Chuỗi cung ứng đứt gãy, doanh nghiệp ngành gỗ ‘dọn hàng’ lên online tìm cơ hội
Vũ Dung
(TBKTSG Online) – Thương mại điện tử đang là một trong những giải pháp mà các doanh nghiệp trong ngành gỗ hướng tới nhằm ứng phó trước tác động của dịch Covid 19.
![]() |
Hội chợ đồ nội thất Ambiente 2020 lớn nhất thế giới vắng bóng khách hàng và nhiều gian trưng bày đóng cửa vì lo ngại dịch Covid 19 – Ảnh: TD |
Đứt gãy chuỗi cung ứng
Hội chợ quốc tế đồ gỗ và thủ công mỹ nghệ xuất khẩu Việt Nam 2020, hội chợ về ngành gỗ lớn nhất Việt Nam và khu vực Asean, vừa bị huỷ và buộc phải dời lịch sang thời điểm khác trong năm do tác động của dịch Covid 19, theo nguồn tin từ Hiệp hội gỗ và thủ công mỹ nghệ TPHCM (Hawa).
“Ban tổ chức đã tham vấn qua nhiều kênh, tổ chức khảo sát ý kiến từ doanh nghiệp tham gia, có 76% doanh nghiệp đề nghị hủy hoặc dời ngày tổ chức hội chợ vì số đông khách hàng từ Mỹ, châu Âu, Nhật Bản… hủy kế hoạch tham quan”, lãnh đạo Hawa cho TBKTSG Online biết.
Dịch Covid 19 đang ảnh hưởng mạnh tới hoạt động sản xuất trong mọi khía cạnh cuộc sống, nhiều sự kiện lớn đã bị huỷ bỏ. Riêng đối với ngành gỗ, hội chợ đầu năm là sự kiện bán hàng quan trọng. Nhiều doanh nghiệp đã sẵn sàng mẫu mã sản phẩm mới cũng như ý tưởng kinh doanh cho năm 2020 để giới thiệu tới người mua hàng từ các quốc gia trên thế giới. Việc huỷ hội chợ sẽ là tổn thất rất lớn tới các doanh nghiệp trong ngành trong việc tìm kiếm hợp đồng.
Thực tế, nhu cầu sản phẩm gỗ nội thất trên thị trường vẫn có. Dịch Covid-19 đã khiến sản xuất đồ gỗ tại Trung Quốc bị đình trệ, hầu hết các nhà máy chưa hoặc sản xuất cầm chừng, gây ra sự đứt gãy chuỗi cung ứng. Trong khi đó, quốc gia này cung ứng hơn 54 tỉ đô la Mỹ đồ nội thất mỗi năm, việc đứt gãy chuỗi cung ứng đang tạo ra lỗ hổng lớn về đơn hàng cần được lấp đầy. Thế giới đang trong giai đoạn khủng hoảng nguồn cung, nguồn lực sản xuất Việt Nam đã chạy ổn định sau dịp tết, các doanh nghiệp gỗ cần tiếp cận nhanh và năng động để đón lấy cơ hội từ thị trường.
Theo Hawa, hiện nay, các khách hàng lớn tại Mỹ, châu Âu, Úc, Nhật Bản… đang quan tâm nhiều hơn đến thị trường sản xuất ngoài Trung Quốc, một mặt nhằm tránh chiến tranh thương mại, mặt khác để giảm rủi ro phụ thuộc lớn vào nguồn cung nội thất từ Trung Quốc. Trong bối cảnh đó, Đông Nam Á nổi lên là thị trường thay thế lý tưởng và Việt Nam là ứng viên sáng giá nhất trong khu vực. Thêm vào đó các hiệp định thương mại CPTPP/EVFTA đi vào thực thi càng tăng khả năng kết nối cũng như các ưu đãi thuế quan giữa Việt Nam và nhiều quốc gia trên thế giới.
Song cơ hội vẫn chỉ là cơ hội nếu các doanh nghiệp không thể kết nối được với khách hàng vì dịch.
Mới đây, nội thất Nhà Xinh và một số thành viên xuất khẩu của khác của Hawa đã thử nghiệm mô hình thương mại điện tử, kết hợp với thực tế ảo (Virtual Reality) để giới thiệu sản phẩm tới khách hàng. Trang điện tử này giống hệt một gian hàng trưng bày tại hội chợ. Người mua nước ngoài chỉ cần ngồi máy tính vẫn có thể xem được tất cả các mẫu mã mà doanh nghiệp nội thất trưng bày và tham quan nhà xưởng trên không gian 3D. Trong trường hợp người mua quan tâm tới sản phẩm nào có thể tương tác trực tiếp vào sản phẩm. Mẫu sản phẩm sẽ quay 360 độ để khách hàng có thể thấy được mọi góc cạnh, thông số mặt hàng quan tâm.
Theo ông Trần Việt Tiến, thường vụ Ban chấp hành của Hawa, thông qua sàn thương mại điện tử này, hai bên có thể biết được mẫu mã, giá cả và năng lực sản xuất của nhau. Khách hàng nước ngoài khi không hoặc chưa đến được Việt Nam, có thể khảo sát năng lực sản xuất của nhà máy thông qua một bên kiểm toán độc lập. “Đây là hướng đi tất yếu, dài hạn đối với không chỉ ngành gỗ mà còn nhiều ngành hàng khác. Bởi, các doanh nghiệp có thể sẽ phải đối mặt với rất nhiều rủi ro trong tương lai, không chỉ với dịch Covid-19", ông Tiến nói.
Ở chiều ngược lại, mô hình kinh doanh chuỗi cửa hàng truyền thống đang bộc lộ nhiều hạn chế vì chi phí vận hành quá lớn, kém năng động. Ví dụ điển hình là gần đây Peer 1 Import, hệ thống kinh doanh đồ nội thất rất lớn tại Mỹ, đã đăng ký phá sản và phải cải tổ để đi tiếp.
Thương mại điện tử là tất yếu
![]() |
Thương mại điện tử sử dụng thực tế ảo và trí tuệ nhân tạo đang là xu hướng mới trong ngành gỗ và nội thất – Nguồn: Visual Capitalist |
Trong bối cảnh hiện tại, sự phát triển không ngừng của tiêu dùng online sẽ kéo theo sự thay đổi của mô hình kinh doanh truyền thống. Riêng lĩnh vực bán lẻ trực tuyến, năm 2018, doanh số bán lẻ qua kênh này đạt gần 2,5 nghìn tỉ đô la Mỹ và tốc độ tăng trưởng doanh thu bình quân 20%/năm.
Ông Nguyễn Ngọc Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (Vecom) cho hay, hiện nay, một số doanh nghiệp chế biến gỗ đã có bước đi rất mạnh mẽ. Họ đã mạnh dạn đầu tư công nghệ, ứng dụng biện pháp chuyển đổi số, xây dựng giải pháp từ thiết kế, tạo ra nội dung, hình ảnh cho người mua hàng. Nhiều doanh nghiệp đã đưa hàng lên Amazon để quảng bá và bán hàng.
“Song, số lượng các doanh nghiệp như vậy là chưa nhiều", ông Dũng thừa nhận.
Ngành gỗ khác với các ngành khác như quần áo, giày dép, mỹ phẩm vì đây là ngành có quy mô sản xuất lớn, sản phẩm cồng kềnh và khi bán hàng thường bán nguyên một bộ sản phẩm hơn là một mẫu bàn, hay ghế đơn lẻ. Do đó, việc đưa những sản phẩm này lên “sàn" điện tử cũng khó khăn hơn so với các sản phẩm khác.
Tại các quốc gia tiên tiến, việc một người thợ đem sản phẩm từ xưởng của mình tới lắp ráp tại nhà khách hàng thường rất đắt đỏ. Nên đa phần họ sử dụng sản phẩm mua qua sàn thương mại điện tử và mang về tự lắp ráp. Đây là cách mà các doanh nghiệp tại Trung Quốc bán hàng trên các trang thương mại điện tử đã làm.
Do đó, theo ông Dũng, các doanh nghiệp phải thiết kế sản phẩm sao cho tiết kiệm chi phí vận chuyển, tiết kiệm chi phí kho bãi.
Đồng tình với quan điểm này, ông Tiến cho hay, dù số hoá như thế nào thì công nghiệp nội thất cơ bản vẫn không thay đổi vì nhu cầu thiết yếu của con người. Song, sự thay đổi về thói quen mua sắm mới là yếu tố buộc các nhà sản xuất phải thay đổi. Các đơn vị vận chuyển không nhận giao hàng cồng kềnh. Người mua cũng cần sản phẩm tháo lắp đơn giản để họ có thể dùng ngay mà không cần đội ngũ kỹ thuật hỗ trợ.
“Chi phí vận chuyển của hàng nội thất truyền thống là rất cao bởi hàng hoá phải đi từ nhà sản xuất, tới kho trung tâm, qua nhà bán lẻ, rồi đến người tiêu dùng. Nếu mỗi container hàng hoá nhỏ đi được một nửa thì sẽ tiết kiệm rất lớn chi phí logistics cho doanh nghiệp", ông Tiến nói.
Yêu cầu này buộc doanh nghiệp phải thay đổi thiết kế, công nghệ, tăng tiện ích. Các doanh nghiệp cần lựa chọn hướng đầu tư như thế nào để thích hợp với điều kiện nguồn lực của chính mình. Có như vậy, các doanh nghiệp trong ngành mới có thể vượt qua được khủng hoảng thời Covid 19 trong ngắn hạn, cũng như thói quen tiêu dùng thời số hóa trong dài hạn.
Mời đọc thêm:
Du lịch thiệt hại 7 tỉ đô la Mỹ vì dịch Covid-19
![]() |