Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Chuyện dài thiếu vốn – thiếu điện

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Chuyện dài thiếu vốn – thiếu điện

Công nhân bảo trì lưới điện ở TPHCM – Ảnh: Lê Toàn

(TBKTSG) – Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vài tuần qua đã phát đi thông điệp là năm nay EVN gặp khó khăn trong việc thu xếp nguồn vốn cho ít nhất 10 dự án nguồn điện đang xây dựng do các ngân hàng siết chặt tín dụng để góp phần kiềm chế lạm phát.

Vì vậy, việc thiếu điện trong thời gian tới vẫn là điều bất khả kháng. Liệu EVN đã thực sự hết cách trong việc tìm vốn cho các dự án nguồn điện?

Có phải vì thiếu vốn?

Thiếu vốn không phải là vấn đề mới trong quá trình phát triển của EVN. Trước đây, EVN cũng đã nhiều lần lên tiếng sở dĩ phải tăng giá bán điện là do sức ép của các nhà tài trợ cho vay vốn từ bên ngoài: nếu không tăng giá bán điện thì khả năng trả nợ sẽ không khả thi. Chỉ khoảng ba năm nay, lập luận này mới không còn được sử dụng nữa.

Có một thực tế không thể phủ nhận là các công trình xây dựng điện luôn bị chậm tiến độ, mà nguyên nhân không phải là thiếu vốn.

Trước đây, để đẩy nhanh việc xây dựng các công trình điện, Thủ tướng Chính phủ đã cho EVN một cơ chế “đặc cách” bằng Quyết định 797, theo đó cho phép áp dụng hình thức chỉ định tổng thầu xây lắp.

Thêm vào đó, Thủ tướng lại có thêm Quyết định 1195 quy định một số cơ chế chính sách đặc thù để đầu tư xây dựng công trình điện cấp bách giai đoạn 2006-2010. Theo quy định này, một loạt các dự án điện đều được hưởng các cơ chế đặc thù về thủ tục chuẩn bị đầu tư, lựa chọn nhà thầu, nguồn vốn…

Thực tế cũng cho thấy trong những năm trước đây, tình trạng “vốn chờ công trình” xảy ra ở hầu hết các dự án ngành điện.

Khi ấy, lý do được đưa ra chủ yếu là những khó khăn trong giải phóng mặt bằng. Cho đến nay, chưa có những phân tích, đánh giá cụ thể việc chậm tiến độ này bao nhiêu phần trăm là do giải phóng mặt bằng, bao nhiêu phần trăm là do lãnh đạo EVN đã mất thời gian tìm kiếm “đối tác chiến lược” hay đầu tư vào các dự án khác ngoài ngành điện theo lời mời của một số địa phương.

Có nhiều ý kiến cho rằng nếu EVN có kinh nghiệm hơn, chuyên nghiệp hơn trong việc chuẩn bị và xây dựng các dự án, thì có lẽ việc thiếu vốn sẽ không trầm trọng như hiện nay.

Báo cáo mới nhất của EVN cho thấy, năm 2008, EVN có nguy cơ thiếu 9.046,55 tỉ đồng vốn vay và trái phiếu. EVN lập luận rằng thiếu hụt nguốn vốn đồng nghĩa với việc tiến độ của 10 dự án thủy điện, với tổng công suất 2.443 MW, tương đương gần 11 tỉ kWh, sẽ bị lùi tối thiểu một năm.

Xung đột lợi ích

Trước tình hình thiếu vốn có thể xảy ra, EVN báo cáo là đã có buổi làm việc với bốn ngân hàng thương mại Vietcombank, Vietinbank, BIDV, Agribank về vấn đề bảo đảm giải ngân cho các hợp đồng tín dụng đã ký cho các dự án đang thi công. Thông tin cho biết các ngân hàng đề nghị EVN giãn tiến độ thi công, chỉ ưu tiên vốn cho các công trình trọng điểm do nguồn vốn hiện rất eo hẹp.

Với tình hình trên, EVN cho rằng các dự án có nguy cơ đình trệ và sẽ dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng trong việc bảo đảm điện năm 2008, 2009 và các năm sau. Nhưng những người quan tâm đến ngành điện sẽ đặt câu hỏi liệu EVN đã nỗ lực hết sức trong việc huy động vốn phát triển nguồn điện hay chưa. Hoặc có lý do nào khác ngoài lý do thiếu vốn khiến các ngân hàng thương mại nhà nước không muốn cho EVN vay hay không?

Mặc dù bốn ngân hàng thương mại nhà nước luôn đi cùng với EVN trong việc xây dựng các dự án điện, nhưng khi tìm một đối tác chiến lược, EVN lại tìm đến một ngân hàng cổ phần. Liệu bốn ngân hàng quốc doanh có khỏi bị “chạnh lòng” khi chứng kiến khách hàng lâu đời của mình đi tìm đối tác chiến lược với một ngân hàng khác, về mặt lý thuyết là đối thủ cạnh tranh của mình. Bốn ngân hàng trên cũng có quyền đặt câu hỏi, nếu quả thật là EVN đang thiếu vốn đầu tư, vậy đối tác chiến lược của EVN đã làm gì để giải quyết khó khăn hiện nay cho EVN?

Trong nền kinh tế thị trường có sự cạnh tranh sòng phẳng, rất có thể bốn ngân hàng thương mại sẽ ngưng tài trợ cho các dự án của EVN khi EVN bắt tay với đối thủ cạnh tranh của họ để trở thành đối tác chiến lược, dành những ưu đãi cho nhau, tạo ra xung đột lợi ích.

Họ có thể nghĩ rằng với những dự án cần nhiều vốn, thời gian thu hồi vốn lâu, EVN sẽ đàm phán với các ngân hàng thương mại nhà nước, còn các dự án được đánh giá là có nhiều lợi nhuận hơn về mặt ngắn hạn, như viễn thông, bất động sản, khai thác mỏ, xây dựng khu nghỉ dưỡng… EVN sẽ hợp tác với ngân hàng đối tác chiến lược.

Tháng 10 năm ngoái, chủ tịch hội đồng quản trị của ngân hàng đang là đối tác chiến lược của EVN đã phát biểu trên tạp chí Điện lực do EVN xuất bản là ngân hàng này, với sự hỗ trợ từ phía cổ đông chiến lược là EVN, đang xúc tiến việc đầu tư tại Lào, Campuchia với việc trở thành cổ đông của các công ty cổ phần EVN Lào và EVN Campuchia, đầu tư và phát triển các công trình thủy điện, các hoạt động viễn thông, lâm nghiệp và khai thác mỏ trên toàn quốc cũng như tại các nước ASEAN.

Như vậy, nếu những thông tin trên là đúng sự thật, thì việc thiếu vốn của EVN hiện nay có cơ hội được giải quyết phần nào nếu EVN tạm thời đình chỉ các dự án ở “Lào, Campuchia và các nước Asean”. Nếu không thu xếp được, có lẽ đến lúc cần xem lại thực chất của mô hình hợp tác theo kiểu đối tác chiến lược mà một loạt các tập đoàn nhà nước rầm rộ ký với các tập đoàn tư nhân trong thời gian qua là thế nào.

THÁI THANH

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới