Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Chung vai gánh vác

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Chung vai gánh vác

Trần Đăng Khoa (*)

(TBKTSG) – Cuối mùa đông năm 1996, tôi tham gia một chuyến đi thực địa với nhóm sinh viên Đại học UQAM tại thị trấn Val d’Or, ở miền tây bắc tỉnh Québec (Canada). Tuyết vẫn còn phủ đầy trên con đường vào mỏ vàng của thị trấn.

Hôm trước thầy tôi, người dẫn đầu nhóm sinh viên, đã gọi điện thoại đến mỏ và người ta dễ dàng chấp nhận chuyến tham quan tập sự. Nhưng hôm ấy không khí lặng lẽ khác thường và chúng tôi bị chặn lại ở cổng vào, một nhóm công nhân báo là đang có đình công.

Sau năm phút nói chuyện, đại diện nghiệp đoàn đồng ý để chúng tôi vào và cho người theo phụ giúp về kỹ thuật vì các bộ phận của mỏ đều không làm việc. Tại văn phòng của mỏ, chúng tôi gặp giới quản lý, họ bày tỏ sự cảm thông vì chúng tôi sẽ không được chứng kiến toàn bộ hoạt động của mỏ.

Chuyến tham quan diễn ra tốt đẹp. Khi lên xe ra về, tôi thắc mắc hỏi thầy vì sao cả hai phía đang “gầm ghè” nhau như thế nhưng lại đều thân thiện với chúng tôi! Thầy trả lời rằng việc ấy rất đơn giản, cả hai bên đều quan niệm rằng các sinh viên sẽ là những đồng nghiệp tương lai của họ. Quả là một bài học sống động về tính kế thừa trong một xã hội dân sự, về sự phối hợp trong việc đào tạo nhân lực giữa trường học và doanh nghiệp, trong đó phải kể đến vai trò của nghiệp đoàn.

Trong chuyến tham quan đó, có lẽ tôi là người bị ấn tượng nhất. Là sinh viên đến từ một quốc gia đang phát triển, ký ức không vui về việc thực tập tốt nghiệp ở quê nhà vẫn còn mới nguyên trong tôi. Khi ấy (cuối thập niên 1980) chúng tôi vất vả gõ cửa các cơ quan, xí nghiệp để xin một chỗ thực tập. Mà số sinh viên có nhiều nhặn gì cho cam, mỗi khóa chỉ độ chục người!

Tôi vẫn còn nhớ mấy anh bạn lanh mồm lẹ mép lúc nào cũng thủ sẵn trong túi gói thuốc lá để “ngoại giao”, để có thể tham khảo được tài liệu, để được cho làm cái gì gì đó… Tôi vốn chậm chạp, không làm được những việc ấy, nhưng được thầy thương cho vào một đơn vị lớn của nhà nước nơi thầy làm giám đốc, để thực tập. Tuy vậy, thời gian thực tập là một chuỗi ngày khép nép, e dè từ ông bảo vệ cho đến cô văn thư, chị cấp dưỡng… Dường như ai cũng có quyền quắc mắt nhìn chúng tôi.

Hơn 20 năm đã trôi qua, xã hội đã có nhiều thay đổi, nhà nước không còn là nơi duy nhất nhận sinh viên thực tập. Sự phát triển ấy đòi hỏi một nguồn nhân lực đông đảo hơn, mạnh dạn hơn chứ không lóng ngóng như chúng tôi ngày xưa. Trong những năm gần đây bắt đầu xuất hiện câu hỏi về chất lượng của lực lượng lao động trẻ. Nhiều công ty môi giới lao động, giới truyền thông và cả doanh nghiệp thường than phiền sinh viên bây giờ chỉ biết có lý thuyết, kém ngoại ngữ, không tự tin, không đáp ứng nhu cầu của công việc thực tế…

Tôi thì nghĩ rằng trong một xã hội quan tâm nhiều đến giáo dục như Việt Nam, việc cải tổ chất lượng giáo dục sẽ có rất nhiều thuận lợi. Đó là điều quan trọng nhất để chúng ta có thể đi đến một nền tảng triết lý giáo dục đúng đắn (mà nghĩ cho cùng đó cũng là triết lý của sự phát triển), các đề nghị, các mô hình… thực ra chỉ là phần kỹ thuật mà thôi.

Trong cái triết lý ấy thì phần cốt lõi là một niềm tin vào các giá trị giáo dục, xã hội mà chúng ta sẽ đạt được. Nếu không có lòng tin ấy thì mỗi cá nhân trong cộng đồng suy nghĩ và làm việc chỉ cho một tương lai gần mà thôi: trường học sẽ chỉ thu học phí nhằm thỏa mãn những yêu cầu về tài chính trước mắt; người học sẽ chỉ muốn có nhiều tiền ngay lập tức mà không quan tâm mình học cái gì; người dạy cũng chỉ hì hục trong giới hạn các tiết học…

Sự thiếu vắng niềm tin ấy có thể thấy rất rõ trong giai đoạn sinh viên đi thực tập. Đành rằng trong tình hình thực tế hiện nay, các thực tập sinh không được trả tiền công (lao động dư thừa mà!) nhưng họ cũng ít khi được quan tâm với suy nghĩ rằng đó sẽ là đồng nghiệp trong tương lai của những người đang làm việc trong doanh nghiệp. Do đó, thực tập sinh thường bị sai bảo những công việc lặt vặt vì những lý do vu vơ như làm chưa được việc, bí mật nội bộ…

Và trên thực tế, việc tìm chỗ thực tập cũng không hề dễ dàng. Xem ra không có nhiều thay đổi về chất trong 20 năm qua. Đôi khi những người có trách nhiệm hướng dẫn thực tập sinh lại có những suy nghĩ kỳ cục, kiểu như: em quăng hết những thứ người ta dạy em đi, hay trường học chỉ là nơi nhận bằng cấp, thực tế hoàn toàn khác…

Cô học trò của tôi nhận làm đề tài tốt nghiệp “Tìm hiểu quan hệ giữa các doanh nghiệp lưu trú tại Phan Thiết với cộng đồng dân cư tại chỗ”. Để hoàn thành đề tài, cô phải đi thực địa, phỏng vấn, ghi chép… Nhiều khó khăn đã được cô vượt qua với nhiệt huyết của tuổi trẻ nhưng khó khăn lớn nhất mà cô vấp phải lại đến từ… doanh nghiệp.

Hơn 10 khu du lịch nghỉ dưỡng không hề trả lời thư giới thiệu của trường, khi tiếp xúc thì có người trả lời thẳng thừng là không tiếp sinh viên… Một đề tài như vậy có lẽ không có lợi gì cho doanh nghiệp chăng!? Một vị giám đốc khi được hỏi về việc đào tạo đã trả lời rằng sợ đào tạo xong thì người được đào tạo lại đi làm cho nơi khác, phí công…

Là người hoạt động trong cả hai môi trường doanh nghiệp và trường học, tôi rất hiểu nỗi khổ của cả đôi bên. Trong chừng mực quyền hạn của mình, lúc nào tôi cũng như nhiều đồng nghiệp khác đều cố gắng duy trì niềm tin về sứ mạng xã hội mà mình đang gánh vác, tạo điều kiện thuận lợi nhất để các đồng nghiệp tương lai vững bước vào đời. Và niềm tin ấy, có khó quá không khi chúng ta có một thiện chí?

________________________________________

(*) Chủ nhiệm Bộ môn Du lịch, Đại học Hoa Sen

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới