Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Chương trình giải trí cuối tuần từ ngày 2 đến 4-11

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Chương trình giải trí cuối tuần từ ngày 2 đến 4-11

Nhóm CTV

(TBKTSG Online) – Bốn cuộc triển lãm diễn ra vào cuối tuần này: triển lãm tranh ký họa của họa sĩ Tôn Đức Lượng tại Hà Nội; TPHCM có triển lãm mỹ thuật Việt – Hàn, triển lãm tranh Bùi Chí Vinh, và Ga 0 mở cửa xưởng lần thứ 2 giới thiệu tác phẩm của Lã Huy và Cheng Ting Ting. Bên cạnh đó là các chương trình ca nhạc, nghệ thuật thứ bảy, lễ hội ẩm thực…

>>> Giải trí cuối tuần từ ngày 26 đến 28-10-2012

>>> Giải trí cuối tuần từ ngày 19 đến 21-10-2012

Chương trình giải trí cuối tuần từ ngày 2 đến 4-11
"Sản xuất đá răm" – một trong những bức ký họa bị mối xông của họa sĩ Tôn Đức Lượng.

Hà Nội

Triển lãm tranh ký họa của Tôn Đức Lượng

Khoảng 200 bức tranh ký họa của họa sĩ Tôn Đức Lượng về thời kháng chiến chống Mỹ mượn từ bộ sưu tập của nhà sưu tập tranh người Thái Lan – Tira Vanichtheeranont, đang được trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (66 Nguyễn Thái Học, Hà Nội).

Toàn bộ các tác phẩm trưng bày tại triển lãm được vẽ bằng bút sắt từ những năm 60 – 70 của thế kỷ trước, phản ánh chân thực về đề tài người thanh niên xung phong qua cuộc sống lao động, chiến đấu với những tâm tư tình cảm. Điều đặc biệt là các tác phẩm vẫn giữ được nguyên màu sắc dù một số bức đã bị mối mọt ăn rách một phần.

Họa sĩ Tôn Đức Lượng sinh năm 1925. Ông theo học khóa 18 của trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương nhưng chỉ học được hai năm (1944-1945) rồi trường đi sơ tán và ngừng hoạt động. Tôn Đức Lượng theo kháng chiến, phục vụ tuyên truyền cổ động cho Đoàn Thanh niên. Ông từng là họa sĩ của báo của Trung ương Đoàn như Xung Phong, Sức Trẻ, Thiếu Niên… từ hồi kháng chiến chống Pháp cho đến khi về hưu.

Bộ truyền tranh “Anh Ân” in màu của Tôn Đức Lượng hiện vẫn còn hai bản in năm 1951 và 1952 – hiện đang được lưu giữ tại Hội đồng Di sản quốc gia Singapore.

Năm 1967, Tôn Đức Lượng đi vẽ tại mỏ than Cổ Kênh (Hải Dương). Năm 1970-1971, ông the Đoàn Thanh niên xung phong đi vẽ tại Hà Tĩnh. Năm 1971-1972, ông đi vẽ tại khu Kinh tế Thanh niên Phú Thọ. Năm 1974, ông đi vẽ tại Nông trường Mộc Châu (Sơn La). Những chuyến đi này đã để lại bốn bộ tranh ký họa bút sắt và màu nước đồ sộ. Tuy đã thất lạc nhiều những hiện vẫn còn chừng 200 bức được vẽ theo lối nhật ký, kể chuyện.

Trong khuôn khổ cuộc triển lãm, cũng ra mắt cuốn sách về họa sĩ Tôn Đức Lượng cùng hơn 200 bức ký hoạ trực tiếp về cuộc sống, con người Việt Nam qua chiến đấu và sản xuất – được nhà sưu tập Tira Vanichtheeranont đặt tên là “Ký họa lịch sử”. Triển lãm mở cửa từ ngay 2-11 đến 5-11.

Gặp lại Củng Lợi trong “Cao lương đỏ”

Bộ phim "Cao lương đỏ" đã đem lại thành công vang dội cho Củng Lợi và đạo diễn Trương Nghệ Mưu.

Vào lúc 14 giờ ngày 3-11 tại phòng chiếu của trung tâm TPD (51 Trần Hưng Đạo), khán giả sẽ có dịp xem lại bộ phim “Cao lương đỏ” của đạo diễn Trương Nghệ Mưu, được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Mạc Ngôn, và sau đó sẽ là phần giao lưu, trao đổi với dịch giả Trần Đình Hiến và nhà biên kịch Đoàn Minh Tuấn về vấn đề chuyển thể từ sách lên màn ảnh của tác phẩm này.

Tiểu thuyết “Cao lương đỏ” ra đời vào năm 1986 và trở nên nổi tiếng nhờ đạo diễn Trương Nghệ Mưu chuyển thể sang bộ phim cùng tên (1987) và đoạt giải Gấu vàng của Liên hoan phim Berlin năm 1988.

“Cao lương đỏ” tuy thuộc dòng văn học “phản tư” (suy nghĩ lại) phổ biến ở Trung Quốc nhưng lại được xem là cột mốc cho phong cách văn chương của Mạc Ngôn khi sử dụng lịch sử kết nối với hiện đại thông qua giọng kể và góc nhìn nhân vật quá khứ.

Cao lương đỏ” là hồi ức của người xưng “tôi” kể về chuyện đời và chuyện tình của ông bà nội mình là Từ Chiếm Ngao và Đái Phượng Liên – trong bối cảnh của miền quê Cao Mật những năm 1920-1930.

Khi quân Nhật Bản kéo đến xâm lược, Từ Chiếm Ngao trở thành một tư lệnh quân du kích. Cũng từ đây, địa danh làng Đông Bắc Cao Mật trở nên nổi tiếng được Mạc Ngôn sử dụng trở đi trở lại trong các tác phẩm của ông như biểu tượng của một Trung Quốc thu nhỏ; số phận thăng trầm của dân Đông Bắc Cao Mật cũng là số phận của nhân dân Trung Quốc. Đây là điều Mạc Ngôn ảnh hưởng từ nhà văn Mỹ William Faulkner, người từng đoạt giải Nobel Văn học năm 1949.

Bộ phim “Cao lương đỏ” không chỉ đánh dấu sự xuất hiện của đạo diễn Trương Nghệ Mưu và diễn viên Củng Lợi, mà còn tiến cử với điện ảnh quốc tế một phong cách làm phim độc đáo, đậm dấu ấn cá nhân mà về sau, sẽ được tiếp nối với những “Cúc đậu” (1990), “Phải sống” (1994), “Đường về nhà” (1999)...

Nhóm rock Parasite.

Red Revolution đến Hà Nội

Chương trình nhạc rock mang tên “Red Revolution: True speed, True music, True pleasure” sẽ diễn ra tại Hanoi Rock City (27/52 Tô Ngọc Vân, quận Tây Hồ) vào ngày 2-11 lúc 20 giờ 30 với sự tham gia biểu diễn của hai nhóm Unlimited và Parasite band.

Red Revolution là sự kiện nhạc rock do RFC (Rock Fan Club – RFC Rock Bar) tổ chức. Theo thông tin từ ban tổ chức, chương trình sẽ được tổ chức tại ba thành phố: Đà Nẵng, Hà Nội và TPHCM từ đây đến giữa tháng 12 và tùy theo địa điểm sẽ có chương trình và ban nhạc khác nhau như Microwave, Unlimited, Parasite, White Noize và nhiều cái tên khác.

Lễ hội Gyeonggi-do tại Hà Nội

Lễ hội văn hóa ẩm thực Gyeonggi-do Hàn Quốc do tỉnh Gyeonggi-do phối hợp với Công ty Star Korea tổ chức dưới sự hỗ trợ của Đại sứ quán Hàn Quốc và Trung tâm Văn hóa Hàn Quốc tại Việt Nam đang diễn ra tại siêu thị Big C Thăng Long (222 Trần Duy Hưng, Hà Nội).

Hoạt động được tổ chức nhân dịp kỷ niệm 20 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Hàn Quốc nhằm quảng bá, giới thiệu những sản phẩm nông sản tốt nhất của tỉnh Gyeonggi-do tới người tiêu dùng Việt Nam như nho, lê, nấm và hơn 300 loại thực phẩm khác (hàng nhân sâm, lá kim sợi, các loại nước sốt, trà)… cùng các món ăn đặc trưng của Hàn Quốc: cơm trộn Bibibap, cơm cuốn lá kim Kimbap, miến trộn, bánh gạo cay Tteokbuki… Bên cạnh đó là các trò chơi dân gian như đá cầu, Yutnori, thi hát các ca khúc tiếng Hàn Quốc.

Lễ hội kéo dài đến ngày 4-11 này, ngoài địa điểm chính tại Big C Thăng Long, lễ hội còn diễn ra tại 4 địa điểm khác gồm K-Mart Trung Hòa (B29 Nguyễn Thị Định, Nhân Chính, Thanh Xuân); K-Mart Mỹ Đình (Villa E 04, Mỹ Đình, Từ Liêm, hà Nội); K-Mart Keang Nam (P102 Keang Nam, Hà Nội) và Unimart (số 8 Phạm Ngọc Thạch).

Chương trình Mang âm nhạc đến bệnh viện số 25

Ca sĩ Nguyễn Đình Thanh Tâm.

Điểm dừng chân tiếp theo của chuỗi chương trình này là bệnh viện E Hà Nội vào ngày 2-11. Chương trình có sự tham gia biểu diễn của các ca sĩ Thái Thùy Linh, Tuấn Phương, Tôn Thất Sưn, NSND Thanh Hoa, NSƯT Quốc Hưng, MC Thảo Vân. Ngoài ra, chương trình lần này còn có sự tham gia của ba ca sĩ trưởng thành từ cuộc thi Sao Mai Điểm hẹn: Nguyễn Đình Thanh Tâm, Vũ Hà Anh và Dương Hoàng Yến.

* Ngoài ra, tại Hà Nội còn có nhiều chương trình văn hóa nghệ thuật khác: lễ hội văn hóa ẩm thực Hàn Quốc 2012; triển lãm tranh sơn dầu của Đỗ Đức; Bài hát Việt tháng 11. Trong khi đó, ở Huế cũng đang diễn ra triển lãm tranh của cố họa sĩ Dương Đình Sang.

TPHCM

Ga 0 mở cửa xưởng lần thứ 2

Dự án “Đất nước phía Nam, phía Nam đất nước” của Lã Huy (Việt Nam) và Cheng Ting Ting (Đài Loan) sẽ khai mạc lúc 14 giờ ngày 4-11 tại Ga 0 (288 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, TPHCM).

Ở lần mở cửa xưởng này, Lã Huy và Cheng Ting Ting mang tới những bưu thiếp bằng hình chụp, trên đó có các đoạn viết bằng tiếng Anh và tiếng Việt, nhằm phác họa một hình ảnh khác về TPHCM. Lã Huy cho biết, các câu trích mà Cheng Ting Ting sưu tầm từ sách hướng dẫn du lịch, các tạp chí và các website lại khá trái ngược với hình ảnh mà họ chụp – nhằm thể hiện một cách nhìn khác từ người ngoại quốc về thành phố này. Vào lúc 18 giờ cùng ngày sẽ diễn ra cuộc thảo luận với hai nghê sĩ.

Triển lãm tranh “Ngày sinh của ngựa”

Đó là chủ đề cuộc triển lãm của nhà thơ Bùi Chí Vinh vừa khai mạc tại Bảo tàng Cách mạng TPHCM (65 Lý Tự Trọng, Q.1) nhân dịp sinh nhật ông.

Tên cuộc triển lãm “Ngày sinh của ngựa” cũng chính là tựa đề một bài thơ nổi tiếng của Bùi Chí Vinh. Tác giả cũng cầm tinh con ngựa (Giáp Ngọ – năm 1954). Triển lãm trưng bày 30 bức tranh sơn dầu và 15 bức tranh màu nước. Triển lãm kéo dài đến hết ngày 5-11.

Một bức tranh của các họa sĩ Hàn Quốc được trưng bày tại triển lãm – ảnh: Ngọc Hân

Triển lãm mỹ thuật Việt – Hàn

Với với chủ đề “Tầm nhìn mới về Art fair quốc tế trong nghệ thuật hiện đại”, triển lãm mỹ thuật Việt – Hàn vừa khai mạc tại Thiên Sơn Plaza (800 Nguyễn Văn Linh, P.Tân Phú Q.7, TPHCM).

Triển lãm trưng bày 412 tác phẩm của 412 tác giả Việt Nam và Hàn Quốc. Trong đó, Hàn Quốc có 350 tác phẩm của 350 tác giả, Việt Nam có 62 tác phẩm của 62 tác giả. Những bức tranh được trưng bày trong triển lãm thể hiện về con người, vật, hoa lá.

Chủ tịch Hội mỹ thuật TPHCM, họa sĩ – nhà giáo nhân dân Uyên Huy cho biết; cuộc triển lãm do Hội Mỹ thuật Hàn Quốc và Hội Mỹ thuật Việt Nam tổ chức nhân dịp kỷ niệm 20 năm quan hệ ngoại giao giữa hai nước.

Họa sĩ cũng cho biết, cuối tháng 6 vừa qua, tại TPHCM cũng đã tổ chức cuộc triển lãm mỹ thuật của nữ họa sĩ quốc tế lần thứ 10 với sự tham gia của 212 họa sĩ đến từ 23 quốc gia, trong đó có 9 họa sĩ nữ của Hàn Quốc tham gia.

Triển lãm kéo dài từ nay đến hết ngày 5-11.

* Tại TPHCM còn khai mạc triển lãm "Mùa thu lá bay" của Nguyễn Duy Linh.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới