Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Chứng khoán thế giới sụt giảm chưa có điểm dừng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Chứng khoán thế giới sụt giảm chưa có điểm dừng

Thị trường chứng khoán Mỹ tuần qua tiếp tục sụt giảm một phần cũng do thông tin tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ đạt mức kỷ lục trong 25 năm qua – Ảnh: AFP

(TBKTSG Online) – Kinh tế thế giới tuần đầu tiên của tháng 3 (từ ngày 2-3 đến 7-3) tiếp tục ghi nhận mức giảm kỷ lục trên các thị trường chứng khoán thế giới, mức tăng mạnh của giá dầu cùng một loạt các tin tức kinh tế đáng chú ý khác từ châu Âu và Bắc Mỹ.

Trong tuần, thị trường chứng khoán thế giới ghi nhận nhiều phiên giao dịch giảm điểm kỷ lục. Ngày 3-3, chỉ số công nghiệp Dow Jones rớt xuống dưới ngưỡng 7.000 điểm, với mức giảm 299,64 điểm (tương đương 4,24%). Chỉ số S&P 500 giảm 34,27 điểm (khoảng 4,66%) còn 700,82 điểm và gần sát mốc 700 điểm xảy ra hồi tháng 10-1996.

Phiên giảm điểm mạnh thứ hai trong tuần trên thị trường chứng khoán Mỹ là hôm 6-3. Trong phiên này, chỉ số công nghiệp Dow Jones hạ 37,27 điểm tương đương 0,6% xuống mức thấp nhất trong 12 năm là 6.726,02 điểm. Chỉ số Russell 2000 hạ 1,9%. Theo AP, lần sụt giảm mạnh mẽ này là do ảnh hưởng từ dữ liệu mà Bộ Lao động Mỹ vừa công bố, cho thấy, tỷ lệ thất nghiệp Mỹ cao nhất trong vòng 25 năm qua ở mức 8,1%.

Không sáng sủa gì hơn thị trường Mỹ, chứng khoán châu Á cũng trải qua những phiên giảm điểm nặng nề. Ngày 6-3 cũng là ngày ghi nhận mức giảm điểm mạnh nhất trong tuần của thị trường chứng khoán châu Á khi chỉ số MSCI giảm 1,6% xuống mức 71,97 điểm tại thị trường Tokyo (Nhật Bản) sau khi tăng 1,8% trong hai phiên giao dịch trước đó. Trong tuần này chỉ số MSCI đã hạ 4,3%.

Chỉ số Nikkei 225 giảm 3,5% xuống mức 7.171,10 điểm. Chỉ số Hang Seng của thị trường Hồng Kông hạ 1,3%, chỉ số S&P/ASX 200 của thị trường Úc hạ 1,4%. Tất cả thị trường chứng khoán châu Á mất điểm ngoại trừ thị trường Đài Loan, Ấn Độ và Sri Lanka.

Trong khi đó, giá dầu thô đã có thời điểm lên tới hơn 45 đô la Mỹ/thùng (ngày 4-3), do có dấu hiệu cho thấy nhu cầu tiêu thụ dầu đang khôi phục ở Mỹ và Trung Quốc – hai nền kinh tế tiêu thụ dầu hàng đầu thế giới.

Liên quan đến kế hoạch cứu trợ trị giá 700 tỉ đô la của Chính phủ Mỹ, đã xảy ra một sự kiện đáng chú ý là Iberiabank – ngân hàng đầu tiên tuyên bố trả lại tiền hỗ trợ của chính phủ do cho rằng có quá nhiều ràng buộc phức tạp.

Trong tuần này, Bộ Tài Chính Mỹ cho biết đã cấp thêm 394,4 triệu đô la Mỹ cho 28 ngân hàng, đồng thời công bố chương trình hỗ trợ 9 triệu chủ sở hữu nhà. 

Tuy nhiên, tuần lễ đầu của tháng 3 cũng đón nhận một số tin tức khá lạc quan phát đi từ các tổ chức kinh tế lớn của Mỹ. Ngân hàng Standard Chartered hôm 3-3 tuyên bố mức lãi ròng tăng thêm 20%, lên 3,41 tỉ đô la Mỹ trong năm 2008. JP Morgan Chase cũng tuyên bố kiếm được 5 tỉ đô la Mỹ lợi nhuận trong năm 2008 từ hoạt động giao dịch tại thị trường không chính thức (OTC) qua các công cụ phái sinh.

Những tin tức từ các nền kinh tế châu Âu trong tuần cũng không khả quan hơn những tuần trước đó. Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) tiếp tục giảm lãi suất cơ bản đồng euro nửa điểm phần trăm xuống còn 1,5%. Theo cơ quan thống kê châu Âu, giá tiêu dùng ở khu vực EU đã tăng 1,2% trong tháng 2-2009, cao hơn so với mức 1,1% tháng 1-2009.

Ngân hàng trung ương Anh (BoE) giảm lãi suất đồng bảng Anh xuống còn 0,5%, mức thấp nhất trong lịch sử 315 năm của ngân hàng. Đồng thời, BoE cho biết sẽ mua một lượng tài sản trị giá 75 tỉ bảng Anh (105 tỉ đô la Mỹ) từ các doanh nghiệp và phát hành tiền mới để chống lại suy thoái kinh tế.

MAI TRANG (Tổng hợp từ Bloomberg, AFP, AP)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới