Chuyện của một người bán hàng rong
Hoàng Phi
(TBKTSG Online) - Anh Bưởi là người ghiền cờ. Cách đây một năm, cứ chừng 9 giờ sáng, người ta thường thấy anh ghé quán cà phê quen thuộc, đánh độ với bạn của anh là anh Bắp Xào và anh Cám Heo. Gọi là anh Bưởi, nhưng anh lúc thì bán sầu riêng, lúc thì bán cam, khi thì bán bưởi hay nho. Với chiếc xe máy cà tàng, mỗi ngày đều đặn anh bán hết hai lồng trái cây, kiếm đủ tiền nuôi gia đình.
Những trận “đại chiến” trên bàn cờ giữa anh Bưởi với anh Cám Heo hay anh Bắp Xào đều diễn ra rất gay cấn. Gay cấn không phải vì 3 anh cao cờ, mà vì tính cách vui nhộn cùng những câu bình luận, uy hiếp đối thủ rất đáng chú ý. Cả cái làng cờ ở khu dân cư này cũng hầu như không ai biết tên thật của họ, mà người ta gọi bằng những cái tên thân mật bằng cái nghề mà họ đang làm.
Nhưng bẵng đi một thời gian chừng một năm nay, người ta ít thấy anh Bưởi ghé đến. Cả anh Bắp Xào cũng như anh Cám Heo đều cũng lui tới thưa dần, chỉ thi thoảng đứng ngoài nhìn vào, chần chừ rồi bước đi. Dáng vẻ của cả 3 người dường như vội hơn, và làn da đã sạm đi dưới cái nắng, cái gió và cái tất tả của cuộc sống.
Anh Bưởi sống trong một khu làng trọ ở quận Bình Tân, TPHCM, nơi những người đồng hương ở miền Trung như anh cư ngụ. Đã 10 năm nay anh vào thành phố, làm đủ thứ nghề, nhưng mấy năm nay anh sống khỏe hơn với nghề bán rong trái cây. Ấy nhưng, thời gian này dường như người ta ít tiền hơn nên không nhiều người mua của anh, vì thế anh phải rong ruổi nhiều hơn, và phải hi sinh thú vui tao nhã của mình. Ở cái xóm ngụ cư nơi anh ở, rất nhiều người cũng ngày ngày rong ruổi trên các nẻo đường, người bằng xe đạp, người xe máy, kẻ thì xe ba gác. Ẩn sau những dáng người khắc khổ đó lại là một câu chuyện hết sức thú vị.
Ở khu chợ đầu mối Tam Bình, Thủ Đức, TPHCM, các chủ chành trái cây đều không lạ gì với bóng dáng của anh Bưởi. Khu chợ tấp nập này hoạt động từ 5 giờ chiều đến 5 giờ sáng hôm sau. Khi những chuyến xe chở hàng về ban chiều là lúc khách mua là các chủ vựa, tiếp đến là tiểu thương các chợ hay những điểm bán trái cây trên các khu phố. Hoạt động này kéo dài cho đến qua nửa đêm và những loại hàng đẹp nhất, tươi nhất đều được bán hết. Khoảng thời gian từ 12 giờ đến 2 giờ sáng là thời điểm khu chợ dường như yên ả nhất. Đến khoảng 2 giờ, người ta lại thấy bóng dáng quen thuộc của anh Bưởi cùng hai người khác, dáng vẻ cũng khắc khổ đi dạo chợ. Dù chỉ là những kẻ bán rong, nhưng điều ngạc nhiên là các chủ chành vẫn đon đả và trông ngóng họ.
Cả bọn cùng rảo quanh tất cả các chành lớn nhỏ trong chợ, kể cả một vài sạp của các vựa bên trong. Họ dường như không nói với nhau lời nào mà lặng lẽ quan sát và ghi chép, chỉ thi thoảng bàn tán với nhau vài câu bằng giọng nói đặc xứ Quảng. Ba người, sau đó, lần lượt đến các chành họ chọn và mặc cả. Lúc này đã là 4 giờ sáng. Chợ sắp vãn. Hàng sót lại có nguy cơ ế, vì không bảo quản được lâu. Đúng thời khắc đó, những vị khách dáng vẻ nhà quê xuất hiện, nhẹ nhàng ra giá mua sạch toàn bộ lượng hàng còn lại, số lượng lên tới hàng chục tấn. Giá, dĩ nhiên lúc đó chỉ còn bằng một nửa, hoặc ít hơn. Khách mua cũng hài lòng mà chủ chành cũng vui vẻ, lắm lúc khuyến mãi cả công bốc xếp.
Nhưng vì sao những người chỉ bán mỗi ngày chừng 2 lồng trái cây lại có thể mua hàng với số lượng lớn như vậy?
Đằng sau lưng của ba vị khách nghèo này là một đội quân lên đến hàng trăm, thậm chí đến cả ngàn người, đang chờ họ phía ngoài chợ. Trong lúc 3 người khách đi dạo giá và lựa hàng bên trong chợ, thì bên ngoài, hàng đoàn người, kẻ xe đạp, người xe máy, xe ba gác, đang ngáp ngắn ngáp dài Họ có mặt từ lúc 3 giờ sáng. Anh Bưởi là một trong 3 người được họ tin cậy, giao cho công việc chọn hàng, ngã giá, để một khi xong xuôi, hàng được mua, hàng trăm con người ấy bỗng bừng tỉnh, xúm nhau đến chia hàng một cách rất có trật tự. 4 giờ sáng mua hàng, 5 giờ sáng phân chia xong, ai lại túa ra về nhà nấy, để chuẩn bị cho một hành trình bán hàng mới.
Chủ chành Hồng Huế ở chợ Tam Bình là một cô gái còn khá trẻ, tên Ly. Hơn 10 năm lăn lộn trong nghề bán trái cây, mỗi đêm thu về hàng trăm triệu đồng, Ly cho biết về nghệ thuật bán hàng, cô khâm phục nhất là những người bán hàng rong này. Mua tận gốc với giá cực rẻ, bán tận ngọn với giá cao, và trong quá trình đó, những người bán rong lại làm thêm một bước nữa là “tân trang” hoặc “lên đời” cho loại trái cây mình đang bán. Chẳng hạn, một kí nho giá các tiểu thương mua 100.000 đồng, bán 150.000 đồng, thì họ chỉ mua với giá 50.000 đồng. Như vậy, lợi nhuận bán ra lúc này là 300%, chưa kể việc “hô” nho Trung Quốc thành nho Mỹ, hay có thể cân thiếu đi chút đỉnh.
Những gánh hàng rong len lỏi khắp các đường phố và ngõ hẻm Sài Gòn khiến cho không ít các vị khách quốc tế ngạc nhiên đến thú vị. Giáo sư Paolo Catasti, một chuyên gia về chiến lược và tiếp thị, là người cùng với 2 đồng nghiệp quốc tế khác đang nghiên cứu các mô hình kinh doanh thành công của một số công ty Việt Nam để đưa vào giảng dạy trong giáo trình đại học quốc tế. Dạn dày kinh nghiệm là thế, nhưng ông lại cảm thấy ngạc nhiên về các hình thức bán hàng rong ở trên đường phố Sài Gòn. Giữa những con phố luôn nghìn nghịt xe cộ, những gánh hàng rong, đôi khi chỉ là một mẹt trái cây, dăm ba chai nước, đôi ba loại bánh, cũng thu hút khách, và cũng đủ nuôi sống bản thân và gia đình.
Như trường hợp của anh Bưởi, ông không thể nào lí giải hình dung ra được. Nếu biết được, hẳn ông sẽ có một điển cứu còn hay hơn mô hình kinh doanh của những người bán hàng vĩ đại trên thế giới. Anh Bưởi là người lãnh đạo của một đội quân hàng rong lên đến cả nghìn người. Mua tận gốc, bán tận ngọn, lợi nhuận 300%, lại không phải thuê mặt bằng hay đóng thuế. Chỉ có điều, anh Bưởi là siêu tiểu thương, nhưng nếu họ hợp lại thành một “tập đoàn”, hẵn đây sẽ là một doanh nghiệp làm ăn cực kỳ hiệu quả, lợi nhuận sẽ cực lớn.
Tết nay, dù khó, anh Bưởi vẫn về quê ở Quảng Ngãi. Từ lồng trái cây của anh, năm nay, vợ con anh sẽ vẫn được xôm tụ nào quần áo, nào bánh kẹo. Có điều, dường như năm nay, tóc anh bạc nhiều hơn, nhưng anh nhất quyết phải dành ra vài hôm để làm mấy cuộc cờ, bù lại cả năm thiếu vắng.