Thứ Bảy, 5/10/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Chuyển đổi khoản vay nước ngoài thành vốn góp: Luật có, nhưng làm thì khó

Lưu Minh Sang (*) - Nguyễn Đình Thức (**)

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Thông qua việc phản ánh một “lát cắt” về quy định và thực tiễn liên quan đến chuyển đổi khoản vay thành vốn góp trong doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) để thấy rằng, thể chế và pháp luật điều chỉnh hoạt động thu hút vốn FDI vào Việt Nam vẫn cần tiếp tục rà soát và cải cách.

Câu chuyện của một doanh nghiệp FDI

Công ty A là một doanh nghiệp FDI tại Việt Nam. Trong quá trình triển khai dự án đầu tư, A có nhu cầu tăng vốn đầu tư cho dự án để phù hợp với sự thay đổi của bối cảnh thị trường và nền kinh tế. Nhu cầu này khá cấp bách, buộc phải có vốn trong thời gian ngắn.

Tuy nhiên, nếu tiến hành thủ tục tăng vốn thông qua việc rót vốn từ nước ngoài vào thì phải trải qua một quy trình pháp lý dưới sự điều chỉnh của pháp luật đầu tư và ngoại hối(1). Thời gian cần thiết để hoàn thành quy trình này mất khoảng 10-15 ngày theo quy định, nhưng trên thực tế có thể kéo dài hàng tháng(2).

Giải pháp này không phù hợp trong bối cảnh thực tế của A. Thay vào đó, A đã ký hợp đồng vay vốn ngắn hạn nước ngoài để giải quyết nhanh chóng nhu cầu về vốn(3). Bởi lẽ, quy trình pháp lý để thực hiện nhận tiền từ một khoản vay ngắn hạn nước ngoài nhanh chóng hơn. Sau đó, A mới tiến hành thủ tục chuyển đổi khoản vay thành vốn góp để tăng vốn. Trên thực tiễn, đây cũng là một giải pháp khả thi và được nhiều doanh nghiệp FDI tương tự A lựa chọn khi cần một khoản tiền nhanh chóng.

Tuy nhiên, quá trình thực hiện việc chuyển đổi khoản vay nước ngoài thành vốn điều lệ hay vốn góp lại không phải là một điều dễ dàng, vì những khoảng trống của pháp luật hiện hành và bất cập trong quá trình áp dụng pháp luật.

Khoảng trống của pháp luật doanh nghiệp

Theo quy định tại điều 34.2 của Thông tư 12/2022/TT-NHNN, doanh nghiệp FDI khi đã nhận khoản vay từ cổ đông hay thành viên góp vốn nước ngoài không phải trả nợ thông qua tài khoản vay, trả nợ nước ngoài khi có thỏa thuận chuyển đổi dư nợ thành cổ phần hoặc phần vốn góp trong doanh nghiệp FDI. Như vậy, thông qua quy định nêu trên, pháp luật ngoại hối đã cho phép và thừa nhận việc chuyển đổi khoản vay mà nhà đầu tư ngoại đã cấp thành vốn điều lệ của doanh nghiệp FDI.

Khi thừa nhận được phép chuyển đổi dư nợ vay thành vốn góp thì cũng nên hiểu là đã thừa nhận việc chuyển đổi cả tiền gốc lẫn tiền lãi thành vốn góp (nếu các bên có thỏa thuận) thay vì chỉ chuyển đổi tiền gốc.

Sau khi thỏa thuận xong việc chuyển đổi, doanh nghiệp FDI sẽ thực hiện các thủ tục để tăng vốn điều lệ với sở kế hoạch và đầu tư cấp tỉnh. Thực tế chúng tôi nhận thấy một số sở kế hoạch và đầu tư đã từ chối các hồ sơ có ghi rõ nội dung hình thành nguồn vốn góp là từ “chuyển đổi dư nợ nước ngoài thành vốn góp”. Lý do được đưa ra là Luật Doanh nghiệp không có quy định cụ thể về việc tăng vốn điều lệ nếu nguồn vốn do chuyển đổi dư nợ thành vốn góp mà có.

Đối chiếu với quy định của Luật Doanh nghiệp, ứng với mỗi loại hình doanh nghiệp thì đều có quy định về tăng vốn điều lệ(4). Mặc dù không có trường hợp tăng vốn điều lệ từ việc chuyển đổi khoản vay được cấp bởi thành viên góp vốn hay cổ đông, nhưng Luật Doanh nghiệp cũng có những quy định mở về hình thức tăng vốn, đơn cử trường hợp chủ sở hữu trong công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên được quyết định hình thức tăng và mức tăng vốn điều lệ.

Do đó, chúng tôi cho rằng việc từ chối nêu trên của sở kế hoạch và đầu tư là chưa phù hợp và mang tính “cứng nhắc” khi áp dụng pháp luật. Một trong những nguyên nhân dẫn đến sự cứng nhắc này là do các văn bản hướng dẫn Luật Doanh nghiệp và hệ thống biểu mẫu liên quan không có nội dung nào đề cập đến trường hợp tăng vốn loại này dù pháp luật ngoại hối đã có quy định.

Ứng xử thế nào với khoản lãi vay?

Hiện nay, để kiểm soát dòng tiền ngoại hối đầu tư vào Việt Nam, nhà đầu tư nước ngoài phải chuyển tiền góp vốn vào “tài khoản vốn đầu tư trực tiếp” do doanh nghiệp FDI đứng tên khi thực hiện góp vốn (theo điều 4.3 của Thông tư 06/2019/TT-NHNN). Đây là nguyên tắc chung đối với việc quản lý ngoại hối hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam. Do đó, việc góp vốn bằng hình thức chuyển đổi khoản vay cũng phải tuân thủ nguyên tắc này.

Vấn đề trở nên phức tạp hơn khi các bên thỏa thuận chuyển đổi cả khoản gốc và lãi liên quan đến khoản vay thành vốn góp. Đối với khoản nợ gốc, thông thường doanh nghiệp FDI sẽ nhận từ nhà đầu tư nước ngoài thông qua tài khoản đầu tư trực tiếp, nên khi chuyển khoản này thành vốn góp hoàn toàn tuân thủ nguyên tắc nêu trên.

Trong khi đó, khoản tiền lãi lại phát sinh trên lãnh thổ Việt Nam, thuộc về nghĩa vụ chi trả của doanh nghiệp FDI cho nhà đầu tư nước ngoài. Nếu thực hiện chuyển đổi khoản tiền lãi thành vốn góp cùng với tiền gốc thì sẽ vi phạm nguyên tắc. Pháp luật hiện hành dường như không đề cập đến trường hợp này.

Trên thực tế, vì thiếu quy định nên nhiều doanh nghiệp FDI khá dè dặt trong việc thực hiện chuyển đổi, nên chỉ chuyển đổi khoản tiền gốc thành vốn góp và hoàn trả lại tiền lãi cho nhà đầu tư nước ngoài. Điều này làm phát sinh thêm chi phí cho doanh nghiệp và đi ngược lại với chính sách thu hút vốn của nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

Xét bản chất của hợp đồng vay tiền, chúng tôi cho rằng tiền lãi cũng là một phần của dư nợ phát sinh từ hợp đồng vay. Do đó, khi thừa nhận được phép chuyển đổi dư nợ vay thành vốn góp thì cũng nên hiểu là đã thừa nhận việc chuyển đổi cả tiền gốc lẫn tiền lãi thành vốn góp (nếu các bên có thỏa thuận). Chúng tôi cho rằng cần xem xét bổ sung quy định ngoại lệ tại Thông Tư 06/2019/TT-NHNN, rằng việc góp vốn đầu tư bằng việc chuyển đổi dư nợ vay (bao gồm tiền gốc và tiền lãi) không cần phải thông qua tài khoản vốn đầu tư trực tiếp của doanh nghiệp FDI.

Theo thông tin Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đưa ra trong buổi họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội quí 2 và sáu tháng đầu năm 2023 tại Hà Nội vào ngày 29-6-2023, vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trong nửa năm đầu 2023 đạt hơn 13,43 tỉ đô la Mỹ, bằng 95,7% so cùng kỳ và tăng ba điểm phần trăm so với năm tháng đầu năm. Trong đó, có 1.293 dự án mới được cấp phép với tổng vốn đăng ký đạt hơn 6,49 tỉ đô la, tăng 71,9% về số dự án và tăng 31,3% về số vốn.

Như vậy, Việt Nam hiện vẫn được xem là một thị trường có nhiều tiềm năng phát triển và thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Bên cạnh các yếu tố về tiềm năng tự nhiên, con người thì tiếp tục cải cách quy định pháp luật và nâng cao năng lực cạnh tranh là một trong những công việc quan trọng trong chiến lược thu hút đầu tư nước ngoài.

(*) Trường Đại học Kinh tế - Luật, ĐHQG TPHCM
(**) Luật sư, Đoàn luật sư TPHCM
(1) Điều 4.1 của Thông tư 06/2019/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn về quản lý ngoại hối đối với hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam; điều 47.2 và 66.3 của Nghị định 31/2021/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn Luật Đầu tư.
(2) Điều 47.2 và 66.3 của Nghị định 31/2021/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn Luật Đầu tư.
(3) Từ ngày 15-8-2023, theo quy định tại Thông tư 08/2023/TT-NHNN, bên đi vay chỉ được sử dụng vốn vay ngắn hạn nước ngoài để cơ cấu lại các khoản nợ nước ngoài và thanh toán các khoản nợ ngắn hạn phải trả bằng tiền (không bao gồm các khoản nợ gốc của khoản vay trong nước) của bên đi vay. Ngoài mục đích vừa nêu, bên đi vay thuộc đối tượng phải đảm bảo các chỉ tiêu an toàn tài chính theo pháp luật chuyên ngành được sử dụng vốn vay ngắn hạn nước ngoài để phục vụ hoạt động nghiệp vụ của bên đi vay có thời hạn sử dụng vốn không quá 12 tháng kể từ thời điểm rút vốn khoản vay nước ngoài.
(4) Điều 68, 87, 123.4 của Luật Doanh nghiệp 2020.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới