Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Chứng khoán Trung Quốc: Sáng giảm hơn 3%, chiều phục hồi

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Chứng khoán Trung Quốc: Sáng giảm hơn 3%, chiều phục hồi

Phúc Minh

Chứng khoán Trung Quốc: Sáng giảm hơn 3%, chiều phục hồi
Chứng khoán Trung Quốc lại giảm mạnh sau ba tuần ổn định. Ảnh: Reuters

(TBKTSG Online) – Sau khi sụt giảm mạnh vào hôm qua, sáng nay 19-8, chỉ số Shanghai Composite tiếp tục giảm 3,12%, kết thúc phiên giao dịch buổi sáng ở mức 3.631,4 điểm.

Trong phiên giao dịch sáng nay, chỉ số Shanghai Composite có lúc giảm đến 5%, liên tục rơi khỏi các mốc 3.700 điểm, 3.600 điểm, đến cuối phiên thu hẹp còn 3,12%.

Hôm qua, chỉ số Shanghai Composite giảm 6,15% – mạnh nhất từ ngày 27-7.

Trong khi đó, chỉ số Shenzen Composite, gồm chủ yếu các công ty công nghệ, giảm 6,6%.

Chỉ số Hang Seng China Enterprises, đo diễn biến của các công ty đại lục niêm yết cổ phiếu trên sàn Hồng Kông, cũng giảm 1,75% xuống mức thấp nhất 9 tháng qua.

Cổ phiếu của hơn 600 công ty Trung Quốc, trong đó có nhiều doanh nghiệp nhà nước lớn, giảm hết biên độ 10%.

Ngày 18-8, các nhà đầu tư chứng khoán vội vã rút tiền lời khi Tập đoàn tài chính chứng khoán Trung Quốc (CSF – cơ quan được lập ra để hỗ trợ giá cổ phiếu trong nước) không động tĩnh gì. Trước đó vào ngày 14-8, giới chức Trung Quốc cho biết CSF sẽ giảm mua vào cổ phiếu do biến động trên thị trường chứng khoán đã được xoa dịu.

Nhà đầu tư lo chính phủ ngưng hỗ trợ thị trường

"Nhà đầu tư tháo chạy khi chính phủ không hỗ trợ thị trường. CSF đã trở thành người chơi chính trên thị trường chứng khoán rồi. Vậy nên, tất cả đều đang dõi theo và hoảng loạn khi CSF ngừng mua vào"– kinh tế trưởng Steve Wang tại Reorient Financial Markets nhận xét.

Trong vài tháng qua, thị trường Trung Quốc liên tục biến động. Chỉ số Shanghai Composite chạm đỉnh hơn 5.100 điểm vào giữa tháng 6-2015, tăng 150% so với cùng kỳ năm ngoái. Khi bong bóng trên thị trường chứng khoán bắt đầu vỡ vào tháng 7-2015, chỉ số Shanghai Composite mất tới 32% giá trị chỉ trong 18 phiên giao dịch, gần 4.000 tỉ đô la Mỹ vốn hóa bốc hơi khỏi thị trường.

Chính phủ Trung Quốc phản ứng mạnh tay qua việc Ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBOC) giảm lãi suất xuống mức thấp kỷ lục, đình chỉ các giao dịch IPO (phát hành cồ phiếu ra công chúng lần đầu tiên) mới, đe dọa đưa những người bán khống vào tù, tạm ngừng giao dịch hơn 1/2 công ty niêm yết để tránh tình trạng bán tháo… Ủy ban giám sát chứng khoán Trung Quốc cũng tổ chức cho CSF mua lại cổ phiếu từ tiền của Ngân hàng trung ương.

Tính từ khi chạm đáy vào ngày 8-7 đến ngày 18-8, chỉ số Shanghai Composite đã hồi phục 14% sau khi chính phủ can thiệp để ngăn chặn đà giảm giá cổ phiếu. Tuần trước, chỉ số Shanghai Composite vẫn tăng 5,9% bất chấp nhân dân tệ giảm mạnh nhất trong 21 năm qua và khuấy đảo thị trường tài chính toàn cầu. Nhà đầu tư bắt đầu dồn sự chú ý sang nhân dân tệ, khi Trung Quốc liên tục hạ giá nhân dân tệ so với đô la Mỹ vào tuần trước để kích thích xuất khẩu, cho thấy tình trạng sức khỏe của nền kinh tế số hai thế giới có vấn đề.

Để đối phó với tình trạng thiếu tiền mặt, ngày 18-8, Ngân hàng trung ương Trung Quốc đã bơm vào thị trường số tiền khổng lồ 120 tỉ nhân dân tệ (60 tỉ đô la Mỹ) cho các ngân hàng thương mại.

Nhà đầu tư nước ngoài: chỉ cần làm theo các "nhóm quốc gia"

Hiện nay, một số nhà đầu tư nước ngoài tìm thấy cách đơn giản mới để có được lợi nhuận từ thị trường chứng khoán Trung Quốc là: không cần phải nghiên cứu thị trường, chỉ cần làm theo các "nhóm quốc gia" (chỉ CSF). Khi các "nhóm quốc gia" mua vào, nhà đầu tư nước ngoài cũng nhanh chóng mua vào cổ phiếu. Chỉ cần có lợi nhuận, họ sẵn sàng bán cổ phiếu bất cứ lúc nào, thời gian nắm giữ cổ phiếu thường là vài giờ hoặc vài ngày, dù các "nhóm quốc gia" không cố tình khuyến khích các giao dịch ngắn hạn.

Ông Karine Hirn, đối tác của quỹ East Capital (Thụy Điển) tại Hồng Kông, nói: "Chính quyền Trung Quốc gần đây đưa ra một số chính sách khó hiểu và không thực sự nâng cao niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài. Điều này khiến một số nhà đầu tư theo dõi chặt chẽ các biện pháp can thiệp cơ quan chức năng, chứ không nghiên cứu các yếu tố cơ bản để đầu tư cho phù hợp".

Trong khi một số nhà đầu tư thực hiện theo các "nhóm quốc gia", nhiều nhà đầu tư khác tìm cách rút khỏi thị trường. Sàn chứng khoán Thượng Hải và Thâm Quyến đã giảm một nửa tổng khối lượng giao dịch hàng ngày trong hơn 2 tháng qua. Trong khi đó, giá trị thị trường của các công ty Trung Quốc niêm yết ở nước ngoài cũng đang giảm, phản ánh sự suy sụp ngày càng nghiêm trọng của thị trường chứng khoán Trung Quốc.

Theo dự báo của chuyên gia Trung Quốc, trong những ngày tới, biên độ lên xuống của thị trường chứng khoán nước này chỉ dao động bên "yếu" vì mất đà hồi phục, cũng như không có tin tức gì mới tích cực và đáng kể.

Cập nhật chiều 19-8: Kết thúc giao dịch chiềuu ngày 19-8, chỉ số Shanghai Composite tăng 1,2% sau khi giảm 3,12% sáng cùng ngày, đóng cửa ở mức 3.794,109 điểm.

Người giàu bỏ chạy, người nghèo chen vào

Cuối buổi sáng nay 19-8, chỉ số chứng khoán Trung Quốc giảm thêm 3% sau khi lao dốc 6% hôm qua. Nhưng đáng chú ý là trong khi đám đông tiếp tục đổ tiền vào “canh bạc lớn” này thì hầu hết những nhà đầu tư tầm cỡ đều tìm cách tháo chạy khỏi thị trường.

Hãng tin Bloomberg dẫn số liệu của Công ty Lưu ký và Thanh toán chứng khoán Trung Quốc cho biết, trong tháng 7 vừa qua – thời kỳ lao dốc trầm trọng nhất của thị trường chứng khoán Trung Quốc – số nhà đầu tư có hơn 10 triệu nhân dân tệ (1,6 triệu đô la Mỹ) giá trị cổ phiếu trong tài khoản đã giảm 28%, từ 76.000 tài khoản trong tháng 6-2015 xuống còn 55.000 tài khoản trong tháng 7. Số nhà đầu tư có giá trị cổ phiếu từ 1 triệu đến 10 triệu nhân dân tệ cũng giảm 22%. Ngược lại, số nhà đầu tư có giá trị tài khoản dưới 100.000 nhân dân tệ lại tăng thêm 8%.

Công ty nghiên cứu thị trường CLSA Ltd. cho rằng nhà đầu tư lớn đang tìm cách “chốt lời”, lợi dụng lúc chính phủ Trung Quốc tung tiền ra cứu giá cổ phiếu, một biện pháp mà họ cho là không thể kéo dài. Ngoài ra, giá cổ phiếu Trung Quốc – tuy giảm mạnh trong thời gian gần đây – vẫn còn quá đắt đỏ; tỷ suất (P/E – giá/lợi nhuận kỳ vọng) trung bình hiện nay là 72 lần, đắt nhất trong 10 thị trường lớn nhất thế giới và cao hơn mức 68 lần trước khủng hoảng kinh tế năm 2007.

Một nguyên nhân khác khiến nhà đầu tư tháo chạy là lợi nhuận các doanh nhiệp TQ giảm mạnh do kinh tế tăng trưởng chậm lại. Lợi nhuận các công ty nước này giảm 0,3% trong tháng 6 dù tăng 0,6% trong tháng trước đó.

Trong khi các nhà đầu tư “triệu phú” am hiểu thị trường và khôn ngoan hơn đang tháo chạy thì đám đông các nhà đầu tư “nghèo” vẫn đổ tiền vào chứng khoán với niềm tin rằng chính phủ Trung Quốc sẽ tiếp tục nâng đỡ thị trường và như vậy họ vẫn còn cơ hội kiếm lời.

(theo Bloomberg)

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới