Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Chương trình giải trí cuối tuần từ 19-8 đến 21-8

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Chương trình giải trí cuối tuần từ 19-8 đến 21-8

Thu Hà – Mỹ Hà – Hà Linh – Minh Nguyệt

(TBKTSG Online) – 11 là con số các chương trình giải trí cuối tuần này diễn ra tại Hà Nội và TPHCM.

>>> Chương trình giải trí cuối tuần từ 12-8 đến 14-8

>>> Chương trình giải trí cuối tuần từ 5-8 đến 7-8

Ca sĩ Ý Lan – ảnh tư liệu.

TPHCM

Đêm nhạc của ca sĩ Ý Lan

Nhận lời mời của phòng trà Tiếng Xưa (442 Cao Thắng, P.12, Quận 10, TP.HCM), ca sĩ Ý Lan sẽ có hai đêm nhạc mừng sinh nhật phòng trà vào tối 20 và 21-8. Trong đêm nhạc, Ý Lan sẽ thể hiện các ca khúc mà khán giả TPHCM ít có dịp nghe chị hát trực tiếp như Đừng bỏ em một mình, Ngày xưa Hoàng thị, Dạ khúc tình nhân, Buồn tàn thu, Đèn khuya, Bản tình cuối, Mình ơi, Nghìn trùng xa cách…

Được biết, sân khấu sẽ được thiết kế đơn giản để gợi cảm hứng về không gian Sài Gòn xưa.

Nhạc kịch “Thằng gù nhà thờ Đức Bà”

Vở nhạc kịch Thằng gù nhà thờ Đức Bà phiên bản Việt sẽ được tái diễn trong hai đêm 19 và 20-8 tại phòng trà WE (8 Lê Quý Đôn, quận 3, TPHCM).

Chương trình do nhạc sĩ Hà Quang Minh và Dũng Đà Lạt thực hiện với sự tham gia của Văn Mai Hương trong vai Fleur de lys, Nam Khánh – Phoebus, Triệu Lộc – Clopin, Trọng Bắc – Frollo, Hồ Trung Dũng – Gringoire, Đoan Trang (ảnh) vai Esmeralda và Ygaria vai Quasimodo.

Thông tin chi tiết, liên hệ số 0906 388 172.

Đèn trời xuống phố 2011

Poster vở nhạc kịch “Thằng gù nhà thờ Đức Bà” – ảnh WE cung cấp.

Chương trình từ thiện hàng năm “Đèn trời xuống phố 2011: Kính vạn hoa” do câu lạc bộ tình nguyện Saigon Hotpot với thành viên phần đông là các bạn sinh viên Sài Gòn tổ chức nhằm gây quỹ với số tiền khoảng 100 triệu đồng để giúp cải thiện trường học, tặng sách cho học sinh tiểu học tại Bình Phước.

Tất cả vật phẩm hiến tặng sẽ được bán đấu giá để gây quỹ vào ngày 21-8 tại văn phòng công ty Officience (117B Nguyễn Đình Chính, quận Phú Nhuận, TPHCM).Thông tin chi tiết, liên hệ Ms. Trân 0906 874 720 hoặc dentroixuongpho@gmail.com

“Gặp nhau cuối tuần”

Vào lúc 20 giờ ngày 21-8 tại sân khấu ca nhạc Cầu Vồng (126, CMT8, P.7, Q.3, TPHCM) sẽ diễn ra chương trình ca nhạc với chủ đề “Gặp nhau cuối tuần”.

Chương trình có sự tham gia của nhiều ca sĩ có uy tín trong làng nhạc Việt như Giao Linh, Ngọc Sơn, Thu Minh, Đan Trường, Nguyễn Hoàng Nam, Ký Phương, Thu trang, Tuấn Vỹ, Trần Phương, nhóm Nhật Nguyệt, APO cùng nghệ sĩ hài Tấn Beo và Trung Dân.

Vé xem chương trình bán tại sân khấu 126 với giá 100.000 đồng.

“Bức tranh tình yêu” của tháng 8

Đêm nhạc với chủ đề “Bức tranh tình yêu” do công ty Nhạc Xanh tổ chức sẽ diễn ra vào lúc 20 giờ 30 ngày 20-8 tại sân khấu ca nhạc Cầu Vồng (126 CMT8, P.7, Q.3, TPHCM). Chương trình được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV9 và phát lại trên VTV4, Đài phát thanh truyền hình Hậu Giang, Bình Phước, An Giang.

Chương trình có sự góp mặt của nhiều giọng ca nữ từng đạt giải trong chương trình Tiếng hát truyền hình và Sao mai điểm hẹn của nhiều năm qua, như Khánh Ngọc, Minh Chuyên, Tiêu Châu Như Quỳnh, Hạ Trâm… cùng nhiều ca sĩ được công chúng biết tới như Lam Trường, Nguyên Vũ, Nguyễn Phi Hùng, Hồ Bích Ngọc, Vy Oanh, Như Ý, Vũ Bảo, Triệu Lộc, Bạch Công Khanh, Hồng Hạnh, nhóm V-Music.

Các ca sĩ sẽ thể hiện những ca khúc như “Đừng xa nhau” của Phạm Duy, “Con đường tình yêu” của Nguyễn Hải Phong, “Vẽ bằng màu tình yêu” của Trần Lê Quỳnh, “Tiếng dương cầm trên biển”, “Lạc bước hoang mang” của Trương Lê Sơn, “Lời yêu xa” của An Hiếu, “Đêm mưa” của Trọng Vũ, “Đưa em tìm động hoa vàng” của Phạm Duy, “Anh yêu em nhiều lắm” của Sỹ Luân, “Em đã từng yêu” của Thái Thịnh…

Ban tổ chức cho biết thêm, Bạch Công Khanh (giải nhì cuộc thi Tiếng ca học đường 2009) và Tiêu Châu Như Quỳnh (giải nhất Ngôi sao Tiếng hát truyền hình 2009) sẽ trình bày 3 ca khúc cùng tên “Giấc mơ tình yêu”.

Đạo diễn, nhà văn Nguyễn Thị Minh Ngọc – ảnh: nld.com.vn.

Vé xem chương trình được bán tại sân khấu ca nhạc Cầu Vồng (126 CMT8, P.7, Q.3, TPHCM) với giá 100.000 đồng, 150.000 đồng và 200.000 đồng.

Đối thoại với đạo diễn sân khấu Nguyễn Thị Minh Ngọc

“Con đường của kịch nói đương đại” là chủ đề buổi nói chuyện với đạo diễn, nhà văn Nguyễn Thị Minh Ngọc, diễn ra lúc 20 giờ ngày 19-8 tại Salon văn hóa Café thứ Bảy (37 Nguyễn Đình Chiểu, Q.1, TPHCM).

Trong buổi gặp gỡ, bên cạnh phần trò chuyện, đạo diễn Nguyễn Thị Minh Ngọc còn độc diễn những vở kịch ngắn mà chị vừa là người viết kịch bản, vừa đạo diễn và vừa là diễn viên.

Nguyễn Thị Minh Ngọc sinh năm 1953 tại Bà Rịa-Vũng Tàu. Chị từng là giảng viên trường Sân khấu và điện ảnh TPHCM và Nhà hát Trần Hữu Trang và tham gia giảng dạy các bộ môn biên kịch, lý luận kịch và lịch sử sân khấu Việt Nam tại một số trường cao đẳng và đại học.

Chị là hội viên hội Nhà văn, hội Sân khấu, hội Điện ảnh Việt Nam, là người đồng sáng lập CLB Ðạo diễn thể nghiệm (1985), dựng trên 30 vở kịch và viết trên 70 vở truyền thống và đương đại cho sân khấu, trên 30 kịch bản cho điện ảnh, hàng trăm tập phim cho truyền hình cùng vài công trình nghiên cứu về cải lương. Chị đã từng dự nhiều liên hoan, hội thảo, sáng tác và nghiên cứu về sân khấu trong nước và quốc tế: Úc, Anh, Pháp, Ðức, Tanzania, Na Uy, Thụy Ðiển, Philipines, Mỹ, Indonesia.

Nguyễn Thị Minh Ngọc cũng xuất bản hơn 10 cuốn sách về văn học, sân khấu, điện ảnh và đạt được nhiều giải thưởng lớn.

Hà Nội

150 năm Italia qua điện ảnh

Nhân dịp kỷ niệm 150 năm ngày thống nhất nước Italia, Đại sứ quán Italia tại Hà Nội tổ chức ba buổi chiếu phim vào các tối 19-8, 26-8 và 1-9 với các phim: Con báo, Đêm trăng mật lần thứ haiCô F tại câu lạc bộ Điện ảnh Hà Nội (22A Hai Bà Trưng).

Những bộ phim này sẽ mang đến cho khán giả Việt Nam một cái nhìn khái quát về văn hóa, lịch sử đất nước Italia. Mỗi bộ phim được sản xuất trong các giai đoạn khác nhau: thời kỳ thống nhất Italia, thời kỳ chiến tranh thế giới lần thứ II và thời kỳ chuyển đổi của Italia những năm 1970-1980.

Xiếc thú là một trong những tiết mục được nhiều người yêu thích – ảnh tư liệu.

Triển lãm mỹ thuật và sách “Hội họa điêu khắc Việt Nam”

Triển lãm được khai mạc chiều 18-8 tại bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (66 Nguyễn Thái Học, Hà Nội). Đây là một trong những hoạt động chào mừng Đại hội Liên hiệp các hội Unesco thế giới lần thứ 8 tổ chức tại Hà Nội từ ngày 19 đến 21-8. Triển lãm giới thiệu tác phẩm của gần 100 họa sĩ, nhà điêu khắc ở các thế hệ của Việt Nam, đồng thời ra mắt cuốn sách ảnh dày 240 trang với hơn 200 tác phẩm.

Bên cạnh đó, đêm gala concert chào mừng Đại hội Liên hiệp các hội Unesco cũng diễn ra tại công viên Thiên đường Bảo Sơn vào tối nay, 19-8.

Những cung đường biên cương tổ quốc

Chương trình giao lưu nghệ thuật “Những cung đường biên cương tổ quốc” do ban quản lý Dự án 47 và báo Quân đội nhân dân phối hợp với công ty CP truyền thông và truyền hình Việt Nam, Đài truyền hình và Đài tiếng nói Việt Nam tổ chức. Chương trình sẽ diễn ra vào lúc 20 giờ ngày 20-8 tại Trung tâm biểu diễn nghệ thuật Âu Cơ (số 8 Huỳnh Thúc Kháng, Ba Đình, Hà Nội).

Cùng các phóng sự ngắn về các cán bộ, chiến sĩ quân đội nhân dân Việt Nam là các tiết mục văn nghệ do nghệ sĩ nhân dân Quang Thọ, nghệ sĩ nhân dân Doãn Tần, nghệ sĩ ưu tú Huyền Phin, Anh Thơ, các ca sĩ của Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội biểu diễn.

Chương trình sẽ được phát trên sóng VOV1 – Đài Tiếng nói Việt Nam lúc 20 giờ ngày 27-8 và trên Đài truyền hình Việt Nam kênh VTV2 lúc 20 giờ ngày 28-8.

Bốn phương cùng cười

Là tên chương trình hài xiếc do Liên đoàn xiếc Việt Nam tổ chức hướng tới Liên hoan sân khấu hài toàn quốc năm 2011. Chương trình diễn ra tại rạp xiếc Trung ương (67-69 Trần Nhân Tông, Hà Nội) lúc 20 giờ ngày 20-8 với sự góp mặt của nhiều nghệ sĩ xiếc, nhóm hài xiếc của nhiều thế hệ xiếc Việt Nam như nghệ sĩ ưu tú Tạ Duy Ánh, Mạnh Cường, Tống Toàn Thắng, Tấn Hưng, Đắc Nhẫn, Trung Thành, Thành Dương….

Kịch tác gia Vũ Đình Long – ảnh: thethaovanhoa.

Các nghệ sĩ sẽ trình diễn nhiều tiết mục từng đoạt các giải thưởng cao trong các kỳ liên hoan xiếc trong nước và quốc tế như Đu siêu nhân, sức mạnh đôi tay (tiết mục vừa giành giải thưởng tại Liên hoan xiếc quốc tế Circuba tại Cuba), nhào lộn trên dây, nhào lộn trên vòng…

Ngoài ra là các màn ảo thuật và xiếc thú: xiếc voi thăng bằng trên cao, gấu đi thăng bằng trên dây, khỉ đua xe đạp, đạp xích lô, chó làm toán, chó nhảy tango, trăn khổng lồ trong tích Thạch Sanh…

Hội thảo “Vũ Đình Long – Cuộc đời và sự nghiệp”

Nhân dịp kỷ niệm 115 năm ngày sinh và 90 năm công diễn vở kịch nói “Chén thuốc độc” của kịch tác gia, ông chủ báo, ông chủ nhà xuất bản Vũ Đình Long (1896-1960), Hội nhà văn Hà Nội phối hợp với thôn Mục Xá, xã Cao Dương (Thanh Oai, Hà Nội) – quê hương của cố nhà văn, tổ chức hội thảo mang tên “Vũ Đình Long – Cuộc đời và sự nghiệp”.

Vũ Đình Long sinh năm 1896 trong một gia đình có truyền thống hiếu học, đồng thời cũng rất mê ca kịch dân ca. Năm 1921 ông đã cho in và trình diễn tại Nhà hát Lớn Hà Nội vở kịch đầu tay “Chén thuốc độc”, được coi là mở màn cho ngành kịch nói Việt Nam.

Ngoài ra, Vũ Đình Long còn Việt hóa các danh tác kịch nước ngoài như vở L’Aventurière của Emile Augier thành vở Công tôn nữ Ngọc Dung (1947); vở Horace của Pierre Corneille thành Tổ quốc trên hết (còn có tên gọi khác Tình trong khói lửa – 1949); vở Le lesgataire universel của Jean Francois Regnard thành vở Gia tài (1958)…

Bên cạnh đó, ông còn có một sự nghiệp lớn mang tính chất khai phá trong lĩnh vực xuất bản và báo chí. Năm 1009, một tuyển tập kịch Vũ Đình Long được xuất bản, ghi công ông là người viết vở kịch nói đầu tiên của nền sân khấu hiện đại Việt Nam.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới