Thứ Ba, 23/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Chứng khoán toàn cầu đỏ lửa đầu tuần

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Chứng khoán toàn cầu đỏ lửa đầu tuần

Đăng Linh

(TBKTSG Online) – Trong phiên giao dịch ngày 22-3-2019, TTCK Mỹ đã có phiên lao dốc rất mạnh (gần 2% đối với hai chỉ số Dow Jones và S&P 500). Diễn biến này ngay lập tức đã mang đến tâm lý tiêu cực đối với hầu hết các TTCK châu Á trong phiên đầu tuần, trong đó có chỉ số VN-Index của Việt Nam.

Lý do chính dẫn đến phiên bán tháo trên TTCK Mỹ cuối tuần trước là lo ngại của nhà đầu tư về khả năng kinh tế Mỹ bước vào pha suy giảm, trong đó một trong những biểu hiện sớm là chênh lệch lợi suất TPCP Mỹ giữa kỳ hạn ngắn và kỳ hạn dài chuyển sang trạng thái đảo ngược (“inverted yield curve”). Trong quá khứ, rủi ro thường xuất hiện khi lợi suất TPCP kỳ hạn ngắn có xu hướng tăng nhanh hơn, thậm chí vượt cả lợi suất suất TPCP kỳ hạn dài hoặc ngược lại, lợi suất TPCP kỳ hạn dài giảm mạnh và xuống mức thấp hơn kỳ hạn ngắn.

Theo quan sát của người viết, kể từ năm 1980 trở lại đây, cứ mỗi khi mức chênh lệch này trải qua giai đoạn giảm kéo dài và về quanh mức 0% (thậm chí ở mức âm) thì một cuộc suy thoái thường diễn ra ngay sau đó như các năm 1981, 1990, 2007.

Trong phiên ngày 22-3 vừa qua, lần đầu tiên kể từ sau khủng hoảng năm 2008, lợi suất TPCP Mỹ kỳ hạn 3 năm đã vượt kỳ hạn 10 năm. Mức chênh lệch dù là rất nhỏ (chỉ là -0,0052%) nhưng cũng đủ khiến nhà đầu tư trên TTCK lo ngại.

Trước đó, hồi đầu tháng 12-2018, chênh lệch lợi suất TPCP Mỹ giữa kỳ hạn 5 năm và 2 năm cũng lần đầu giảm xuống dưới mức 0% và cũng đã gây ra đà bán tháo trên TTCK Mỹ khi đó.

Mặc dù đường cong lợi suất giữa kỳ hạn 10 năm và 3 tháng; 5 năm và 2 năm của Mỹ hiện đã chuyển sang trạng thái đảo ngược nhưng chỉ báo phổ biến nhất được tham chiếu để dự báo về khả năng suy giảm của kinh tế Mỹ là chênh lệch lợi suất giữa kỳ hạn 10 năm và 2 năm vẫn đang duy trì trên mức 0%. Tuy vậy, mức chênh lệch giữa hai kỳ hạn này giảm xuống mức âm có thể chỉ còn là vấn đề thời gian.

Cũng cần lưu ý là luôn có độ trễ giữa việc đường cong lợi suất TPCP Mỹ chuyển sang dạng đảo ngược và pha suy giảm của kinh tế sau đó. Như trước cuộc khủng hoảng 2008 thì đường cong lợi suất đảo ngược cũng duy trì khoảng 4 quí trước khi cuộc khủng hoảng chính thức diễn ra, hay năm 2000 là 3 quí.

Do vậy, việc chênh lệch lợi suất kỳ hạn 10 năm và 3 tháng chuyển sang trạng thái âm trong phiên ngày 22-3-2019 nên được xem là tín hiệu cảnh báo sớm hơn là lo ngại đà suy giảm sẽ diễn ra ngay lập tức. Dẫu vậy, với đặc tính đi trước nền kinh tế thực, TTCK toàn cầu hiển nhiên có lý do để lo lắng khi pha suy giảm của kinh tế Mỹ có thể không còn quá xa.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới