Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Chứng khoán thế giới trước rủi ro bước vào đợt điều chỉnh lớn

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Chứng khoán thế giới trước rủi ro bước vào đợt điều chỉnh lớn

Chánh Tài

(TBKTSG Online) – Thị trường chứng khoán thế giới, đặc biệt các chỉ số chứng khoán ở châu Âu và Mỹ, đang đứng trước rủi ro bước vào một đợt điều chỉnh lớn sau khi tăng lên cao mức kỷ trong lịch sử bất chấp tình hình dịch virus corona chủng mới (Covid-19) ngày càng diễn biến phức tạp và có nguy cơ trở thành một đại dịch trên toàn cầu.

Chứng khoán thế giới trước rủi ro bước vào đợt điều chỉnh lớn
Các thị trường chứng khoán ở châu Á chìm ngập trong sắc đỏ trong phiên giao dịch 24-2. Ảnh: Reuters

Thị trường chứng khoán có thể giảm 10%

Ngay trước khi thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm trong hai phiên giao dịch cuối cùng của tuần trước, Peter Oppenheimer, Giám đốc chiến lược cổ phần toàn cầu của Ngân hàng Goldman Sachs, cảnh báo giới đầu tư rằng thị trường cổ phiếu có thể đang đánh giá thấp tác động tiêu cực của dịch Covid-19 đối với triển vọng lợi nhuận của các doanh nghiệp và thái độ chủ quan này đe dọa đến đà tăng trưởng của thị trường chứng khoán.

Dù dịch Covid-19 kích hoạt một đợt bán tháo cổ phiếu trên toàn cầu hồi cuối tháng 1 nhưng mất mát chỉ diễn ra trong ngắn hạn. Bước sang tháng 2, các chỉ số chứng khoán trên toàn cầu tiếp tục chinh phục các đỉnh cao mới.

Tuần trước, chỉ số MSCI All-Country World Index (MSCI-ACWI ), dùng để đo diễn biến của thị trường chứng khoán thế giới bao gồm 23 thị trường phát triển và 24 thị trường mới nổi, tăng lên mức cao nhất lịch sử. Hôm 19, các chỉ số chứng khoán tiêu biểu của Mỹ và châu Âu cũng đóng cửa với mức cao kỷ lục.

Giới đầu tư dường như quá lạc quan khi cho rằng tác động của dịch Covid-19 chỉ ở mức hạn chế và Trung Quốc sẽ tăng cường các biện pháp kích thích nền kinh tế.

“Giới đầu tư cần phải cẩn thận trước niềm tin này. Tác động của dịch Covid-19 có thể đã bị đánh giá thấp thể hiện qua các mức định giá cổ phiếu hiện nay. Điều này cho thấy rủi ro điều chỉnh của thị trường chứng khoán đang ở mức cao”, Peter Oppenheimer nhấn mạnh trong báo cáo gửi cho khách hàng.

Ông cảnh báo các thị trường cổ phiếu đang đứng trước rủi ro tăng trưởng lợi nhuân của doanh nghiệp bất ngờ suy giảm. Theo ông, dù một thị trường con gấu (thị trường chứng khoán suy giảm ít nhất 20%) có thể không diễn ra nhưng rủi ro điều chỉnh trong ngắn hạn có thể tăng lên. Thuật ngữ “điều chỉnh” theo định nghĩa của giới tài chính là thị trường giảm ít nhất 10% so với mức đỉnh gần nhất.

Peter Oppenheimer cho biết dữ liệu lịch sử cho thấy tác động của dịch bệnh chẳng hạn như dịch SARS (gây hội chứng suy hô hập cấp) vào năm 2003 ở Trung Quốc đối với thị trường chứng khoán thường chỉ là ngắn hạn. Song ông lưu ý rằng việc đặt ra các so sánh giữa dịch SARS và dịch Covid-19 là hoàn toàn không thích hợp vì nền kinh tế Trung Quốc hiện nay có quy mô lớn gấp 6 lần so với cách đây 17 năm.

Nhu cầu suy yếu của Trung Quốc tác động mạnh mẽ hơn đến nền kinh tế khu vực và thế giới so với cách đây 2 thập kỷ vì chỉ riêng ngành du lịch của Trung Quốc đã đóng góp đến 0,4 GDP toàn cầu.

Ông ước tính rằng chỉ cần GDP toàn cầu mất mát 1%, lợi nhuận của các công ty châu Âu sẽ suy giảm đến 10%. Mức độ  tác động của nền kinh tế Trung Quốc đối với chỉ số Euro Stoxx 50 (tập hợp 50 cổ phiếu lớn nhất và thanh khoản nhất ở khu vực sử dụng đồng euro) cao gấp hai lần với chỉ số S&P 500 của Mỹ vì các hãng ô tô, ngân hàng và công ty xa xỉ phẩm hàng đầu châu Âu đang phụ thuộc lớn vào thị trường Trung Quốc.

Các công ty toàn cầu lo lắng

Các công ty toàn cầu bắt đầu cảm thấy lo lắng khi chuỗi cung ứng của họ bị gián đoạn hoặc đang khôi phục chậm ở Trung Quốc. Tuần trước, hãng Apple cảnh báo sẽ không đạt mục tiêu doanh thu trong quí này do tác động của dịch Covid-19. Hãng rượu Pernod Ricard (Pháp) hạ dự báo tăng trưởng 50%, trong khi đó, hãng hàng không Air France-KLM (Pháp-Hà Lan) cảnh báo dịch Covid-19 sẽ gây tổn thất doanh thu đến 200 triệu euro do hãng này đã dừng các đường bay giữa châu Âu và Trung Quốc từ tháng 2 cho đến tháng 4.

Việc Apple bất ngờ cảnh báo doanh thu trong quí đầu năm 2020 không đạt mục tiêu khiến giới đầu tư bắt đầu cảm thấy bất an.

Apple được xem là công ty dẫn đầu về mức tăng trưởng lợi nhuận tốt hơn kỳ vọng. Trong quí 4-2019, tính  trung bình,  các công nghệ khổng lồ của Mỹ như Facebook, Amazon, Apple, Microsof và Google đạt lợi nhuận cao hơn kỳ vọng đến  20%, trong khi đó, 500 công ty đại chúng lớn nhất Mỹ trong chỉ chỉ số chứng khoán S&P 500 chỉ đạt tăng trưởng vượt mức kỳ vọng 4%.

Xe cấp cứu chuyển bệnh nhân nhiễm virus Covid-19 đến một bệnh viện ở TP. Daegu, Hàn Quốc hôm 23-2. Ảnh: Yonhap

Peter Oppenheimer cho biết: “Bất cứ sự suy yếu của các công ty nói trên và các công ty khác có thể đẩy mức kỳ vọng lợi nhuận của họ xuống thấp”.

Triển vọng lợi nhuận của các công ty toàn cầu, đặc biệt là các công ty dựa vào các chuỗi cung ứng ở Trung Quốc, sẽ phụ thuộc vào tình hình diễn biến của dịch Covid-19 trong thời gian tới.

Hôm 21-2, Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), nói rằng có nguy cơ dịch Covid-19 lan rộng bên ngoài Trung Quốc và cơ hội để khống chế dịch bệnh này đang dần thu hẹp. Diễn biến của dịch Covid-19 vào hai ngày cuối tuần qua cho thấy cảnh báo của ông Ghebreyesus có cơ sở. Số ca nhiễm virus Covid-19 ở Hàn Quốc, Ý và Iran tăng dồn dập.

Tại Trung Quốc, số ca nhiễm mới tăng thêm 409 ca vào hôm 23-2, giảm so với 648 ca vào hôm 22-2 nhưng số ca tử vong tăng thêm 150 ca, cao hơn con số 97 ca được ghi nhận hôm trước đó. Như vậy, cho đến nay, Trung Quốc có 77.150 ca nhiễm, gồm 2.592 ca tử vong.

Các nhà kinh tế ở Ngân hàng Morgan Stanley cho biết do tác động của dịch Covid-19, hoạt động sản xuất tại các nhà máy ở Trung Quốc chỉ mới khôi phục được 30-50% so với mức bình thường. Họ dự báo hoạt động sản xuất ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới chỉ có thể khôi phục hoàn toàn sớm nhất là vào cuối tháng 3.

Với đà hồi phục sản xuất chậm như vậy, họ nhận định tăng trưởng của Trung Quốc sẽ rơi về mức 4,2% so với cùng kỳ năm ngoái, giảm mạnh so với mức tăng trưởng 6% vào quí cuối năm 2019. Họ cũng dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ rơi về mức 2,5% trong năm nay.

Thị trường chứng khoán châu Á chìm ngập trong sắc đỏ trước những lo ngại về nguy cơ dịch Covid-19 lan rộng toàn cầu. Tính đến 1 giờ chiều 24-2, chỉ số Kospi của Hàn Quốc giảm sâu 3,52%. Giá cổ phiếu của hai hãng hàng không Korean Air Lines và Asiana Airlines giảm hơn 5% sau khi họ thông báo ngừng bay đến TP. Daegu, tâm điểm của dịch Covid-19 tại Hàn Quốc.

Trong khi đó, chỉ số Shanghai Composite (Trung Quốc) giảm nhẹ 0,18% nhưng chỉ số Hang Seng (Hồng Kông) giảm hơn 427 điểm (1,57%). Tại Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 giảm 0,35%. Chỉ số MSCI Asia ngoài trừ Nhật Bản ( đo lường biến động giá 1.185 cổ phiếu tiêu biểu ở 2 thị trường phát triển và 9 thị trường mới nổi ở châu Á) giảm 1,9%. Thị trường chứng khoán Mỹ đối mặt với cú sụt giảm mạnh trong phiên giao dịch hôm nay khi chỉ số Dow Jones tương lai đang giảm gần 400 điểm (1,35%) và chỉ số S&P 500 tương lai cũng giảm 1,42%.

Tịa thị trường Việt Nam, chỉ số VN-Index cũng có phiên giao dịch chao đảo và giảm 29,75 điểm (3,19%) xuống 903,34 điểm; HNX-Index giảm 3,64% xuống 104,15 điểm và UPCom-Index giảm 1,95% xuống 55,21 điểm. Số mã giảm điểm trên toàn thị trường lên tới 567 (bao gồm 98 mã giảm sàn), áp đảo hoàn toàn so với 132 mã tăng điểm.

Trong khi đó, nhu cầu tìm nơi trú ẩn tài sản an toàn tăng cao, đẩy giá vàng tương lai giao tháng 4 đang tăng 16 đô la (1%), lên mức  1.665 đô la Mỹ/ounce sau khi kim loại quý này đã tăng gần 4% vào tuần trước.

Theo Bloomberg, Reuters

 

.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới