Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Chương trình giải trí cuối tuần từ 4-11 đến 6-11

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Chương trình giải trí cuối tuần từ 4-11 đến 6-11

Thu Hà – Huy Nguyễn – Minh Nguyệt – Mỹ Hà – Hà Linh

(TBKTSG Online) – Ngoài hai sự kiện Liên hoan phim Nhật Bản đến Phan Thiết và cuộc triển lãm ảnh “Đô thị Hội An – Đẹp và chưa đẹp” thì hầu hết các chương trình giải trí cuối tuần đều diễn ra tại hai thành phố lớn là Hà Nội và TPHCM.

Chương trình giải trí cuối tuần từ 28-10 đến 30-10

Chương trình giải trí cuối tuần từ 21-10 đến 23-10

Chương trình giải trí cuối tuần từ 4-11 đến 6-11
Tác phẩm "Cội nguồn của sự sống" được trưng bày tại triển lãm – ảnh: Mỹ Hà

TPHCM:

Triển lãm tranh sơn mài hiện đại và tranh acrylite

Triển lãm trưng bày hơn 40 tác phẩm được tuyển chọn từ hàng trăm tác phẩm mà họa sĩ Nguyễn Văn Thạnh đã vẽ trong một thời gian dài, với các chủ đề về sự sống, thiên nhiên, cuộc sống bình dị của vùng sông nước miền Tây Nam Bộ nơi anh sinh ra và lớn lên.

Toàn bộ các tác phẩm trong triển lãm lần này đều được sử dụng kỹ thuật và hiệu ứng của sáu loại hóa chất (chất phụ gia dùng trong hội họa). Hiệu ứng của sơn tương tác với những hóa chất kèm theo làm cho tranh có nét độc đáo riêng.

Ấn tượng nhất ở bộ sưu tập này là tác phẩm “Nguồn cội của sự sống” gồm ba bức tranh ghép lại thể hiện ý niệm về cái gốc sự sống giữa con người và sự vật. Bên cạnh đó, cũng phải kể đến tác phẩm “Ngày hội quê tôi” là bản khái quát về tập tục văn hóa của người miền Tây Nam Bộ.

Họa sĩ Nguyễn Văn Thạnh sinh năm 1981 tại Sóc Trăng. Anh từng tham gia nhiều triển lãm chung như triển lãm nhóm mỹ thuật đương đại TPHCM, triển lãm cá nhân Sơn Mài Sài Gòn, Tranh và quá trình sáng tác, Ngàn năm Thăng Long và sơn mài hiện đại…

Được biết, ý tưởng về triển lãm tranh sơn mài hiện đại và tranh acrylite có từ hơn một năm trước. Triển lãm diễn ra từ nay đến hết ngày 30-11 tại Nhà triển lãm TPHCM, 135 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Q.1.

Hòa nhạc giao hưởng từ thiện

Poster chương trình hòa nhạc giao hưởng từ thiện.

Lúc 20 giờ ngày 5-11, tại Nhà hát Lớn Thành phố (số 7 Công trường Lam Sơn, Q.1, TPHCM) sẽ diễn ra buổi hòa nhạc thính phòng từ thiện với sự tham gia của các nghệ sĩ Pháp, Hàn Quốc và Việt Nam: Patrick Messina (kèn Clarinette), Joo Hye Young (violin), Joo Eun Young (dương cầm), Nguyễn Hữu Khôi và Khôi Nam (vĩ cầm).

Theo đó, các nghệ sĩ sẽ biểu diễn các bản sonate cho vĩ cầm của nhà soạn nhạc Grieg, bản tam tấu Dumky của Dvorak, tam tấu cho nhạc khí dây của Mozart, bản sonate cho kèn clarinette của Poulenc và bản quintette của Prokofiev.

Vé xem chương trình là 20 đô la Mỹ. Độc giả có thể liên hệ qua số điện thoại 08 5412 3268, số máy lẻ 70. Được biết, toàn bộ lợi nhuận từ chương trình sẽ được làm từ thiện.

Đêm nhạc “Buồn tàn thu”

Ca sĩ Ánh Tuyết đánh dấu ngày trở lại sân khấu sau thời gian ngưng hát để phẫu thuật bằng đêm nhạc chủ đề “Buồn tàn thu” diễn ra vào ngày 5 và 6-11 tại phòng trà ATB (197/4 Nguyễn Văn Trỗi, quận Phú Nhuận, TPHCM).

Trong hai đêm này, cô sẽ phục vụ khán giả những bài hát quen thuộc của mình như Ô mê ly, Niệm khúc cuối, Cô đơn, Áo anh sứt chỉ đường tà… cùng một số nhạc phẩm của nhạc sĩ kiêm guitar Nguyễn Hoàng.

Poster chương trình nghệ thuật "Dị ứng" – ảnh: Huy Nguyễn

Xem “Dị ứng”

Nghệ sĩ Ngô Thị Thùy Duyên sẽ có màn trình diễn nghệ thuật bằng ngôn ngữ múa với chủ đề “Dị ứng” diễn ra vào lúc 18 giờ ngày 5-11, tại Zero Station 288 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Q.3, TPHCM.

Buổi trình diễn nghệ thuật này nhằm gửi đi một thông điệp: trong cuộc sống mỗi con người sẽ khó chịu trước một điều gì đó. Và vì vậy, đôi khi chúng ta phải có gắng sống hài hòa với nó. Điều này được thể hiện qua những dòng cảm tưởng sau đây của tác giả:

"Nhiều năm liền, tôi khổ sở với chứng dị ứng đối với thời tiết và thức ăn. Mỗi lần bị dị ứng là nổi mẩn đỏ, ngứa ngáy rất khó chịu nên phải gãi, mà càng gãi thì lại càng ngứa. Cơn ngứa lan từ chỗ này đến chỗ khác khắp cơ thể. Kể từ khi 14 tuổi, tôi đã phải liên tục đến khám bác sĩ và uống thuốc (mà thuốc này lại luôn làm tôi buồn ngủ). Tuy nhiên, cứ hễ hết thuốc là tôi lại bị lại. Thậm chí mẹ tôi đã phải đem tôi đến nhờ “thầy” đuổi tà ma cho tôi nữa, nhưng cũng vô hiệu.

Vô tình tôi tìm ra một cách rất hiệu quả đã theo tôi nhiều năm liền đó là: dùng dầu huynh diệp thoa trực tiếp vào nơi nào tôi thấy ngứa, dầu làm vùng da nóng ran, lấn át cơn ngứa, thế là xong.

Do đó, từ cách đây 5 năm, tôi đã không còn nghĩ đến chuyện sẽ tìm cách chữa trị khỏi hẳn bệnh dị ứng nữa mà quyết định sống chung với nó. Từ đó chứng dị ứng thuộc một phần con người tôi.”

Quách Tuấn Du lồng album ca nhạc vào hài kịch

Ca sĩ Quách Tuấn Du.

Đêm ra mắt album “Hẹn nhau nơi ấy” của ca sĩ Quách Tuấn Du được lồng vào vở hài kịch “Bệnh viện vui vẻ”. Chương trình sẽ ra mắt khán vào lúc 20 giờ ngày 4-11 giả tại sân khấu ca nhạc 126 (126 CMT8, P.7, Q.3. TPHCM).

Đây là chương trình lần đều tiên có sự kết hợp giữa một album ca nhạc và một vở hài kịch. Chương trình có sự tham gia của nhiều nghệ sĩ thuộc các lĩnh vực ca nhạc, điện ảnh, hài kịch như ca sĩ Thu Minh, Quang Hà, Cindy Thái Tài, Khả Tú, Như Ý, Đông Nhi, Bảo Thy, diễn viên điện ảnh Đức Tiến,  nhóm It’s time bank, bé Nguyễn Huy, nghệ sĩ hài Gia Bảo, Phi Thanh Vân.

“Hẹn nhau nơi ấy” là ca khúc của nhạc sĩ Nguyễn Hồng Thuận sáng tác dành riêng cho ca sĩ Quách Tuấn Du và được anh chọn làm chủ đề của album. “Hẹn nhau nơi ấy” gồm 14 ca khúc kết hợp giữa hai dòng nhạc trẻ và nhạc dance. Album được quay tại Đà Lạt, TPHCM và Singapore.

Vé xem chương trình bán tại sân khấu ca nhạc 126 với giá 100.000 đồng, 150.000 đồng.

Hà Nội

Chiếu phim “Từ Hollywood tới Hà Nội”

“Từ Hollywood tới Hà Nội” là một bộ phim tài liệu của nữ diễn viên, đạo diễn người Mỹ gốc Việt – Tiana Thi Thanh Nga, được phát hành năm 1992 tại liên hoan phim Sundance (Teluride) và đã trình chiếu ở nhiều liên hoan phim quốc tế khác.

Bộ phim ghi chép lại những nỗ lực của Tiana Thi Thanh Nga khi cô quay lại quê hương để giải quyết câu chuyện cá nhân của mình cũng như câu chuyện về quá khứ của Việt Nam. Trong khoảng thời gian từ 1988 và 1991 Thi Thanh Nga đã phỏng vấn được những nhân vật chức sắc quan trọng trong chính phủ hợp nhất của đất nước, tìm gặp lại họ hàng và phỏng vấn những người sống sót sau thảm sát Mỹ Lai.

Vào lúc 18 giờ ngày 5-11, tại Viện Goethe Hà Nội, 56-58 Nguyễn Thái Học sẽ chiếu bộ phim này với sự góp mặt của nhà quay phim Jamie Maxtone-Graham. Phim được chiếu bằng tiếng Anh, phụ đề tiếng Việt.

Poster phim "Dòng sông Tô Châu".

Đạo diễn Lâu Diệp thăng trầm với “Dòng sông Tô Châu”

Khán giả sẽ có dịp hiểu thêm về đạo diễn Lâu Diệp và thưởng thức bộ phim của ông “Dòng sông Tô Châu” (Suzhou River, 2000) tại phòng chiếu của Trung tâm TPD (22A Hai Bà Trưng, Hà Nội) vào ngày 5-11 lúc 14 giờ.

Tốt nghiệp học viện điện ảnh Bắc Kinh, Lâu Diệp được biết đến như một nhà làm phim tài năng thuộc thế hệ đạo diễn thứ sáu của Trung Quốc (cùng với Lục Xuyên, Giả Chương Kha…).

Cũng giống với những đồng nghiệp của mình, Lâu Diệp chọn con đường làm phim độc lập và đã không ít lần bị vướng phải hệ thống kiểm duyệt. Bất chấp những chính sách gây khó dễ, thậm chí còn bị chính quyền cấm làm phim hai năm (với bộ phim Sông Tô Châu) rồi năm năm (với Cung điện mùa hè), nhưng Lâu Diệp vẫn tự thực hiện nhiều tác phẩm gây tiếng vang lớn trên thế giới.

Chuyên đề về đạo diễn Lâu Diệp được thực hiện bởi Đạo diễn Phan Đăng Di

Triển lãm và hòa nhạc tưởng niệm Franz Liszt

Nhân dịp kỷ niệm 200 năm ngày sinh và 125 năm ngày mất của nhà soạn nhạc kiêm nghệ sĩ piano Franz/Ferenc Liszt (1811-1886), Đại sứ quán Áo và Đại sứ quán Hungary tại Việt Nam đồng tổ chức buổi hòa nhạc piano và triển lãm tranh về cuộc đời và tác phẩm của nhà soạn nhạc tài hoa này tại Nhà hát Không gian văn hóa Việt (16 Lê Thái Tổ, Hà Nội) vào ngày 4-11.

Tuần phim ngắn thứ sáu của YxineFF

Tuần chiếu phim thứ sáu của tiệc phim ngắn YxineFF diễn ra từ ngày mùng 4 đến 10-11 sẽ giới thiệu sáu bộ phim trong hạng mục Toàn cảnh, gồm: Cõi lòng, Cô độc, Chiều ngọt, Cưới một ngọn đồi, Đảo ngọc và Exterminate Sensitivity cùng một phim trong hạng mục Cận cảnh: Ngọn gió về đâu.

Bộ phim hoạt hình dài 6 phút của Jakie Dương – Exterminate Sensitivity kể câu chuyện về sự lạc lõng của con người trong một đô thị mà ở đó người ta giao tiếp với nhau bằng những tiếng còi xe. Phim sẽ chiếu lúc 19 giờ ngày 4-11.

Phim "Cõi lòng" của Phạm Trung Hiếu.

Với cách làm phim tài liệu hiện đại, tác giả Trịnh Đình Lê Minh đã thực hiện bộ phim tài liệu “Ngọn gió về đâu” dài 36 phút nhằm khắc họa một phần cuộc đời một nam ca sĩ. Tác giả đã để cho nhân vật của mình bộc lộ bản thân qua cách sống, cách hành xử, qua những câu chuyện mà nhân vật tâm sự về cuộc đời, về nghề, về niềm tin và đức tin. Phim sẽ chiếu lúc 19 giờ ngày 5-11.

“Đảo ngọc” của Đỗ Văn Hoàng thuộc thể loại phim tài liệu với độ dài 17 phút, bối cảnh là bãi giữa sông Hồng. Phim chiếu lúc 19 giờ ngày 6-11. “Cõi lòng” (Phạm Trung Hiếu) là phim tình cảm hành động dài 30 phút về người mẹ già quanh năm tần tảo với xe cháo lòng, sống cùng đứa con trai đã lớn nhưng vẫn ngây thơ, nông nổi. Phim sẽ chiếu lúc 19 giờ ngày 7-11.

“Cô độc” của Nguyễn Đình Hưng lại là phim tâm lý. Với độ dài 17 phút, Nguyễn Đình Hưng đã kể câu chuyện nội tâm của một cô gái điếm: biến thân xác mình thành “đồ chơi” cho kẻ khác và nỗi cô đơn trong cuộc đời. Bên khung cửa sổ của cô có một mầm cây bắt đầu nhú lên, đánh thức những niềm khao khát mà bấy lâu nay cô phải chôn chặt. Phim sẽ chiếu lúc 19 giờ ngày 8-11.

"Chiều ngọt" là phim tâm lý của ba tác giả Nguyễn Thành Trung, Lương Đức Trọng, Nguyễn Thu Hương. Phim có độ dài 10 phút về một đôi bạn trong tình thế dở khóc dở cười dưới gầm bàn, nghe những người trưởng thành nhắc lại những kỷ niệm thời trẻ… Phim sẽ chiếu lúc 19 giờ ngày 9-11.

Một cô gái trẻ người Việt ở một ngọn đồi hẻo lánh tại Trung Quốc với một người tàn tật – đó là nội dung bộ phim tâm lý dài 29 phút “Cưới một ngọn đồi” của Trần Ngọc Sáng. Ở câu chuyện phim là một không gian cách biệt với thế giới, nơi chỉ có thiên nhiên và những tâm hồn con người bị dằn vặt với quá khứ cũng như với trách nhiệm và tình yêu. Phim sẽ chiếu lúc 19 giờ ngày 10-11.

Cảnh trong phim "Nụ hôn thiên đường".

Liên hoan phim Nhật Bản đến Phan Thiết

Sau thành công tại Hà Nội và Đà Nẵng, liên hoan phim Nhật Bản với chủ đề “Tình yêu” do Tổng lãnh sự quán Nhật Bản tại TPHCM phối hợp cùng Trung tâm giao lưu văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam tổ chức sẽ tiếp tục diễn ra trong ba ngày từ 4 đến 6-11 tại rạp 19-4 (30 Nguyễn Du, TP Phan Thiết).

Tám bộ phim với phụ đề tiếng Anh và thuyết minh tiếng Việt sẽ được trình chiếu, gồm: Nụ hôn thiên đường (đạo diễn Takehiko Shinjo, 2011), Huyền thoại Ninja Kamui (Yoichi Sai , 2009), Người đàn bà giao sữa (Akira Ogata, 2004), Kẻ lạ mặt của đời tôi (Kenji Uchida, 2004), Để Sawako tính (đạo diễn Yuya Ishii, 2009), Shinko và phép lạ nghìn năm (KATABUCHI Sunao, 2009), Kiếm sĩ cơ hàn (Yoji Yamada, 2002), và Những chàng trai nước (Shinobu Yaguchi, 2001).

Vé xem phim được phát miễn phí tại rạp 19-4.

Triển lãm ảnh “Đô thị Hội An – Đẹp và chưa đẹp”

Triển lãm ảnh với chủ đề “Đô thị Hội An – Đẹp và chưa đẹp” lần thứ hai sẽ diễn ra từ ngày 5 đến 10-11 tại Bảo tàng Hội An (Quảng Nam).

Triển lãm sẽ giới thiệu đến người xem các tác phẩm được ban tổ chức tuyển chọn từ 300 tác phẩm tham gia cuộc thi có cùng chủ đề, được tổ chức hồi tháng 10 nhân dịp chào mừng Ngày Đô thị Việt Nam (8-11), trong số đó có 18 tác phẩm ảnh, phóng sự ảnh “đẹp” và “chưa đẹp” vào vòng chung kết.

Được biết, giải nhất cuộc thi được trao cho tác phẩm “Phố trăng” của tác giả Lê Văn Ánh; bộ ảnh “Du lịch Cù Lao Chàm” của Thái Bích Thuận đoạt giải nhì; tác phẩm “Phố hoa” của Trương Văn Thế và bộ ảnh “Hội An toàn cảnh” của Minh Hải (Báo Quảng Nam) đồng giải ba.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới