Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Chương trình thu hoạch sớm… bị thất thu  

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Chương trình thu hoạch sớm… bị thất thu  

Hồng Văn  

Một chiếc xe tải mang biển kiểm soát của tỉnh Bình Định chở dưa hấu chuẩn bị qua cửa khẩu Tân Thanh, Lạng Sơn để vào đất Trung Quốc-Ảnh: Hồng Văn.

(TBKTSG Online) – Kể từ ngày 1-1-2010, Hiệp định khu vực mậu dịch tự do ASEAN-Trung Quốc có hiệu lực nhưng trước đó, từ năm 2004, theo thỏa thuận của Chương trình thu hoạch sớm (EHP – Early Harvest Program) – một phần của hiệp định này thì Việt Nam và Trung Quốc đều cắt giảm thuế quan theo hướng Trung Quốc cắt giảm nhiều hơn, Việt Nam cắt giảm chậm hơn.  

Thế nhưng, giờ đây, khi hiệp định có hiệu lực thì chương trình thu hoạch sớm kết thúc và dường như Việt Nam bị thất thu khi nhập siêu từ Trung Quốc tăng dần, một số loại trái cây Trung Quốc thì chiếm lĩnh thị trường nội địa của Việt Nam.    

Nhập siêu tăng

Theo EHP thì từ ngày 1-1-2004, Trung Quốc thực hiện cắt giảm dần 206 dòng thuế nhập khẩu từ Việt Nam xuống 0% trước ngày 1-1-2006 và ngược lại, Việt Nam cắt giảm dần 88 dòng thuế nhập khẩu từ Trung Quôc xuống 0% trước 1-1-2008. Trong 7 chương của hiệp định đưa vào danh mục EHP (từ chương I – VII), Việt Nam có một số sản phẩm được hưởng thuế suất cắt giảm khi xuất sang Trung Quốc như sản phẩm từ động vật, rau, quả, hạt, đặc biệt là rau quả tươi.  

Theo Bộ Công Thương, trong năm đầu tiên thực hiện EHP, Việt Nam đã cấp chứng nhận xuất xứ (C/O) mẫu E cho chương trình này cho các doanh nghiệp xuất khẩu hàng sang Trung Quốc với 4.067 C/O, trị giá hàng hóa 17,6 triệu đô la Mỹ. Năm sau, tức năm 2005 với 9.065 C/O mẫu E với trị giá tăng mạnh, đạt 299 triệu đô la Mỹ và từ đó về sau, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Trung Quốc được hưởng thuế suất ưu đãi của EHP tăng mạnh.

Trên bình diện tổng thể, kể từ khi Việt Nam – Trung Quốc thực hiện chương trình EHP, giao dịch thương mại hai chiều tăng mạnh. Nếu như cuối năm 2004, kim ngạch hai nước đạt 5 tỉ đô la Mỹ (vượt mức đề ra cho năm 2005) thì năm 2007 đã lên tới 16 tỉ đô la Mỹ, năm 2008 hơn 20 tỉ đô la Mỹ; còn trong 9 tháng đầu năm 2009 hơn 14,5 tỉ đô la Mỹ.

Tuy nhiên, theo Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc kể từ khi thực hiện EHP tăng mạnh nhưng không tăng nhanh bằng tốc độ hàng hóa Trung Quốc thâm nhập thì trường Việt Nam, nên nhập siêu cũng gia tăng nhanh chóng, chẳng hạn trong 9 tháng đầu năm 2009, nhập siêu hơn 8 tỉ đô la Mỹ, hơn gấp 2 lần giá trị hàng xuất sang Trung Quốc.    

Thất thu

Dưa hấu tập kết tại cửa khẩu Tân Thanh, Lạng Sơn trước khi bốc lên xe tải đưa sang Trung Quốc-Ảnh: Hồng Văn

Việt Nam có thế mạnh xuất khẩu nông sản lại giáp biên với Trung Quốc, cư dân hai nước có truyền thống buôn bán biên mậu lâu đời, nên đàm phán EHP, Việt Nam đã nhấn mạnh nhiều tới hàng nông sản, vốn khả dĩ có thể đẩy mạnh bán sang Trung Quốc. Vậy mà khi thực hiện, trái cây của Trung Quốc lại tràn vào Việt Nam và cạnh tranh quyết liệt với các sản phẩm trái cây có sản lượng dồi dào, thậm chí thâm nhập sâu vào các tỉnh ĐBSCL, vựa trái cây của cả nước.  

Theo số liệu thống kê, kim ngạch nhập khẩu hoa quả từ Trung Quốc trong những năm trở lại đây tăng nhanh trong khi trái cây xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc đang có dấu hiệu sụt giảm, dù trước khi có EHP, Trung Quốc là một trong những thị trường xuất khẩu chính của trái cây Việt Nam, chiếm 50-60% tổng kim ngạch xuất khẩu trái cây của Việt Nam.

Tại chợ đầu mối trái cây Thủ Đức, TPHCM, nơi cung cấp một nửa lượng tiêu thụ trái cây cho TPHCM thì bình quân mỗi ngày trái cây nhập khẩu được giao dịch chiếm 35% tổng giao dịch của chợ, mà đa số là của Trung Quốc. Thậm chí có ngày, trái cây của Trung Quốc chiếm một nửa lượng giao dịch.  

Một cán bộ quản lý chợ Thủ Đức, cho biết trước năm 2006, trái cây Trung Quốc giao dịch tại chợ chỉ mang tính chất thăm dò thị trường thì nay giao dịch tăng mạnh, lấn át trái cây nội, thậm chí trái cây Trung Quốc còn đưa về bán ở ĐBSCL, Lâm Đồng, những vùng cây trái nổi tiếng của phía Nam.

Hai mặt hàng trái cây Trung Quốc được bán phổ biến trên thị trường Việt Nam hiện nay là lê và táo (mã số trong biểu thuế HS0808). Theo thống kê sơ bộ của hải quan, giá trị nhập vào Việt Nam không dưới 10 triệu đô la Mỹ mỗi năm và lấn át toàn bộ lê, táo ngoại nhập khác. Ngay cả nho, dù có vùng nho Ninh Thuận nổi tiếng nhưng nho Trung Quốc cũng đang chiếm lĩnh thị trường mà có năm, giá trị nhập vào Việt Nam hơn 5 triệu đô la.  

Thật buồn khi mà chỉ trong 7 tháng đầu năm 2009, nhập khẩu trái cây từ Trung Quốc lên tới 44 triệu đô la Mỹ và hiện Trung Quốc trở thành nhà cung cấp trái cây nhập khẩu chính cho Việt Nam. Trong số 27 loại trái cây nhập khẩu từ Trung Quốc thì quýt, táo, cam và lê là 4 loại quả chiếm tỷ trọng cao nhất (chiếm 87,5% tổng kim ngạch nhập khẩu trái cây từ Trung Quốc); trong đó, quýt là mặt hàng đạt kim ngạch nhập khẩu cao nhất với 14,5 triệu đô la Mỹ.

Ông Nguyễn Văn Kỳ, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit) gọi hiện tượng trái cây Trung Quốc tràn vào Việt nam là “nước chảy ngược”, bởi Việt Nam là quốc gia có tới nửa triệu héc ta trồng trái cây và sản lượng hàng triệu tấn, lại giáp biên giới trên bộ với Trung Quốc và nhiều năm trước, thương nhân Trung Quốc còn ùn ùn sang Việt Nam mua trái cây.  

“Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu trái cây cứ ngỡ chương trình thu hoạch sớm có nhiều lợi thế cho Việt Nam nhưng bây giờ thì họ lại cho rằng chẳng thu hoạch được gì, mà còn mất mùa”, ông Kỳ nói. Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận những khó khăn mà các loại trái cây của Việt Nam đang phải đối diện, đó là chất lượng không ổn định, không có thương hiệu trên thị trường quốc tế, vấn đề bảo quản và bao bì, đóng gói còn yếu kém…

Do đó, mặc dù có nhiều giống trái cây nổi tiếng trong nước như xoài cát Hòa Lộc, bưởi Năm Roi, thanh long Bình Thuận, nho Ninh Thuận… nhưng việc xuất khẩu trái cây vẫn còn nhiều hạn chế. Hơn nữa, giá trái cây trong nước còn cao, chủng loại chưa đa dạng nên vẫn phải nhập khẩu cùng loại với số lượng lớn.  

Điều làm các doanh nghiệp xuất khẩu trái cây trong nước bức xúc lại ở chỗ việc cắt giảm thuế giữa hai nước mà Trung Quốc cắt giảm nhanh và mạnh hơn cho nông sản Việt Nam, không có ý nghĩa nhiều bởi mãi tới đầu năm 2008, hai nước mới ký hiệp định kiểm dịch động thực vật. Trong khi Thái Lan, dù không tham gia chương trình EHP với Trung Quốc nhưng đã ký hiệp định này vào năm 2006. Và nhờ vậy trái cây Thái Lan dù không tiện đường vận chuyển nhưng vẫn có khả năng cạnh tranh quyết liệt với trái cây Việt Nam.  

“Kiểm dịch là hàng rào kỹ thuật trong giao thương và nó quan trọng có khi còn hơn cả thuế. Giảm thuế không có ý nghĩa gì nếu hàng hóa bị ách tắc tại cửa khẩu bởi kiểm dịch”, một doanh nghiệp xuất khẩu thanh long là hội viên của Vinafruit cho hay.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới