Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Chuyện chỉ dành cho người dũng cảm

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Chuyện chỉ dành cho người dũng cảm

Thục Đoan

minh họa: Khều.

(TBKTSG) – Bài viết dưới đây xin dành tặng cho những ai đang phải đứng trước sự lựa chọn vô cùng khó khăn: có nên khai tử doanh nghiệp mình đang làm chủ hay không?

Mùa Vu Lan này, Phật tử thập phương viếng chùa cảm thấy việc gặp gỡ vấn an sư trụ trì khó hơn mọi năm. Năm nay, người muốn gặp riêng sư thầy nhiều hơn. Một điều khác thường nữa là không ít trong số đó tưởng chừng như chẳng có quan hệ mật thiết gì với nhà Phật cho lắm: họ thuộc giới kinh doanh.

Khi phóng viên hỏi, sư trụ trì cho biết họ thăm thầy để tìm một chỗ dựa tinh thần. “Nhiều người hy vọng sẽ có được một lời khuyên từ cửa thiền để đỡ quẫn trí với biết bao nhiêu vấn đề về chuyện làm ăn”, sư thầy nói. Người ta tìm đến sư thầy để hỏi: “Bao giờ con bán được đất, con nên xoay xở thế nào để ra tiền trả nợ ngân hàng, khi nào doanh nghiệp mới thoát khỏi “hạn” đang gặp hiện nay?”.

Nói theo ngôn ngữ Phật giáo thì liệu cái phúc làm chủ doanh nghiệp còn hay hết? Sư trụ trì không phải là chuyên gia kinh tế, cũng không phải nhà tư vấn doanh nghiệp nên ông không thể đưa ra được giải pháp cụ thể. Có điều, ông biết lắng nghe rồi tùy duyên mà kể những mẩu chuyện thiền.

Như một quy luật, con người thường trở nên yếu đuối và hoang mang trước tương lai bất định. Khi cảm thấy không còn đủ tự tin làm chủ vận mệnh, cuộc sống của mình, người ta có xu hướng tìm đến tâm linh để lấy lại niềm tin.

Còn nhớ cách đây ba năm, khi kinh tế Mỹ rơi vào cơn bão khủng hoảng, một tờ báo mạng của Mỹ đưa một đoạn phim đề cập đến chuyện làm ăn phát đạt của các chiêm tinh gia. Mất việc làm, mất nhà, rơi vào cảnh túng quẫn, không ít người Mỹ đã tìm đến các nhà chiêm tinh để hỏi về tương lai, để biết khi nào tìm được việc làm trở lại.

Chuyện tương tự đang xảy ra bây giờ ở Sài Gòn. Một số chủ doanh nghiệp quay sang thầy phong thủy, thầy bói, xem họ như “quân sư” thay vì dùng tư vấn doanh nghiệp. Tổng giám đốc một công ty tư vấn kể gần đây ông gặp nhiều khách hàng đưa thầy phong thủy theo trong các cuộc làm việc với đối tác. Thậm chí, có người đã mất tự tin đến mức từ chuyện lớn đến chuyện nhỏ đều nhất nhất xin ý kiến “thầy”.

Cũng chẳng có gì đáng ngạc nhiên về chuyện này. Cái khó cứ bám lấy họ, làm lụi dần những tia hy vọng. Năm 2008, khi cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu lan ra, các doanh nghiệp trong nước ít nhiều đã thấy được sự lạnh giá của cơn rét suy thoái. Nhưng thời đó, nhờ nguồn nội lực trong nước, doanh nghiệp vẫn có đủ năng lượng để sưởi ấm. Tuy nhiên, nguồn năng lượng hiếm hoi đó không đủ sức giúp họ chống lại cái rét kéo dài và ngấm dần vào thân thể.

Mấy năm qua, giới kinh doanh trông chờ sự xoay chuyển trong chính sách điều hành vĩ mô sẽ tạo ra được nguồn năng lượng mới. Nhưng mối lo kinh tế Mỹ suy thoái kép cùng với các chỉ số của nền kinh tế trong nước thời gian gần đây đã làm tắt đi hy vọng tình hình sẽ khá hơn vào sáu tháng cuối năm.

Thống kê bảy tháng đầu năm 2011 của Bộ Công Thương cho thấy chỉ số tồn kho của nhiều sản phẩm đã tăng khá cao so với cùng kỳ; lượng điện phục vụ cho sản xuất tăng chậm, chỉ đạt 9,4% thay cho mức 15% cùng kỳ năm trước. Hàng hóa làm ra không bán được, sản xuất ngưng trệ.

Cuối tuần rồi, báo Tuổi Trẻ dẫn lời ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, cho biết tình hình kinh tế khó khăn đang ảnh hưởng mạnh đến doanh nghiệp. Mấy năm trước, trung bình mỗi năm có khoảng 6.000 doanh nghiệp phá sản, giải thể. Khảo sát của các hiệp hội doanh nghiệp địa phương cho thấy số lượng doanh nghiệp ngừng hoạt động sáu tháng đầu năm 2011 tăng gấp đôi so với sáu tháng đầu năm 2010. Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho biết ở TPHCM, Hải Phòng, Daklak và vài tỉnh thành khác có gần 30% doanh nghiệp đình trệ sản xuất, đứng trước nguy cơ phá sản. Ở Ninh Bình, có đến 90% doanh nghiệp đang sản xuất cầm chừng.

Một thành viên trong Câu lạc bộ Doanh nhân 2030 (CLB 2030) nói rằng những doanh nghiệp nhỏ làm dịch vụ như anh không còn đủ sức để ca thán nữa, chứ đừng nói gì đến kinh doanh. Cách đây không lâu, sáng sáng anh và các bạn doanh nhân thân thiết còn rủ nhau ra quán cà phê bàn cách gỡ rối. Thậm chí họ còn lập quỹ chung để khi cần là có thể “bơm máu” cứu liền. Nhưng rồi sự hỗ trợ đó cũng chẳng thấm vào đâu vì biết lấy đâu ra đủ “máu” khi tất cả cùng mắc chứng “thiếu máu”.

Bệnh càng nặng thêm khi trên bảng sổ sách chỉ toàn dấu trừ và mực đỏ. Khách hàng không có thì lấy đâu ra nguồn thu để làm bút toán bên cạnh các khoản chi cố định. Bạn bè anh nói đùa với nhau rằng ngày trước áp lực công việc căng thẳng gây stress chỉ mong có thời gian để nghỉ ngơi, bây giờ không có việc gì để làm stress càng nặng hơn.

Ông chủ một dự án bất động sản ở Củ Chi nhắc lại câu chuyện mấy năm trước vì không đủ tiền để chạy theo nhóm bạn kinh doanh địa ốc vậy mà bây giờ lại thành “may”. Cái khổ nhất của bạn bè ông lúc này là mỗi sáng vẫn phải “đóng bộ” chỉnh tề ngồi xe đến công ty mà lòng cứ rối bời. Tài sản có đó, dự án đồ sộ đó, nhưng tiền mặt thì không. “Cố quên thì thôi, chứ cứ nghĩ đến số nợ vay ngân hàng đã đủ bấn loạn tinh thần”, ông nói. “Muốn thoát cũng chẳng dễ, càng cố xoay trở, càng cố níu kéo lại càng chìm xuống dưới như thể đang ở trong một vũng lầy”.

Như bất kỳ con người nào, doanh nghiệp có sanh ắt có tử. Đối đầu với án tử phá sản doanh nghiệp chính là lúc các doanh nhân đối mặt với chính danh dự và niềm kiêu hãnh của mình. Đứng trước một trong số những câu hỏi khó khăn nhất: “Có sẵn sàng trở lại làm thuê để kiếm sống?” hãy thành thật với chính mình. Nếu câu trả lời là “không”, xem ra cái nghiệp làm chủ vẫn còn. Nếu thế, một trong những điều nên làm là tìm đến các chuyên gia tài chính giỏi để cùng đưa các kịch bản khả dĩ cho doanh nghiệp để rồi quyết định tiếp tục sống chết với cơ đồ là xứng đáng hay phải chấp nhận một lần đau đớn lìa bỏ nó nhằm bắt đầu cho một dự án kinh doanh mới sau này.

Anh bạn doanh nhân trong CLB 2030 nhắc đến ở trên cũng vừa quyết định khởi nghiệp lại ở tuổi ngoài 40. Khởi nghiệp trễ đã khó, khởi nghiệp lại lần nữa càng khó hơn. Cho dù vậy những người như anh vẫn có một điều rất đáng tự hào: khởi nghiệp không phải là con đường dành cho những kẻ nhút nhát, cho những ai muốn làm giàu nhưng không chịu nổi áp lực. Khởi nghiệp chỉ dành cho những người dũng cảm, chấp nhận mạo hiểm. Có lẽ một trong những điểm khác biệt làm nên người khởi nghiệp so với người làm thuê là người khởi nghiệp chấp nhận chuyện mình sẽ nhận “án tử” nếu không thành công.

Nhưng những doanh nhân đau lòng với doanh nghiệp con cưng của mình cũng không nên vì vậy mà quá buồn phiền. Nhiều số liệu thống kê cho thấy trên thế giới tỷ lệ doanh nghiệp phải khai tử chỉ sau 3-5 năm hoạt động là từ hai phần ba cho đến 90% số doanh nghiệp được thành lập tùy vào từng nước.

Trong kinh doanh cũng như trong cuộc sống, thành công hiếm khi là cái có sẵn, mà phải đánh đổi bằng nhiều thứ mới có được. Trong những điều phải đánh đổi đó, có thể là án khai tử doanh nghiệp của ngày hôm nay. Nhưng một tinh thần doanh nghiệp mạnh mẽ sẽ sẵn sàng chấp nhận điều này để khai sinh một doanh nghiệp mới chín chắn và mạnh mẽ hơn!

Xin kết bài này bằng một câu chuyện sư trụ trì đã kể cho một tín đồ doanh nhân của ông. Chuyện rằng từ trứng sâu muốn chuyển thành bướm, phải hóa kiếp sâu rồi nhộng. Quá trình đó phải chờ đủ ngày đủ tháng. Nếu nôn nóng xé bọc kén quá sớm khi chưa đủ sức, chắc chắn chưa kịp thành bướm nó đã bị chết bởi kẻ thù chực chờ bên ngoài. Khởi sự hay điều hành doanh nghiệp cũng giống như vậy. Dục tốc bất đạt!

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới