Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Chuyện bia và thuế

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Chuyện bia và thuế

Nguyễn Vũ

Chuyện bia và thuế
Chênh lệch thuế suất giữa thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế tiêu thụ đặc biệt là cái giá phải trả cho việc soạn quy định chưa chặt chẽ.

(TBKTSG) – Cứ mỗi lần người tiêu dùng uống một lít bia, họ nộp cho ngân sách một khoản thuế tiêu thụ đặc biệt, từ năm 2013 đến nay có thuế suất là 50% trên giá bán. Tuy nhiên trên thực tế nhà sản xuất đã thay mặt người tiêu dùng nộp loại thuế này khi xuất xưởng sản phẩm cho nên giá tính thuế là giá bán của nhà sản xuất chứ không phải giá mà người tiêu dùng trả.

Sẽ có người cắc cớ hỏi, tại sao nhà sản xuất không đưa ra giá bán cho thấp làm căn cứ tính thuế (để nộp ít thuế đi) rồi sau đó để bên công ty kinh doanh đẩy giá bán cao lên gấp đôi chẳng hạn? Không được. Luật đã tính đến con đường này nên Thông tư 05/2012 của Bộ Tài chính rào chắn kỹ: “…giá làm căn cứ tính thuế tiêu thụ đặc biệt là giá bán chưa có thuế GTGT và thuế bảo vệ môi trường (nếu có) của cơ sở sản xuất nhưng không được thấp hơn 10% so với giá bán bình quân của cơ sở kinh doanh thương mại đó bán ra”. Cái tỷ lệ 10% đó nhằm tránh bên sản xuất đưa giá thấp, bên thương mại đưa giá cao.

Thế nhưng giả thử bên sản xuất bán ra cho một công ty thương mại, công ty này lại bán tiếp cho một công ty thương mại thứ nhì. Công ty thương mại thứ nhì bán cho một công ty thương mại thứ ba… Cứ thế bán qua đến cả chục tầng nấc trung gian, mỗi tầng nấc, giá được nâng lên nhưng không quá 10% đúng như quy định. Giá cuối cùng đến tay người tiêu dùng có thể gấp đôi giá của nhà sản xuất. Như vậy nhà sản xuất vẫn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt trên mức giá thấp và bán cho người tiêu dùng vẫn đạt giá cao mà không vi phạm quy định của Bộ Tài chính.

Đây chính là con đường lách thuế của Tổng công ty Bia rượu nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) mà Kiểm toán Nhà nước vừa kết luận, kèm theo yêu cầu Sabeco phải nộp thêm hơn 408 tỉ đồng tiền thuế tiêu thụ đặc biệt cho riêng năm 2013.

Bởi thực tế Sabeco đã thành lập và bán bia của mình qua Công ty Thương mại Sabeco, một công ty con của Sabeco và giá bán để nộp thuế tiêu thụ đặc biệt của Sabeco là tính trên giá bán cho công ty này. Sau đó công ty thương mại này bán tiếp qua nhiều tầng nấc trung gian nữa trước khi bia đến tay người tiêu dùng.

Về tình mà nói, rõ ràng Sabeco đã lách quy định để tìm cách nộp thuế ít đi, có lợi cho mình nhưng lại làm cho ngân sách mất một khoản thu lẽ ra đã thu được. Đây cũng rõ ràng là một khe hở về thuế tiêu thụ đặc biệt đang bị nhiều doanh nghiệp khác tận dụng để tránh thuế.

Về lý thì có hai luồng dư luận. Trước hết, xem lại Thông tư 05 của Bộ Tài chính có hai trường hợp được đặt ra: nhà sản xuất bán qua “cơ sở trực thuộc hạch toán phụ thuộc” và nhà sản xuất bán qua “cơ sở kinh doanh thương mại”. Bán qua cái đầu thì lấy giá của “cơ sở trực thuộc hạch toán phụ thuộc”; bán qua cái thứ nhì thì lấy giá của nhà sản xuất (bị ràng buộc tỷ lệ 10% như đã nói ở trên).

Kiểm toán Nhà nước cho rằng không chỉ Công ty Thương mại Sabeco mà cả các công ty thương mại khu vực (trong đó Sabeco có từ 90-94% vốn góp) là “cơ sở trực thuộc hạch toán phụ thuộc” nên yêu cầu Sabeco nộp thuế dựa trên giá bán của các công ty thương mại khu vực này (tức phải nộp thêm 408 tỉ đồng cho năm 2013). Sabeco, trong các văn bản gửi các bộ thì cho rằng công ty thương mại khu vực dù có vốn góp với tỷ lệ rất cao của Sabeco vẫn chỉ là công ty liên kết, không phải “cơ sở trực thuộc hạch toán phụ thuộc” nên phải áp dụng theo cách thứ nhì, tức lấy giá bán ra của Sabeco làm căn cứ tính thuế.

Ở đây để xác định ai đúng, ai sai cũng khá đơn giản. Thứ nhất, kiểm toán xác định xem các công ty thương mại khu vực có hạch toán phụ thuộc hay hạch toán độc lập (dù sau đó có chia lãi cho Sabeco). Nếu chúng được hạch toán độc lập thì không thể bắt Sabeco nộp thuế dựa trên giá bán của các công ty này được (vì Thông tư 05 viết rất rõ ràng hai trường hợp như trên). Thông tư 05 của Bộ Tài chính còn nói: giá tính thuế là giá bán “chưa có thuế giá trị gia tăng” (GTGT) cho nên nếu ở khâu trước có công ty thương mại nào đã nộp thuế GTGT thì cũng sai quy định. 

Giả thử các công ty thương mại bên dưới hạch toán độc lập thì Sabeco “thoát” được khoản thuế mà Kiểm toán Nhà nước quy cho Sabeco. Sau đó các cơ quan nhà nước như Bộ Tài chính phải ngồi lại để chỉnh sửa, bịt các lỗ hổng và thu thuế sau khi đã bịt kín. Không thể vừa kiến nghị sửa luật nhằm bịt lỗ hổng lại vừa hồi tố bắt doanh nghiệp chịu trách nhiệm cho lỗ hổng này. Dù công luận có thể bất bình với cách lách thuế của Sabeco hay các doanh nghiệp tương tự, tâm lý bất bình này không thể biến thành hành động truy thu thuế được.

Ở đây cần lưu ý, nếu từ đơn vị kinh doanh độc lập này đến đơn vị kinh doanh độc lập khác có chênh lệch giá, tức là có lãi thì khoản thuế phải tận thu là thuế thu nhập doanh nghiệp trên các khoản lãi này. Chênh lệch thuế suất giữa thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế tiêu thụ đặc biệt là cái giá phải trả cho việc soạn quy định chưa chặt chẽ mà thôi.

Đã có tiền lệ doanh nghiệp kiện chuyện thuế

Đầu năm 2014, Công ty Lọc hóa dầu Nam Việt, một trong chín doanh nghiệp là đầu mối nhập khẩu xăng dầu đã thắng kiện Chi cục Hải quan TPHCM về quyết định ấn định 22,44 tỉ đồng tiền thuế.

Sự việc xảy ra do thời điểm năm 2010-2012, Nam Việt và tám doanh nghiệp khác đã tạm nhập, tái xuất một số lượng lớn xăng dầu. Theo quy định của Luật Hải quan, Nghị định 154 và Thông tư 194/2010 của Bộ Tài chính thì thời điểm doanh nghiệp nộp thuế xuất nhập khẩu với loại hàng hóa này là thời điểm mở tờ khai khi doanh nghiệp nhập về và được tạm nhập về với thời gian rất dài (180 ngày). Khi chuyển sang tiêu thụ nội địa thì không phải mở lại tờ khai hải quan.

Tuy nhiên sau đó Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan và Chính phủ đã có nhiều văn bản yêu cầu số doanh nghiệp nói trên phải mở tờ khai hải quan tại thời điểm chuyển mục đích sử dụng (thời điểm doanh nghiệp nhập về và nộp thuế thì mức thuế nhập khẩu xăng dầu từ 0-3%; còn thời điểm doanh nghiệp chuyển tiêu thụ thì mức thuế nhập khẩu đã là 10-12%).

Nói khác đi là căn cứ ấn định thuế của Bộ Tài chính và Tổng cục Hải quan xuất phát từ chuyện có thể doanh nghiệp “lợi dụng” chính sách, nhập khẩu về lúc thuế thấp và chuyển sang tiêu thụ lúc thuế cao (thuế này được tính vào giá cơ sở bán ra của mỗi lít xăng dầu, tạo nên mặt bằng giá mới, tăng lợi nhuận).

Cục kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) đã có công văn gửi Bộ Tài chính khẳng định việc truy thu, ấn định thuế với các doanh nghiệp nhập khẩu là không có cơ sở pháp lý và kiến nghị hủy bỏ công văn truy thu nhưng Bộ Tài chính vẫn quyết truy thu.

Tuy nhiên, sau đó Công ty Nam Việt đã khởi kiện Chi cục Hải quan TPHCM. Tòa án nhân dân TPHCM đã quyết định chấp nhận yêu cầu của bên khởi kiện, hủy các quyết định truy thu thuế do phía Hải quan ban hành vì trái quy định của pháp luật.

Ngọc Lan

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới