Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Chuyển đổi doanh nghiệp FDI còn nhiều vướng mắc

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Chuyển đổi doanh nghiệp FDI còn nhiều vướng mắc

(TBKTSG)- Mặc dù thời hạn chót (hết tháng 7-2008) cho việc đăng ký lại/chuyển đổi doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ở Việt Nam đã đến gần, nhưng theo ghi nhận của các cơ quan chức năng, hiện mới chỉ có gần 2% trong số hơn 6.000 doanh nghiệp đã đăng ký lại/chuyển đổi doanh nghiệp.

Mặc dù hành lang pháp lý về vấn đề này đã có nhưng còn nhiều vấn đề ảnh hưởng đến quyết định đăng ký lại/chuyển đổi của chủ đầu tư chưa được quy định đã tác động trực tiếp đến tiến độ dự kiến.

Thứ nhất, việc đăng ký lại, chuyển đổi doanh nghiệp làm thay đổi về mặt bản chất các quan hệ nội bộ và hoạt động sản xuất, kinh doanh thực tế của doanh nghiệp FDI, trong khi nhiều doanh nghiệp ngại có sự thay đổi. Việc đăng ký lại/chuyển đổi doanh nghiệp cũng có thể kéo theo sự thay đổi trong toàn bộ kết cấu nội bộ doanh nghiệp được Luật Đầu tư cũ điều chỉnh như quản trị, điều hành, kiểm soát nội bộ, cơ cấu, tỷ lệ tham gia hội đồng quản trị, ban điều hành… Ngoài ra, việc đăng ký lại/chuyển đổi doanh nghiệp còn kéo theo nhiều vấn đề liên quan đến các chi nhánh, trung tâm, cửa hàng trực thuộc.

Thứ hai, việc đăng ký lại/chuyển đổi doanh nghiệp tất yếu dẫn đến việc điều chuyển vốn, tài sản, đăng ký tài sản, xác định lại giá trị quyền sử dụng đất, cổ phần, tỷ lệ tham gia, phân bổ nguồn lực… Đó là những điều các bên trong liên doanh, các cổ đông trong công ty cổ phần không dễ đàm phán lại khi mà giá trị dự án, giá trị doanh nghiệp đã có những thay đổi so với khi mới đầu tư hay thành lập doanh nghiệp.

Thứ ba, đối với doanh nghiệp FDI, các vấn đề liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ là rất quan trọng. Đó là yếu tố sống còn của nhiều doanh nghiệp. Việc đăng ký lại/chuyển đổi doanh nghiệp dẫn đến việc doanh nghiệp FDI phải làm các thủ tục pháp lý để xác lập lại, điều chỉnh bổ sung quyền sở hữu trí tuệ của họ. Đối với pháp luật về sở hữu trí tuệ thì thực hiện điều này là không đơn giản.

Thứ tư, mặc dù Nghị định số 101 (quy định việc đăng ký lại/chuyển đổi và đăng ký đổi giấy chứng nhận đầu tư của các doanh nghiệp FDI) cho phép kế thừa hợp đồng lao động, nhưng rất nhiều yêu cầu của pháp luật lao động liên quan đến việc xác định các vấn đề về quan hệ pháp lý, chế độ, quyền lợi giữa người lao động và doanh nghiệp. Do đó, khi đăng ký lại/chuyển đổi thì các doanh nghiệp FDI phải lập phương án chuyển đổi lao động, thiết lập quan hệ lao động và ràng buộc các cam kết về trách nhiệm, nghĩa vụ với chủ thể mới (chủ thể được đăng ký, chuyển đổi). Đối với các doanh nghiệp có nhiều lao động thì đây thực sự là một thách thức.

Thứ năm, hồ sơ, trình tự, thủ tục, điều kiện, quyền và nghĩa vụ khi đăng ký lại/chuyển đổi doanh nghiệp FDI theo quy định tại chương 2, Nghị định số 101 còn rất nhiều điểm chưa rõ ràng và không thống nhất với các quy định về quản lý doanh nghiệp khác như số giấy phép, mã số thuế, con dấu, tài khoản ngân hàng, sở hữu trí tuệ…

Khoản 3, điều 7 và khoản 3, điều 12 Nghị định số 101 quy định trường hợp doanh nghiệp FDI yêu cầu điều chỉnh các nội dung liên quan đến đăng ký kinh doanh và dự án đầu tư thì “trong hồ sơ còn bao gồm các tài liệu pháp luật quy định tương ứng với nội dung điều chỉnh”. Rõ ràng đây là các quy định không cụ thể và gây khó cho doanh nghiệp.

Theo quy định, doanh nghiệp FDI được kế thừa tên, con dấu, tài khoản, mã số thuế nhưng đây là quy định không thống nhất với luật quản lý thuế về chế độ kê khai thuế (mỗi loại hình doanh nghiệp khi thành lập, chuyển đổi phải thực hiện chế độ kê khai, kê khai lại), hình thức doanh nghiệp thay đổi dẫn đến việc cơ quan công an yêu cầu doanh nghiệp phải thay đổi con dấu theo các quy định về cấp và quản lý con dấu…

Đối với các doanh nghiệp, cơ hội kinh doanh là quan trọng, do đó khi đăng ký lại tất yếu sẽ mất thời gian, mất cơ hội kinh doanh. Nếu đã có các hợp đồng, dự án, kế hoạch kinh doanh đang triển khai thì riêng việc thông báo cho các đối tác biết việc đăng ký lại, chuyển đổi để thiết lập lại hợp đồng, xác định lại tư cách chủ đầu tư cũng là những vấn đề không dễ.

Trên đây là một số vấn đề được đặt ra khi quy định các doanh nghiệp FDI đăng ký lại/chuyển đổi hình thức.

Trong khi đó, cả Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư và các văn bản hướng dẫn không có quy định nào giải quyết được các vấn đề phát sinh, gắn chặt với hậu quả pháp lý và quyền lợi rất lớn kể trên, mặc dù các doanh nghiệp đều nhận thức được những rủi ro có thể xảy ra khi không thực hiện các quy định về đăng ký lại/chuyển đổi này.

Một trong những giải pháp quan trọng được đưa ra lúc này là gia hạn thời gian đăng ký lại/chuyển đổi doanh nghiệp, đồng thời sửa đổi, bổ sung Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Nghị định số 101 theo hướng cho phép doanh nghiệp được hưởng đầy đủ các quyền trong giấy phép đầu tư cũ, đồng thời được hưởng quyền mở rộng phạm vi, ngành nghề kinh doanh theo Luật Doanh nghiệp 2005, Luật Đầu tư 2005.

Ths. BÙI THANH LAM 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới