-index trong tháng 8 có thể giao dịch trong vùng 1.250-1.350 điểm, trong đó vùng 1.250-1.270 là vùng hỗ trợ mạnh.

“Nhà đầu tư có thể nâng tỷ trọng cổ phiếu nếu thị trường điều chỉnh về vùng hỗ trợ, ưu tiên những cổ phiếu dẫn đầu thuộc những nhóm ngành có triển vọng tích cực trong thời gian tới như bất động sản, bán lẻ, logistic”, báo cáo VNDirect cho biết.

Trong khi đó, báo cáo của Yuanta Việt Nam đưa ra khuyến nghị: “trạng thái tích lũy này có thể chỉ diễn ra phần lớn ở nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, trong khi đó nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ vẫn đang trong giai đoạn biến động mạnh theo chiều hướng tích cực cho thấy dòng tiền vẫn chủ yếu tập trung ở hai nhóm cổ phiếu này”.

Tương tự, theo đánh giá của SSI, các yếu tố vĩ mô vẫn đang hỗ trợ tốt cho thị trường chứng khoán, nhưng việc kiểm soát dịch bệnh Covid-19 vẫn là một rủi ro lớn.

Tốc độ tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết theo quí đã chậm lại trong nửa cuối năm. Lợi nhuận sau thuế của các doanh nghiệp niêm yết trên HOSE (chiếm 97,2% vốn hóa) tăng trưởng 59,31% so với cùng kỳ, thấp hơn so với mức 79,7% trong quí 1 do tăng trưởng chậm lại ở nhóm ngân hàng và chứng khoán.

“Với các thách thức liên quan đến tình hình dịch bệnh và khả năng tăng trưởng lợi nhuận chậm lại trong quí 3 có thể khiến quá trình phục hồi của thị trường gặp khó, nhà đầu tư chỉ nên tích lũy cổ phiếu có chọn lọc trong các nhịp điều chỉnh để chủ động phòng ngừa rủi ro và tối ưu hóa lợi nhuận trong ngắn hạn lẫn trung và dài hạn”, SSI đưa ra khuyến nghị trong tháng 8.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới