Chứng khoán Trung Quốc: bong bóng bắt đầu vỡ?
Thái Bình
![]() |
Diễn biến của chỉ số chứng khoán Thượng Hải, TQ so với chỉ số S&P 500 của thị trường chứng khoán Wall Street (Mỹ). Nguồn CNN |
(TBKTSG Online) – Cho đến sáng nay thứ Bảy 27-6 các nhà đầu tư cổ phiếu ở Trung Quốc vẫn chưa hiểu được vì đâu mà hai thị trường chứng khoán Thượng Hải và Thâm Quyến cùng lao dốc mạnh trong ngày hôm qua – ngày Thứ Sáu đen – báo hiệu một giai đoạn điều chỉnh sâu của thị trường chứng khoán được coi là hoạt động tốt nhất trong năm nay.
Kết thúc phiên giao dịch vào chiều qua, chỉ số chứng khoán tổng hợp Thượng Hải (Shanghai Composite, chỉ số chính của Trung Quốc) giảm 7,4%, đồng thời chỉ số chứng khoán Thâm Quyến (Shenzhen Composite, quy tụ chủ yếu các công ty công nghệ) cũng giảm 7,9%.
Trên sàn Thượng Hải có nhiều mã cổ phiếu giảm sàn, -10% – mức giảm tối đa của một cổ phiếu trong phiên giao dịch.
Trong khi đó, ngày hôm qua chỉ số Hang Seng của Hồng Kông (hoạt động biệt lập với thị trường chứng khoán Trung Quốc) chỉ giảm 1,8%.
Như vậy trong tuần qua, chỉ số Thượng Hải đã giảm liên tục 5 phiên, thị trường mất đi tổng cộng 12% giá trị, khiến cho tất cả các nhà đầu tư rơi vào trạng thái hết sức bất an.
Tuy nhiên, tính chung từ đầu năm đến nay, chỉ số chứng khoán Thượng Hải vẫn còn tăng 30%, con số này ở chỉ số chứng khoán Thâm Quyến là 77%.
Đà tăng mạnh mẽ của hai chỉ số này trong mấy tháng đầu năm đã làm cho các chuyên gia thị trường bất ngờ và liên tục phát ra những lời cảnh báo về hiện tượng “bong bóng” của thị trường chứng khoán Trung Quốc.
Kinh tế Trung Quốc đầu năm nay co lại, tăng trưởng ở mức chậm nhất kể từ năm 2009; doanh số và lợi nhuận của tất cả các doanh nghiệp nước này đều giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái. Trong tình hình đó, đà tăng mạnh mẽ của thị trường chứng khoán là điều khó lý giải.
Nhiều nhà phân tích cho rằng, thị trường chứng khoán Trung Quốc không vận hành và không được hỗ trợ bởi những yếu tố nền tảng mà thay vì vậy, giá cổ phiếu bị đẩy lên theo vô số biện pháp kích thích của chính phủ nước này và động tác đầu cơ làm giá của giới đầu tư. “Cảm xúc ngự trị, định giá tính sau”, là nhận xét về thị trường này của các nhà phân tích Công ty chứng khoán BlackRock, theo CNN. Báo New York Times ghi nhận hiện tượng đặc biệt khi một số mã chứng khoán Trung Quốc có chỉ số P/E (giá/lợi nhuận kỳ vọng) lên tới 80, thậm chí 100 cho dù lợi nhuận thực tế của doanh nghiệp được ghi nhận thấp hơn năm ngoái.
Một yếu tố khác là người dân Trung Quốc có tỷ lệ tiết kiệm rất cao. Do lãi suất ngân hàng bị khống chế dưới mức lạm phát, người có tiền nhàn rỗi thường đầu tư vào bất động sản. Gần đây thị trường nhà đất đóng băng, nhiều người có tiền đổ xô vào thị trường chứng khoán. Theo BlackRock, chỉ trong một tuần của tháng 4 vừa qua, nhà đầu tư đã mở thêm 4 triệu tài khoản giao dịch mới.
Một điều đáng chú ý là sự bùng nổ của hiện tượng mua cổ phiếu bằng tiền vay mà thuật ngữ trong ngành gọi là margin: nhà đầu tư thế chấp cổ phiếu hiện có trong tài khoản để vay tiền và dùng tiền đó tiếp tục mua thêm cổ phiếu. Nợ margin hiện đã chiếm tới 8% lượng thanh khoản của thị trường chứng khoán Trung Quốc, theo Ngân hàng Macquarie. “Những tay chơi già dặn ở châu Á đều biết rằng, chuyện này sẽ kết thúc trong nước mắt”, các chuyên viên phân tích của BlackRock nhận định.