Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Chuyện con cá, chuyện con người

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Chuyện con cá, chuyện con người

Nguyễn Minh Nhị, An Giang

Cá linh-Ảnh: www.doanhnhansaigon.vn

(TBKTSG Online) – Hàng năm, vào mùa nước nổi, khoảng đầu tháng 7 âm lịch là bắt đầu mùa cá linh, một đặc sản của miền Tây sông nước. Cá linh lúc này chỉ mới lớn bằng đầu đũa, bà con gọi là cá linh non. Cá linh ăn ngon nhất là lúc này và khi lớn lên khoảng bằng ngón tay út, vào tháng 9 âm lịch thì ủ nước mắm là món đặc sản của An Giang, và của cả miền Tây.

Giá cá lúc này thường rất rẻ. Xưa dân gian có câu “rẻ như cá linh” là thế. Nhưng từ mấy năm gần đây, cá linh non thường có giá đắt gấp 10 lần so với khi cá lớn ủ làm nước mắm.

Năm rồi ở Cần Thơ và Sài Gòn có quán ăn gạt khách, cho ăn cá mè, cá chép con mà tính tiền cá linh. Năm nay, cá linh non ở Long Xuyên giá 150 ngàn đồng một ký, cao gấp 2 lần cùng kỳ năm trước, nhưng hai tháng nữa, khi cá lớn không biết giá nào, bởi cá non bắt được quá ít.

Xuất xứ tên gọi cá linh không biết có sách nào nói, chỉ nghe dân gian giải thích là loài cá nầy “rất linh”, rất nhạy với thời tiết và không ai nuôi tăng trọng thành công. Người viết xác nhận điều nầy và quan sát thấy rõ: khi nước rút (giựt), cá từ trên đồng đổ xuống kinh, rạch lúc trời đang nắng, nhưng nếu có áng mây che mát trên bầu trời thì cá lập tức quay đầu lên đồng trở lại, tiếp sau là mưa. Có khi đầu mùa cá vào ao nhà rất nhiều, nhưng khi mùa khô tát ao thì không còn. Người ta đặt tên nó “linh” có lẽ vì vậy.

Tình hình biến đổi khí hậu, thời tiết trở nên thất thường, con người can thiệp vào thiên nhiên ngày một thô bạo hơn, nhất là trên thượng nguồn sông Mê Kông dài trên 4.200 cây số, là quê hương của vô số loài cá nước ngọt quí hiếm như cá nược (cá heo nước ngọt), cá hô, cá cóc, cá bông lau, cá ba sa, cá tra… mà nhiều loài cá lần lần bị tiệt chủng.

Cách đây mấy năm Chính phủ đã có quyết định về việc điều tra, quy hoạch và bảo tồn các giống loài cá nước ngọt quý đang sắp tuyệt chủng, kinh phí dự trù trên 500 tỉ đồng. Quyết định ấy ra đời cùng với quyết định thành lập Ban chỉ đạo chương trình “Biến đổi khí hậu, nước biển dâng”. Nhưng từ đó đến nay gần như “biệt vô âm tính”.

Nói chuyện con cá linh cũng là nói chuyện con người. Sáu chục triệu con người sống nhờ nguồn lợi thủy sản sông Mê Kông (theo số liệu của Liên hiệp quốc), trong đó có gần 20 triệu nông dân ĐBSCL rồi đây sẽ ra sao nếu nguồn sống này không còn, khi 9 con đập thủy điện khổng lồ của Trung Quốc sắp xong và các nước ven lưu vực như Lào, Thái, Campuchia và cả Việt Nam… cùng nhau đấp đập ngăn dòng lấy nước làm thủy điện, thủy lợi?

Biến đổi khí hậu, nước biển đã và đang dâng ngày một cao, nước thượng nguồn bị chặn, hạ nguồn bị kiệt là tất nhiên. Năm nay mặn xâm nhập sâu chưa từng có. Lũ năm nay về chậm và ít, ngày 30-8-2010 mà tại Tân Châu mới 2,43 mét, thấp hơn trung bình của nhiều năm đến 1,2 mét. Không chỉ nguồn lợi thủy sản không còn mà vựa lúa quốc gia và việc ăn, ở, đi lại của hàng chục triệu con người rồi đây sẽ ra sao?

Con cá linh, như vậy chỉ thích nghi và tồn tại với thiên nhiên, dù khắc nghiệt, nhưng không “linh” nổi với sự tàn phá của con người.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới