Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Chứng khoán – vì đâu bán tháo trở lại?

Triêu Dương

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) – Điểm số giảm mạnh kèm với khối lượng tăng vọt là tín hiệu rất xấu, cho thấy bên bán muốn thoát hàng bằng mọi giá. Ngoài nỗi lo ngại về tình hình dịch bệnh trong nước, chứng khoán Việt Nam cũng chịu ảnh hưởng từ diễn biến điều chỉnh của các thị trường toàn cầu, nhất là khi khối ngoại mạnh tay bán ròng trở lại.

Bán bất chấp

Bất chấp các dự báo đầy lạc quan gần đây của các công ty chứng khoán về mục tiêu lên 1.400 hay 1.500 điểm cho chỉ số VN-Index, thị trường chứng khoán (TTCK) phiên thứ Sáu (ngày 20-8-2021) đã bất ngờ lao dốc mạnh, với chỉ số VN-Index giảm hơn 45,4 điểm, tương đương 3,3%, đánh dấu phiên giảm mạnh nhất tính từ ngày 12-7-2021.

Đáng lưu ý là điểm số giảm mạnh kèm với khối lượng tăng vọt là tín hiệu rất xấu, cho thấy bên bán muốn thoát hàng bằng mọi giá, đặc biệt khi càng về cuối phiên lượng bán càng dồn dập đã đẩy chỉ số giảm sâu.

Cụ thể, phiên ngày 20-8 ghi nhận kỷ lục mới về thanh khoản, với tổng khối lượng giao dịch đạt 1,2 tỉ cổ phiếu tính riêng trên sàn HOSE, tương ứng giá trị giao dịch là 38.349 tỉ đồng. Sàn UpCom cũng đạt kỷ lục về thanh khoản với 220 triệu cổ phiếu được trao tay. Tính trên toàn thị trường, tổng giá trị giao dịch đạt hơn 47.700 tỉ đồng, tương đương hơn 2 tỉ đô la Mỹ, cao nhất từ trước đến nay.

Trong khi không ít nhà đầu tư đang hồ hởi chờ đợi chuyến thăm chính thức của Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris đến Việt Nam vào ngày 24-8 có thể mở ra những cơ hội mới trong quan hệ giữa hai nước, đặc biệt là ở lĩnh vực kinh tế khi Việt Nam đang nổi lên với vị thế là đối tác thương mại lớn của Mỹ và có vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu, mà từ đó sẽ thu hút thêm dòng vốn đầu tư, mở rộng cơ hội kinh doanh cho các doanh nghiệp nội địa và tạo thêm nhiều công ăn việc làm, thì phiên lao dốc cuối tuần qua đã tác động tiêu cực lên tâm lý thị trường.

Hầu hết ý kiến cho rằng thông tin TPHCM sẽ tăng cường biện pháp chống dịch Covid-19 với yêu cầu “ai ở đâu ở yên đó” lan truyền từ ngày 19-8, cùng với những tin đồn “đóng cửa thành phố” đã khiến nhiều nhà đầu tư lo ngại và tạm thoát khỏi thị trường. Thực tế là thành phố sau đó đã thông báo chỉ siết chặt các biện pháp kiểm soát, giãn cách xã hội kể từ ngày 23-8, với sự tham gia của quân đội để nâng cao hiệu quả chống dịch, nhằm đạt mục tiêu kiểm soát dịch đến ngày 15-9 như Nghị quyết 86 của Chính phủ.

Đáng lưu ý là cùng với việc giãn cách nghiêm ngặt hơn, chính quyền TPHCM cũng sẽ tận dụng thời gian này để tăng tốc xét nghiệm toàn thành phố nhằm phát hiện sớm nhất F0, kịp thời ngăn chặn lây lan. Đây có lẽ là nỗi lo ngại lớn nhất hiện nay đối với không ít nhà đầu tư, vì việc xét nghiệm trên diện rộng một lần nữa nếu phát hiện số ca F0 quá lớn có thể tác động tiêu cực lên tâm lý thị trường. Ngược lại, nếu số ca F0 phát hiện mới trong đợt xét nghiệm lần này không đáng kể so với dự báo, tâm lý thị trường có thể bình ổn hơn và theo đó thị trường có thể phản ứng lạc quan trở lại.

Nhưng liệu còn có lý do nào khác?

Ngoài nỗi lo ngại về tình hình dịch bệnh trong nước, TTCK Việt Nam cũng chịu ảnh hưởng từ diễn biến điều chỉnh của các TTCK toàn cầu, đặc biệt là tại Mỹ trong những ngày gần đây. Chỉ trong ba phiên 17,18 và 19-8, chỉ số Dow Jones của Mỹ đã rớt hơn hơn 730 điểm, tương ứng hơn 2%. Ngoài nguy cơ chủng Delta đang hoành hành tại Mỹ khiến số ca nhiễm Covid-19 mới tăng vọt trở lại, nhà đầu tư cũng đang lo ngại nền kinh tế lớn nhất thế giới này có thể chứng kiến chính sách tiền tệ sớm thắt chặt trở lại.

Biên bản cuộc họp chính sách tháng 7 mới được công bố của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) cho thấy, ngày càng có nhiều thành viên của cơ quan này đồng tình với khả năng Fed sẽ giảm quy mô mua tài sản trong vài tháng tới, dựa trên các điều kiện kinh tế và tài chính hiện nay đã được cải thiện đáng kể. Theo đó, cơ quan này có thể chấm dứt chương trình mua trái phiếu vào cuối năm nay hoặc đầu năm sau, trước khi quyết định nâng lãi suất trở lại.

Trước những dự báo này, các kênh đầu tư như chứng khoán đang chịu áp lực điều chỉnh rất lớn khi các nhà đầu tư toàn cầu sẽ chạy sang những kênh đầu tư hưởng lợi từ chính sách mới này. Ngoài ra, các thị trường chứng khoán mới nổi và đang phát triển cũng sẽ chịu áp lực rất lớn, trong bối cảnh dòng vốn hưởng lợi từ chính sách tiền rẻ trong thời gian qua có thể chạy lại về Mỹ khi nước này dần thắt chặt chính sách tiền tệ trở lại.

Thực tế sau chuỗi mua ròng bảy phiên liên tiếp từ ngày 30-7 đến 9-8, các nhà đầu tư nước ngoài đã quay lại bán ròng mạnh mẽ trên TTCK Việt Nam từ đó đến nay, với tổng giá trị bán ròng tính riêng trên sàn HOSE từ ngày 9-8 đến ngày 20-8 lên tới hơn 7.900 tỉ đồng, tính ra bình quân mỗi phiên bán ròng gần 880 tỉ đồng, đánh dấu đợt bán ròng lớn nhất tính từ cuối tháng 5 – đầu tháng 6 đến nay.

Dự thảo sửa đổi Thông tư 01/2020/TT-NHNN và Thông tư 03/2021/TT-NHNN mới được công bố để lấy ý kiến cũng có thể đang có những tác động khó lường lên TTCK Việt Nam. Dù thời gian tái cơ cấu nợ được kéo dài hơn nhưng thời gian kéo dài chỉ có sáu tháng, trong khi đó chính sách trích lập dự phòng bổ sung đối với nợ tái cơ cấu vẫn được giữ nguyên ở thời hạn ba năm, từ 2021-2023.

Đáng lưu ý là với việc các khoản vay phát sinh trước ngày 1-8-2021 cũng đủ điều kiện tái cơ cấu, các khoản nợ tái cơ cấu có thể tăng vọt trong thời gian tới và từ đó sẽ gây áp lực rất lớn lên chi phí trích lập dự phòng rủi ro tín dụng cũng như lợi nhuận của các ngân hàng ngay trong năm nay, càng tác động xấu lên giá cổ phiếu.

Thực tế nhóm cổ phiếu ngân hàng cũng dẫn đầu đà lao dốc trong phiên ngày 20-8, với mức giảm gần 3,9%, trong đó các cổ phiếu ngân hàng vốn hóa lớn như VCB, TCB, BID, CTG… đóng góp lớn vào số điểm giảm của chỉ số chung VN-Index. Ngoài ra, nhiều cổ phiếu ngân hàng cũng đạt thanh khoản “khủng” trong phiên này, như STB, MBB, TCB, CTG, SHB ghi nhận khối lượng giao dịch từ 20-40 triệu đơn vị.

Kể từ đợt điều chỉnh hồi giữa tháng 7, nhóm cổ phiếu ngân hàng thời gian qua diễn biến không mấy tích cực, với mức tăng trưởng chậm hơn so với thị trường chung cũng như các nhóm ngành khác trong đợt phục hồi vừa qua. Nay nhóm này lại chịu tác động giảm mạnh hơn cùng với thanh khoản tăng vọt cho thấy nhà đầu tư tiếp tục mạnh tay bán ra và thoát khỏi nhóm cổ phiếu vua. Trước tình hình này, các phiên giảm điểm mạnh nếu tiếp tục diễn ra, hiệu ứng call margin sẽ lại xảy ra và càng đẩy thị trường chịu thêm áp lực suy giảm.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới