Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Chứng khoán tháng 8 và bức tranh lợi nhuận quí 2

Triêu Dương

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) – Trái với mọi năm, mùa công bố báo cáo tài chính bán niên thường là chất xúc tác quan trọng hỗ trợ cho thị trường chứng khoán (TTCK), năm nay, với bức tranh chứa đựng không ít mảng màu xám, có thể khiến tâm lý nhà đầu tư bi quan.

Licogi 14 đã có ghi nhận đầu tiên trong lịch sử báo lỗ, với gần 238 tỉ đồng. Ảnh: Licogi14.vn

Mảng màu xám

Tính đến ngày đầu tuần này (25-7-2022), đã có xấp xỉ 400 doanh nghiệp công bố báo cáo tài chính quí 2-2022, trong tổng số hơn 750 doanh nghiệp niêm yết trên hai sàn HOSE và HNX. Bức tranh tổng quan cho thấy dù số doanh nghiệp tăng trưởng lợi nhuận vẫn chiếm đa số, phản ánh xu hướng phục hồi trong hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp theo diễn biến của nền kinh tế, nhưng vẫn còn đó những mảng màu ảm đạm.

Cụ thể, có 338 doanh nghiệp có lãi trong quí 2 này, chiếm tỷ trọng hơn 85% trong số các doanh nghiệp đã có báo cáo tài chính. Trong số này có hơn 140 doanh nghiệp, tương đương 35%, có lợi nhuận sụt giảm so với cùng kỳ năm 2021. Đáng lưu ý là không ít trong số này ghi nhận lỗ lớn từ hoạt động đầu tư tài chính, trong khi cùng kỳ lãi lớn, vì vậy đã tác động tiêu cực đến lợi nhuận quí 2 này so với cùng kỳ năm ngoái.

Ảnh hưởng từ các đợt lao dốc của TTCK kể từ đầu quí 2 đến nay, không có gì lạ khi có nhiều doanh nghiệp ghi nhận kết quả tiêu cực từ hoạt động đầu tư đến thế.

Đơn cử như CTCP Licogi 14 (HNX:L14) báo lỗ ròng gần 238 tỉ đồng, ghi nhận lần đầu tiên trong lịch sử báo lỗ, nguyên nhân chính là do phải trích lập dự phòng giảm giá chứng khoán kinh doanh tới gần 380 tỉ đồng. Hay như CTCP Đầu tư Phát triển Nhà Đà Nẵng (HNX: NDN) cũng ghi nhận lỗ đến 114 tỉ đồng, trong đó riêng mảng đầu tư chứng khoán lỗ 52 tỉ đồng.

…Nhưng vẫn còn đó những doanh nghiệp tăng trưởng vượt trội so với giai đoạn trước, khi hưởng lợi lớn từ xu hướng phục hồi của nền kinh tế, cũng như trước những biến động lớn của địa chính trị và kinh tế toàn cầu. Do đó, dòng tiền có thể sẽ phân hóa hơn và tìm kiếm những nhóm đang bước vào giai đoạn tăng trưởng mạnh mẽ.

Tương tự, các doanh nghiệp từng là tay chơi nổi trội trên TTCK như CTCP Vĩnh Hoàn (HOSE: VHC), CTCP Hóa An (HOSE: DHA), Thép Tiến Lên (HOSE: TLH),… cũng ghi nhận những ảnh hưởng tiêu cực từ hoạt động đầu tư chứng khoán đến lợi nhuận.

Những tín hiệu cảnh báo này đã xuất hiện từ báo cáo kết quả kinh doanh quí 1 năm nay, khi nhiều doanh nghiệp ghi nhận lãi từ hoạt động đầu tư chứng khoán suy giảm mạnh, ngay cả trước khi TTCK bắt đầu lao dốc. (Xem thêm bài Doanh nghiệp hết thời kiếm tiền từ cổ phiếu?(*)).

Trong số này không thể không kể đến nhóm chứng khoán, khi không chỉ các hoạt động môi giới, tư vấn bị ảnh hưởng do TTCK đi xuống, mà danh mục đầu tư cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng dù tự doanh của các công ty đã ít nhiều thoát được một lượng hàng lớn trước khi thị trường lao dốc.

Đơn cử như CTCP Chứng khoán Trí Việt (HOSE: TVB) báo lãi sau thuế chỉ còn gần 1,5 tỉ đồng, giảm mạnh đến 98% so với cùng kỳ, trong đó doanh thu tự doanh lỗ 800 triệu đồng, còn doanh thu môi giới chứng khoán giảm 68%. Đáng lưu ý, trong danh mục đầu tư của công ty này, khoản đầu tư vào HPG đang ghi lỗ 85 tỉ đồng, tương đương lỗ 43%.

Ngoài ra, có thể kể đến các công ty chứng khoán khác như CTS báo lãi sau thuế giảm 97%, BVS giảm 83%, FTS giảm 68%, VIX giảm 46%, IVS giảm 45%, SSI giảm 30%, WSS giảm 21%,…

Trong khi đó, nhóm thép vốn đạt lợi nhuận cao kỷ lục trong giai đoạn 2020-2021 thì quí 2 này cũng chứng kiến sự sụt giảm nghiêm trọng, trong bối cảnh giá thép lao dốc trước những ảnh hưởng như chuỗi cung ứng đứt gãy, thị trường bất động sản Trung Quốc khủng hoảng và các hoạt động xây dựng tại nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới này bị ảnh hưởng bởi việc phong tỏa nhiều thành phố lớn khi theo đuổi chính sách zero Covid. Có thể kể đến các doanh nghiệp thép như VCA báo lãi sau thuế giảm 98%, MEL giảm 93%, SMC giảm 91%, HSG giảm 77%,…

Dòng tiền sẽ phân hóa?

Trong bối cảnh nền kinh tế nói chung và doanh nghiệp nói riêng đang đối mặt với các thách thức liên quan các biến số vĩ mô quan trọng như lạm phát, lãi suất hay tỷ giá, lợi nhuận của các doanh nghiệp có thể tiếp tục đứng trước áp lực bị bào mòn.

Dù vậy, bên cạnh những nhóm ngành, doanh nghiệp có kết quả kinh doanh kém lạc quan, vẫn còn đó những doanh nghiệp thể hiện sự khởi sắc và tăng trưởng vượt trội so với giai đoạn trước, khi hưởng lợi lớn từ xu hướng phục hồi của nền kinh tế, cũng như trước những biến động lớn của địa chính trị và kinh tế toàn cầu. Do đó, dòng tiền có thể sẽ phân hóa hơn và tìm kiếm những nhóm đang bước vào giai đoạn tăng trưởng mạnh mẽ.

Với những ngân hàng đầu tiên công bố báo cáo tài chính quí 2, mẫu số chung vẫn cho thấy nhóm này tiếp tục chứng kiến lợi nhuận tăng trưởng vượt trội và duy trì là đầu tàu của các doanh nghiệp niêm yết trên sàn. Xu hướng tăng trưởng tín dụng cao hơn hẳn so với giai đoạn trước ngay từ những tháng đầu năm khi nhu cầu vay phục hồi mạnh mẽ đã góp phần quan trọng lên kết quả kinh doanh quí 2 của các ngân hàng. Như Vietcombank mới đây công bố lãi trước thuế quí 2 tăng vọt 50%, đạt 7.423 tỉ đồng, với dư nợ cho vay tăng vọt 15% so với đầu năm.

Nhóm doanh nghiệp dầu khí cũng đang hưởng lợi từ diễn biến giá dầu tiếp tục duy trì ở mức cao. Đơn cử như CTCP Lọc hóa dầu Bình Sơn (UpCom: BSR) ghi nhận doanh thu thuần quí 2 hơn 52.000 tỉ đồng và lãi ròng hơn 9.900 tỉ đồng, tăng tương ứng 88% và gấp gần sáu lần cùng kỳ. Đây là con số lợi nhuận lớn nhất từ trước đến nay của công ty này.

Nhóm lương thực, thực phẩm cũng được kỳ vọng sẽ ghi nhận kết quả tích cực khi được hưởng lợi từ giá lương thực, thực phẩm tăng vọt trong thời gian gần đây, trước nguy cơ khủng hoảng lương thực toàn cầu vì những tác động của xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine. Ngoài ra, trong bối cảm lạm phát leo thang khắp nơi, ngành lương thực, thực phẩm là nhóm hàng thiết yếu có thể điều chỉnh giá bán linh hoạt và thu lợi.

Về thị trường chung, dù rủi ro có thêm một đợt sụt giảm vẫn còn đó, nhưng quá khứ lại cho thấy tháng 8 thị trường thường có hiệu suất khá tích cực, với mức tăng trưởng bình quân 20 năm qua là 2,6%, chỉ kém mức 4,3% của tháng 1. Dường như sau những chuỗi ngày lao dốc của quí 2 với hiệu ứng Sell in May và không khí giao dịch ảm đạm của tháng 7, TTCK thường bật mạnh trở lại trong tháng 8 để tạo bản lề xác lập đà phục hồi vững chắc hơn cho giai đoạn cuối năm.

(*) https://thesaigontimes.vn/doanh-nghiep-het-thoi-kiem-tien-tu-co-phieu/

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới