Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Chuỗi cung ứng toàn cầu hứng cú sốc mới do chính sách phong tỏa kiểm soát Covid-19 của Trung Quốc

Chánh Tài

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Hàng hóa chất đống ở các nhà kho, các dòng xe tải ùn ứ khi các tài xế được yêu cầu trình giấy xét nghiệm Covid-19 âm tính, các tàu container chờ bốc hàng lâu hơn ở các cảng… Đó là tình cảnh của các chuỗi cung ứng hiện nay ở những thành phố của Trung Quốc.

Quốc gia này đang quyết liệt triển khai các biện pháp phòng chống dịch Covid-19, bao gồm phong tỏa. Chính sách “zero Covid” của Trung Quốc, nơi chiếm 1/3 hoạt động sản xuất toàn cầu, đang gây cơn đau đầu mới cho chuỗi cung ứng công nghệ toàn cầu với các hãng xe như Toyota, Volkswagen và các công ty sản xuất gia công cho Apple, Intel.

Cảnh tượng hoang vắng trên đường phố ở TP. Thâm Quyến, miền nam Trung Quốc, nơi bị đặt dưới lệnh phong tỏa từ ngày 13 đến 20-3. Ảnh: AP

Phong tỏa 5 thành phố công nghiệp

Số ca nhiễm Covid-19 mới của Trung Quốc tăng lên mức hơn 5.000 vào hôm 15-3, cao nhất từ trước đến nay, trước khi giảm xuống trong hai ngày qua. Con số này thấp hơn nhiều so với ở các nước khác. Nhưng Trung Quốc đang theo đuổi cách tiếp cận không khoan nhượng đối với các đợt bùng phát dịch, yêu cầu phong tỏa nghiêm ngặt cũng như xét nghiệm và cách ly hàng loạt ở các khu tập trung. Khi một số thành phố công nghiệp lớn nhất Trung Quốc đang căng mình chống dịch, các biện pháp như vậy đang gây gián đoạn mạng lưới vận tải hàng hóa và các nhà máy, được xem là xương sống của ngành sản xuất Trung Quốc và nền kinh tế toàn cầu.

Nhà chức trách ở Bắc Kinh và các tỉnh ghi nhận virus SARS-CoV-2 vẫn đang lây lan và họ phải thực hiện các biện pháp cứng rắn hơn để ngăn chặn nó.

Mi Feng, phát ngôn viên Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc (NHC), hôm 15-3, cho biết: “Gần đây, các cụm dịch đã xuất hiện ở nhiều nơi trên đất nước, chủ yếu liên quan đến biến thể Omicron, lây lan nhanh chóng và khó phát hiện”.

Ít nhất 5 thành phố công nghiệp lớn đã đóng cửa hoàn toàn để phòng chống dịch, bao gồm Đông Quản và Thâm Quyến ở miền nam Trung Quốc, nơi Tập đoàn gia công hàng điện tử Foxconn (Đài Loan) đặt các nhà máy khổng lồ để sản xuất iPhone và các sản phẩm khác của Apple; Trường Xuân và Cát Lâm ở tỉnh Cát Lâm, nơi có nhiều nhà máy sản xuất ô tô và phụ tùng ô tô; Lang Phường thuộc tỉnh Hà Bắc, giáp với Bắc Kinh. Một số thành phố nhỏ hơn cũng đã bị phong tỏa, như Tuy Phân Hòa và Mãn Châu Lý ở biên giới của Trung Quốc với Nga.

Đối với một số nhà đầu tư nước ngoài, bản thân đợt bùng phát dịch ở Trung Quốc có thể không đáng lo ngại hơn là sự khó lường của các biện pháp kiểm soát của chính phủ. “Rủi ro kinh doanh ở Trung Quốc hiện nay cao hơn bất kỳ lúc nào kể từ mùa xuân năm 2020”, Julian MacCormac, Chủ tịch Phòng Thương mại Anh tại Trung Quốc, nói.

Nhà chức trách đã yêu cầu các nhà sản xuất hàng điện tử ở miền nam và nhiều công ty sản xuất công nghiệp ở miền trung Trung Quốc tạm dừng hoạt động. Các thành phố gần Thượng Hải đã đóng cửa các lối ra đường cao tốc hoặc yêu cầu mỗi tài xế phải có  kết quả xét nghiệm PCR âm tính, dẫn đến các đoàn xe tải dồn ứ hàng dài khi đang chở hàng hóa đi lại giữa các nhà máy.

Chi phí vận chuyển hàng hóa quốc tế bắt đầu tăng trở lại sau khi giảm trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán vào tháng trước. Cước vận chuyển một container hàng hóa từ châu Á đến bờ Tây của Mỹ đã nhích lên 16.353 đô la Mỹ vào cuối tuần trước, cao hơn gấp 12 lần so với hai năm trước.

Các cảng ở Trung Quốc hiện yêu cầu người lao động phải sống và làm việc tại các bến cảng trong thời gian hai tháng để ngăn ngừa lây nhiễm. Điều này cho phép các cảng duy trì hoạt động ngay cả khi xuất hiện các đợt bùng phát dịch trong cộng đồng.

Nhưng với lưu lượng xe tải đến các bến cảng bị gián đoạn, các tàu container đang phải chờ bốc hàng thêm ít nhất 12 giờ và thời gian chờ này có thể kéo dài hai tuần, theo nhận định của Julie Gerdeman, Giám đốc điều hành Công ty phân tích chuỗi cung ứng Everstream Analytics. Bà nói: “Ngay cả những doanh nghiệp chuẩn bị kỹ càng nhất cũng sẽ bị ảnh hưởng bởi những đợt phong tỏa mới đây ở Trung Quốc khi tính linh hoạt trong chuỗi cung ứng là rất thấp”.

Vận tải hàng không cũng đang đối mặt với chậm trễ. Hôm 15-3, Cục Hàng không dân dụng Trung Quốc cho biết nhiều chuyến bay quốc tế đến sân bay Phố Đông của Thượng Hải sẽ được chuyển hướng đến các thành phố khác của Trung Quốc cho đến ngày 1-5. Biện pháp này sẽ bảo đảm lượng phòng cách ly ở Thượng Hải cho các ca nhiễm và ca tiếp xúc gần F0 nhưng sẽ trì hoãn các hoạt động xuất khẩu bằng đường hàng không.

Toyota, Volkswagen, Foxconn bị ảnh hưởng

Danh sách các công ty hoạt động ở Trung Quốc thông báo ngừng sản xuất vì lệnh phong tỏa ngày càng dài. Hai hãng xe Toyota (Nhật Bản) và Volkswagen (Đức) đã dừng hoạt động tại các nhà máy lắp ráp xe và các nhà máy khác của họ ở Trường Xuân. Tại Thâm Quyến, hơn 70 công ty Đài Loan đã dừng hoạt động, bao gồm Công ty sản xuất bảng mạch in Unimicron Technology, nhà cung cấp của Intel.

Tại Đông Quản, một thành phố công nghiệp với 7,5 triệu dân, một số chủ nhà máy cho biết họ vẫn được phép hoạt động với điều kiện công nhân của họ sống trong ký túc xá bên trong các khu nhà máy, và không ai được phép ra vào. Deng Shiwen, chủ một nhà máy sản xuất vật liệu đóng gói ở thành phố này, cho biết hàng chục công nhân của ông vẫn sống và làm việc khu nhà máy nhưng ông không thể giao hàng cho khách. Ông nói: “Hiện nay, các sản phẩm mới sản xuất vẫn nằm ứ đọng tại đây”.

Các nơi khác, đáng chú ý là Thượng Hải, không phong tỏa toàn thành phố nhưng đã đóng cửa tạm thời nhiều khu phố, trung tâm mua sắm và khu công nghiệp đến mức các công ty khuyến khích nhân viên làm việc tại nhà càng nhiều càng tốt.

Một số công ty, như Foxconn, cho biết họ sẽ cố gắng chuyển sản xuất sang các nhà máy khác. Nhưng Mary E. Lovely, thành viên cấp cao tại Viện Kinh tế quốc tế Peterson (Mỹ), nhận định các cơ sở khác của Foxconn khó có thể bù đắp các hoạt động sản xuất của tập đoàn này ở Thâm Quyến. Bà cho rằng, rốt cuộc, Foxconn và các công ty khác có thể sẽ ưu tiên cho một số khách hàng lớn nhất định như Apple.

Mary E. Lovely nói: “Vì vậy, bạn sẽ thấy điều tương tự như bạn đã thấy trước đây, đó là các công ty nhỏ hơn, phụ thuộc vào các linh kiện và thiết bị nhập khẩu từ Trung Quốc, sẽ bị ảnh hưởng nặng nề. Bạn biết rằng Trung Quốc sẽ làm mọi cách để kiểm soát dịch bệnh. Câu hỏi đặt ra là cuối cùng ai sẽ thắng thế, chính phủ Trung Quốc hay virus SARS-CoV-2. Chúng ta đều biết biến thể Omicron là một đối thủ đáng gờm”.

Hôm 16-3, Foxconn cho biết doanh thu trong năm nay có thể suy giảm 3% và biên lợi nhuận hoạt động khó cải thiện do chi phí linh kiện tăng và đại dịch kéo dài.

“Trung Quốc đang tự đặt mình vào tình thế bất lợi với chính sách “zero Covid”. Khi các biện pháp kiểm soát dịch bệnh gây tổn thương cho các nhà cung cấp và hoạt động kho vận, các doanh nghiệp sẽ tìm cách đa dạng hóa địa điểm sản xuất, làm suy yếu vai trò của Trung Quốc như là trung tâm chuỗi cung ứng của thế giới”, Olaf Schatteman, chuyên gia chuỗi cung ứng tại hãng tư vấn quản lý toàn cầu Bain & Co., nói.

Theo New York Times

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới