Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Chuyển đổi số quốc gia: Hãy bắt đầu bằng định danh điện tử

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Chuyển đổi số quốc gia: Hãy bắt đầu bằng định danh điện tử

Hiệu Minh

(TBKTSG) – Sau Tết 2020, tôi phải đổi chứng minh thư đã dùng 15 năm có lẻ, người trong ảnh và người trong đời thực khác nhau rất nhiều do tuổi tác, chưa kể địa chỉ lưu trú cũng thay đổi do vài lần chuyển nhà. Nhưng có hai thứ không bao giờ thay đổi: đó là vân tay, giới tính và ngày tháng năm sinh.

Chuyển đổi số trong doanh nghiệp, khó nhất là thay đổi tư duy

Chính phủ kêu gọi doanh nghiệp tham gia chuyển đổi số

Tôi ra quận để đổi chứng minh thư thành căn cước công dân với hy vọng dịch vụ sẽ nhanh chóng vì mẫu khai có trên mạng. Nhưng rồi phải kê khai hồ sơ trên giấy, mang theo hộ khẩu và như 15 năm trước tôi từng làm chứng minh thư, tất cả bằng tay, không có bước nào được điện tử hóa.

Cô trung sỹ công an dường như đã quen với cảnh công dân… hơi “lọng cọng” nên hướng dẫn, từ viết lách đến ngắm nhìn khuôn mặt rồi tìm đặc điểm nhận dạng “có nốt ruồi bên mép phải”.

Cuối cùng sau bốn lần đi lại như con thoi, sau hai tháng tôi nhận thẻ căn cước công dân mới toanh. Không hiểu khi chuyển thành thẻ e-ID (điện tử) tôi có phải làm lần nữa hay không. Điều gì sẽ xảy ra nếu tôi ra trung tâm làm đẹp và được cô nhân viên xinh đẹp trẻ hơn tôi nửa thế kỷ, thẽ thọt, anh tẩy nốt ruồi bên mép mà tướng số gọi là “vạ miệng” sẽ trông trẻ hơn.

Hồi tháng 5 năm ngoái, có chuyên gia e-Gov của Estonia tới giúp Việt Nam về e-Cabinet. Tôi nhớ lúc anh bầu cử bằng điện thoại thông minh khi ngồi tại Văn phòng Chính phủ ở số 1 Hoàng Hoa Thám. Chỉ cần 5 phút anh đã thực hiện xong quyền công dân cách xa nửa vòng trái đất với cái thẻ e-ID mà công dân Estonia nào cũng có. Bầu cử “anywhere any time” hay dùng dịch vụ công một cách toàn diện trực tuyến như Estonia là do họ có e-ID – thẻ định danh điện tử.

Thế giới đã đi rất xa bằng trực tuyến, còn ta vẫn thao tác bằng tay kèm máy tính.

Dịch vụ công đã thế, dịch vụ tư cũng không hơn. Thẻ ATM của tôi hết hạn phải đổi, nhưng phải đợi căn cước công dân mới để làm luôn một thể. Gọi điện cho ngân hàng và hỏi có thể đổi tự động trực tuyến được không thì cô trực tổng đài nói “bác phải ra chi nhánh gần nhà, không thể trực tuyến được ạ”. Phải có mặt, có chứng minh thư, có chữ ký của người bằng xương bằng thịt mới được. Dường như không ai nghĩ đến chữ ký điện tử.

Sau 10 ngày chờ đợi, có thẻ mới phải kích hoạt thì anh phát thẻ bảo, bác ra rút thử đi, không phải đổi PIN (mật khẩu) đâu. Mình thử vài lần, nhập mật khẩu thành công nhưng “dịch vụ không thành công”. Vào hỏi thì bạn trẻ nói, bác đợi đến chiều thử lại xem. Nhưng vẫn không được khi thử vài cây ATM quanh nhà. Kết cục phải ra xin lại PIN và đợi 10 ngày nữa, nộp phí 10.000 đồng.

Căn cước công dân cần hai tháng, thẻ ATM đợi một tháng, tất cả thủ tục làm bằng tay có từ thế kỷ trước. Trong khi giờ là thời Covid-19 hoành hành, liệu có khâu nào được trực tuyến, giúp cho dân đỡ đi lại ngoài đường?

Tôi sống 12 năm bên Mỹ, một việc bắt buộc phải có mặt ở quầy là đổi bằng lái xe do tôi có visa G4 mà người Việt chỉ được một năm, nếu là công dân Mỹ có thể đổi trực tuyến. Còn thẻ tín dụng, ATM thì chưa bao giờ bên phát hành thẻ cần tôi ra quầy. Cái họ cần là địa chỉ nhà ở, số an sinh xã hội, thông tin trên bằng lái xe và số điện thoại liên lạc. Với ngần ấy thông tin mà họ gửi cho cái thẻ tín dụng với hạn mức 5.000 đô la/tháng không phải trả lãi trong một tháng.

Đó là vì thông tin về nhân thân của một người được điện tử hóa. Mỗi quốc gia số có cách làm riêng, ngày sinh, nơi sinh, thông tin nhân trắc học như vân tay, vân mắt, ảnh…, tất cả được nén trong một cái SIM trong cái card như thẻ căn cước công dân và những nơi cần giao dịch có máy đọc và so sánh với dữ liệu trung tâm, nếu khớp thì công dân có thể giao dịch trực tuyến một cách dễ dàng.

Theo tài liệu ID4D của Ngân hàng Thế giới, hiện có gần 1 tỉ người trên toàn cầu thiếu một hình thức định danh hợp pháp, 6,6 tỉ người còn lại có một số hình thức định danh, nhưng hơn một nửa không thể sử dụng một cách hiệu quả trong các hệ sinh thái số ngày nay.

Tại Việt Nam, việc xác thực danh tính người dân khi sử dụng dịch vụ dựa vào chứng minh thư, căn cước công dân hay các giấy tờ tùy thân khác, vẫn còn rất phổ biến, gây bất tiện cho người dân và giảm hiệu quả khi cung cấp dịch vụ, nhất là dịch vụ trực tuyến. Trong môi trường số thì xác thực phải là số.

Một người khi sinh ra ngày nào, sinh ra ở đâu, quốc tịch và giới tính hầu hết sẽ không thay đổi và sẽ theo suốt cuộc đời tới lúc rời bỏ thế giới này. Nhiều quốc gia như Mỹ, Canada hay Singapore dùng thông tin này cho định danh.

Về địa chỉ, có thể quản lý bằng luật. Ở Singapore, lang thang chỗ mới ba tháng thì được, nhưng sau ba tháng phải ra phường đăng ký. Ấn Độ quản lý bằng số liệu sinh trắc học như vân tay, vân mắt…, cũng được cả tỉ người đã được định danh cho giao dịch trực tuyến.

Bên Mỹ dùng bằng lái xe. Tới tiểu bang mới dùng bằng cũ vẫn được, nhưng sau ba tháng phải đổi bằng và đây chính là mấu chốt để quản lý địa chỉ lưu trú. Nhiều thông tin chéo khác như số xe phải có chủ, chủ phải có địa chỉ. Khi bán xe chủ xe cũ tháo luôn biển gửi cho cơ quan quản lý xe. Chủ mới phải ra đăng ký, lại hỏi địa chỉ nhà ở, chưa kể cho con đi học, mua bảo hiểm, không địa chỉ sao làm được.

Như vậy, muốn chuyển đổi số thành công thì ngoài hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông, luật về số hóa, chia sẻ dữ liệu, nâng cao kỹ năng cho con người và đầu tư đủ nguồn lực, thì mỗi công dân cần có một định danh điện tử để “sống và làm việc” trong môi trường số. Công dân thật ngoài đời và công dân “ảo” trên mạng phải có thông tin trùng lắp 100%. Định danh số, chữ ký số là chìa khóa cho xã hội chuyển đổi số khởi động.

Không làm được định danh điện tử thì mọi lời kêu gọi về chuyển đổi số chỉ nghe cho vui.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới