Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Chung tay giải quyết khủng hoảng lương thực

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Chung tay giải quyết khủng hoảng lương thực

Một quầy bán ngũ cốc tại Tajikistan. (Ảnh: Reuters)

(TBKTSG Online)- Giá lương thực bùng phát kể từ năm 2006 và ngày càng leo thang. Theo Tổ chức Lương nông thế giới, chỉ số giá lương thực năm 2007 đã tăng 24% so với năm 2006 và trong 3 tháng đầu năm 2008, chỉ số này tăng 53%.  

Cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu có thể đẩy 100 triệu người vào cảnh đói, đe dọa gây ra bất ổn xã hội. Trước tình hình này, giới lãnh đạo toàn cầu buộc phải tìm cách đưa ra các biện pháp nhằm giảm thiểu tối đa thiệt hại mà người nghèo trên thế giới phải hứng chịu.  

“Cần hành động cụ thể”

Giám đốc Ngân hàng Thế giới (WB) Robert Zoellick tuyên bố dành 1,2 tỉ đô la Mỹ để cho vay và giúp đỡ các nước đang vật lộn với giá lương thực, nhiên liệu. Ông nói, “Điều quan trọng là chúng ta cần tập trung vào những hành động cụ thể. Đó không phải là vấn đề giống như HIV/AIDS, lĩnh vực mà bạn cần có đột phá về nghiên cứu. Mọi người biết phải làm gì”.  

Tổ chức Lương nông thế giới (FAO) cũng đưa ra ba hướng giải quyết tình trạng hiện thời: lập tức gửi lương thực viện trợ tới những quốc gia đói nghèo, các nước nên coi nông nghiệp như hoạt động sản xuất ưu tiên hàng đầu, thúc đẩy phát triển cộng đồng cư dân nông thôn để hồi sinh nông nghiệp ở mỗi quốc gia.  

Một hội nghị cấp cao về an ninh lương thực sẽ diễn ra tại Rome (Ý) trong ba ngày (3 đến 5-6), nhằm góp phần giúp thế giới có cái nhìn toàn cảnh về cuộc khủng hoảng lương thực và phương hướng giải quyết. Tổng thư ký Liên hiệp quốc (LHQ) Ban Ki-moon, người đã lập riêng một đội công tác, cũng sẽ có mặt tại hội nghị cùng với các nhà lãnh đạo của Pháp, Tây Ban Nha, Nhật, Brazil, Argentina và một số nước châu Phi.  

Hôm 30-5, đại diện của 26 nước thuộc khu vực Mỹ Latin và Tổ chức kinh tế Caribbean (LAES) cũng đã có một cuộc hội đàm tại thủ đô Caracas (Venezuela) để thảo luận về các biện pháp chống đỡ cuộc khủng hoảng lương thực hiện nay.  

Mới đây, Liên minh châu Âu (EU) cũng tuyên bố sẽ có một khoản trợ giúp cho các nước nghèo mua hạt giống, đầu tư vào cơ sở hạ tầng và các thiết bị sản xuất nông nghiệp để giúp các nước nghèo tăng sản lượng nông nghiệp. Đây là một điều khoản trong chính sách viện trợ nông nghiệp thông thường của EU. Trong năm 2008 – 2009, khoản trợ giúp nói trên có thể trị giá đến hàng trăm triệu euro.         

Thế giới đồng hành

Các nước nên coi nông nghiệp như hoạt động sản xuất ưu tiên hàng đầu, thúc đẩy phát triển cộng đồng cư dân nông thôn để hồi sinh nông nghiệp ở mỗi quốc gia.

Trong khi đó, hôm 1-6, hàng chục ngàn người trên thế giới tham gia đi bộ gây quỹ cho Chương trình lương thực LHQ (WFP), đồng thời cảnh báo về tình trạng giá lương thực tăng trên toàn cầu. Cuộc đi bộ mang tên “End Hunger: Walk the World” (Chấm dứt nạn đói: Toàn thế giới đồng hành) sẽ diễn ra trong vòng 24 giờ tại 70 nước, bắt đầu tại bờ biển phía đông châu Á, sau đó tiếp nối tại nhiều nước và kết thúc tại bờ tây nước Mỹ.  

Tham gia cuộc đi bộ còn có nhiều trẻ em đang nhận lương thực cứu trợ tại 22 nước, nhiều nhân vật nổi tiếng, các chính khách, nhân viên WFP… Các nước có số người tham gia đi bộ đông nhất là Indonesia, Guatemala, Tanzania, Malawi… Số tiền quyên góp sẽ dùng mua lương thực cứu trợ nhiều nơi đang có nạn đói, trong đó có 59 triệu trẻ em phải nhịn đói đến trường hàng ngày. Mới đây, Saudi Arabia đã đóng góp cho WFP 500 triệu đô la Mỹ.  

Đứng đầu danh sách chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ khủng hoảng lương thực là Eritrea, nước nhập khẩu 100% xăng dầu và 88% các loại ngũ cốc thiết yếu. Ba phần tư dân số của nước này suy dinh dưỡng. Những nước khác được liệt kê trong danh sách là Haiti, Tajikistan, Niger, Bostwana, Campuchia và Zambia.  

Theo FAO, kể từ năm 1995 đến nay, lượng dự trữ ngũ cốc giảm trung bình khoảng 3,4% mỗi năm, vì mức cầu đã vượt quá nguồn cung. Sở thích dùng thịt và các sản phẩm từ sữa của Trung Quốc và các nước đang phát triển đẩy mạnh nhu cầu ngũ cốc cho gia súc.  

Ngoài ra, những thay đổi trong chính sách cũng góp phần làm giảm nguồn cung lương thực. Vấn đề thời tiết gây mất mùa, nhu cầu nhiên liệu sinh học cũng làm đẩy mạnh nhu cầu về ngô, đường và các loại lương thực khác.    

MAI TRANG (tổng hợp)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới