Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Chuyển đổi số là ‘áo giáp’ giúp doanh nghiệp vượt khó thời dịch bệnh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Chuyển đổi số là ‘áo giáp’ giúp doanh nghiệp vượt khó thời dịch bệnh

Vân Ly

(KTSG Online) – Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 ngày càng gây ra những tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất – kinh doanh, các doanh nghiệp phải nỗ lực xoay xở, chống chọi để tồn tại bằng mọi cách. Trong đó, các giải pháp về chuyển đổi số đã được vận dụng để giúp các tổ chức, đơn vị đi qua thời kỳ khó khăn.

Chuyển đổi số là 'áo giáp' giúp doanh nghiệp vượt khó thời dịch bệnh
Chuyên gia công nghệ cho rằng chuyển đổi số là một trong những cách thức để giúp doanh nghiệp vượt qua Covid-19. Ảnh minh họa: TTXVN

Chuyển đổi số là giải pháp cần thiết

Ông Vũ Anh Tú, Giám đốc công nghệ của Tập đoàn FPT cho biết chuyển đổi số không chỉ giúp công ty vững vàng trong đại dịch mà còn cùng doanh nghiệp vượt khó, bứt phá.

Chia sẻ kinh nghiệp của tập đoàn mình, ông Tú cho biết, khi đại dịch Covid bùng phát, ngay những ngày đầu đại dịch, đứng trước khó khăn, FPT đã quyết tâm không thay đổi kế hoạch kinh doanh. FPT tin tưởng nhất định sẽ đạt mục tiêu, nhờ sức mạnh công nghệ và nguồn lực con người. “Nhưng điều đó cũng đặt ra bài toán khó cho giám đốc công nghệ của tập đoàn và các công ty thành viên là phải nhanh chóng tìm cách ứng dụng công nghệ để cắt giảm, tiết kiệm chi phí, tăng hiệu quả kinh doanh,” ông Tú nói.

Để "hóa giải" áp lực đó, FPT đã triển khai hai hướng đi trọng yếu. Một là thiết lập hệ thống liên lạc nội bộ cho gần 40.000 cán bộ, nhân viên để dễ dàng trao đổi, tương tác, cho dù làm việc ở bất kỳ đâu. Hai là đồng bộ dữ liệu của cả công ty, để tất cả nhân viên và lãnh đạo có thể theo dõi được công việc, thông suốt trong toàn tập đoàn.
Nhờ thực hiện kế hoạch trên mà ông Tú cho biết ngay trong những ngày dịch, FPT vẫn tổ chức được nhiều hội nghị từ xa với khách hàng. Chia sẻ kinh nghiệm đến cộng đồng doanh nghiệp Việt, cùng vượt qua khó khăn và tăng trưởng tốt như kế hoạch ban đầu.

Trong năm 2020, FPT đã triển khai 31 dự án chuyển đổi số nội bộ liên quan đến tự động hóa, số hóa quy trình nghiệp vụ; quản lý chăm sóc khách hàng; quản lý nhân sự…. trên quy mô toàn tập đoàn và công ty thành viên.
Việc số hóa 1,2 triệu yêu cầu nội bộ, tương đương 5,6 triệu tác vụ đã giúp FPT giảm được 65% thời gian trung bình xử lý quy trình nội bộ, tăng 150% năng suất khối hỗ trợ quản lý.

Ông Tú cho biết, việc ứng dụng công nghệ RPA, OCR… giúp một ngân hàng của Việt Nam giảm 80% thời gian chờ đợi của khách hàng khi thực hiện khoản vay, giảm 60% nhân lực xử lý khoản vay. Trước đây, một khoản vay thực hiện mất 30 phút thì nay giảm xuống còn 5 phút.

Giải pháp thích hợp trong thời điểm cần hạn chế tiếp xúc

Cũng nhằm đáp ứng nhu cầu giải đáp thắc mắc ngày càng nhiều của khách hàng, trong bối cảnh dịch bệnh cần hạn chế tiếp xúc đồng thời tối ưu hóa bộ máy, một số doanh nghiệp đang lựa chọn giải pháp tổng đài ảo để thay thế cho đội ngũ lao động.

Ngân hàng SeABank gần đây đã đưa hệ thống trợ lý ảo tổng đài, ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), đi vào hoạt động. Tổng đài ảo cũng được kỳ vọng sẽ đáp ứng sự gia tăng nhanh chóng của hơn 1,6 triệu người dùng sử dụng các sản phẩm và dịch vụ của ngân hàng.

Với khả năng thực hiện hàng ngàn cuộc hội thoại đồng thời, trợ lý ảo tổng đài là giải pháp giúp SeABank hiện thực hóa hành trình chuyển đổi số, đồng thời mang tới cho khách hàng được giải đáp thắc mắc tức thì, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 cần hạn chế tiếp xúc.

Bà Lê Thu Thủy, Tổng giám đốc SeABank nói rằng SeABank đã đầu tư nền tảng trí tuệ nhân tạo AI là ứng dụng tài chính SeAMobile cũng như áp dụng AI trong quá trình vận hành nghiệp vụ. "Việc triển khai trợ lý ảo tổng đài để nâng cao chất lượng dịch vụ và phục vụ khách hàng tốt hơn và tối ưu hóa vận hành", bà nói.

Trong khi đó, Công ty Tài chính TNHH Một Thành viên Home Credit Việt Nam (Home Credit) đã sử dụng giải pháp trợ lý ảo tổng đài để có thể tiếp nhận và xử lý hàng ngàn cuộc gọi cùng một lúc. Hệ thống này được phát triển trên nền tảng công nghệ AI, có khả năng đàm thoại hai chiều tự động với hàng chục ngàn khách hàng mỗi ngày.

Đại diện Home Credit Việt Nam cho biết: “Việc triển khai tổng đài thông minh cho phép Home Credit Việt Nam tiếp cận và phục vụ một số lượng khách hàng lớn hơn trong cùng một khoảng thời gian, đồng thời nâng cao chất lượng dịch vụ và trải nghiệm khách hàng”.

Thực tế cho thấy, trong bối cảnh dịch bệnh cần hạn chế tiếp xúc, nhưng các doanh nghiệp vẫn cần phải thực hiện kí kết các hợp đồng hợp tác kinh doanh. Do đó các công ty như Telehouse Vietnam, Vinamilk, Vietjet Air, 247Express, Ford Việt Nam, Be Group, VietBank, Aizen Credit, Newviet Dairy, Yobe… đã chọn sử dụng giải pháp ký kết hợp đồng điện tử để cho hoạt động này được thông suốt.

Giải pháp ký kết hợp đồng điện tử cho phép các doanh nghiệp khởi tạo, tự thiết lập luồng xem xét và ký điện tử. Doanh nghiệp không mất chi phí in ấn, chuyển phát cũng như lưu trữ hợp đồng so với phương thức ký truyền thống. Giải pháp này còn loại trừ rủi ro thất lạc hợp đồng, do vậy không làm gián đoạn việc ký kết vì bất cứ lý do khách quan nào.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới