Thứ Năm, 28/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Chuyển 200 kiến nghị của các tỉnh về biên mậu lên Chính phủ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Chuyển 200 kiến nghị của các tỉnh về biên mậu lên Chính phủ

Lan Nhi

(KTSG Online) – 25 tỉnh giáp biên có hoạt động thương mại biên giới (gọi tắt là biên mậu) đã gửi 200 đề xuất về 8 nhóm vấn đề lên Bộ Công Thương và Chính phủ, nhằm nâng cao giá trị, hiệu quả của thương mại vùng biên.

Chuyển 200 kiến nghị của các tỉnh về biên mậu lên Chính phủ
Tại cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn), giáp biên với Trung Quốc, khi mới xảy ra đại dịch Covid 19 (4/2020), Bộ Công Thương và tỉnh Lạng Sơn đã có nhiều giải pháp nối lại thông thương hàng hóa. Ảnh:TTXVN

Sở dĩ có đến hàng  trăm đề xuất được Bộ Công Thương tập hợp cùng một lúc về vấn đề biên mậu vì ngày 16-8, bộ này chủ trì Hội nghị phát triển kinh tế khu vực biên giới.

Ở nước ta hiện có 25 địa phương giáp biên với Trung Quốc, Lào và Campuchia với 26 khu kinh tế cửa khẩu trên cả 3 tuyến biên giới. Tại đây đã có 267 cụm công nghiệp hoạt động với tổng diện tích là 8.799 héc ta, tương ứng 36,6% số lượng và gần 40% diện tích các cụm công nghiệp đã hoạt động trên cả nước.

Kim ngạch thương mại biên giới năm 2020 đạt 30 tỉ đô la Mỹ, chỉ chiếm 5,5% trong tổng kim ngạch thương mại của cả nước nói chung và trong tổng kim ngạch thương mại với Trung Quốc, Lào, Campuchia nói riêng (21,5%).

Bộ Công Thương nhận định: cơ cấu kinh tế tại khu vực biên giới vẫn dựa vào nông nghiệp là chính, chưa hình thành vùng sản xuất tập trung, chưa áp dụng tiêu chuẩn, truy xuất nguồn gốc, xây dựng thương hiệu, chưa hình thành chuỗi liên kết sản xuất – tiêu thụ. Sản xuất công nghiệp chưa tạo ra sản phẩm chủ lực, năng lực cạnh tranh yếu.

Hạ tầng thương mại biên giới hiện chưa đáp ứng được tiềm năng và nhu cầu của hoạt động mua bán, trao đổi, lưu thông hàng hóa.

Nguyên nhân của các khó khăn hạn chế nêu trên do: quy hoạch đầu tư phát triển tại các tỉnh biên giới nói chung và khu vực biên giới nói riêng còn nhiều bất cập về chất lượng quy hoạch, thiếu tính dự báo, thiếu căn cứ lập kế hoạch.

Cơ chế chính sách phát triển khu kinh tế cửa khẩu và hạ tầng thương mại biên giới còn nhiều bất cập, chưa có nhiều ưu đãi đột phá nên khó thu hút đầu tư trong và ngoài nước.

Việc chưa kịp thời nâng cấp, mở mới các cửa khẩu, lối mở biên giới để theo kịp với nhu cầu giao thương giữa khu vực biên giới và các nước láng giềng cũng là một nguyên nhân hạn chế phần nào phát triển kinh tế của khu vực biên giới.

Một số địa phương chưa nắm chắc và thực hiện đúng các quy định liên quan của Chính phủ liên quan đến quản lý cửa khẩu nên công tác xin phép, triển khai mở mới, nâng cấp cửa khẩu còn mất nhiều thời gian.

200 kiến nghị chi tiết của 25 tỉnh giáp biên liên quan đến 8 nhóm vấn đề: mở mới, nâng cấp cửa khẩu, đầu tư hệ thống giao thông, đầu tư hạ tầng thương mại, xuất nhập khẩu, xúc tiến thương mại, phát triển điện năng; phát triển công nghiệp.

Tuy nhiên, ngay cả khi phải đối mặt với đại dịch Covid-19 nhưng kinh tế tại các tỉnh khu vực biên giới nhất là khu vực biên giới cửa khẩu vẫn duy trì mức tăng trưởng dương. Nhiều địa phương có tốc độ tăng trưởng cao hơn mức bình quân của cả nước (năm 2020, có 15/25 tỉnh, 6 tháng trong năm 2021 có 20/25 tỉnh cao hơn mức bình quân của cả nước). Một số tỉnh tăng trưởng ở mức 2 con số, đơn cử như tỉnh Quảng Ninh.

Sản xuất công nghiệp, nông nghiệp của các tỉnh biên giới dần khá ổn định và tăng cao. 2/3 số tỉnh có chỉ số phát triển công nghiệp cao hơn bình quân của cả nước. Sản xuất nông, lâm thủy sản ở khu vực biên giới phát triển khá, bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm hàng thiết yếu cho người dân trong đại dịch.

Bộ Công Thương ghi nhận: các tỉnh biên mậu phối hợp khá tốt với các nước bạn trong quản lý, điều hành hoạt động của các cửa khẩu. Linh hoạt vận dụng các quy định để kéo dài thời gian thông quan, mở thêm lối thông quan cho xuất khẩu hàng nông sản không bị ùn ứ. Các tỉnh biên giới đã cùng Bộ Công Thương và các Bộ, ngành trao đổi, đàm phán… với các Bộ, ngành, địa phương nước bạn để thông quan phòng dịch, không làm gián đoạn các hoạt động xuất nhập khẩu.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới