Thứ Năm, 18/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Chuyển đổi số trong doanh nghiệp, khó nhất là thay đổi tư duy

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Chuyển đổi số trong doanh nghiệp, khó nhất là thay đổi tư duy

Ngô Kiếm

(TBKTSG Onlne) – Tại hội thảo sáng nay (28-3), chủ đề “Kinh doanh thời chuyển đổi số với trí tuệ nhân tạo” do Thời báo Kinh tế Sài Gòn phối hợp với Trung tâm Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (TPHCM) tổ chức, nhiều đại diện doanh nghiệp có chung một câu hỏi, đó là làm thế nào để tham gia vào công cuộc chuyển đổi số trong khi trí tuệ nhân tạo (AI) không phải ai cũng có thể nắm bắt rõ bởi vì nó quá rộng, quá nhiều dữ liệu “số” cần giải mã.

Chuyển đổi số trong doanh nghiệp, khó nhất là thay đổi tư duy
Các đại biểu tham dự hội hảo “Kinh doanh thời chuyển đổi số với trí tuệ nhân tạo”. Ảnh: N.K

Trong thời kỳ kỷ nguyên số hiện nay, hầu hết con người đã sử dụng công nghệ số để giải quyết tất thảy các vấn đề của xã hội. Và trong lĩnh vực kinh tế – kinh doanh cũng vậy, công nghệ số dường như đã đóng vai trò then chốt trong việc phát triển cũng như thực hiện hoá chiến lược của mỗi doanh nghiệp.

Nhiều công ty công nghệ mọc lên như “nấm sau mưa”, có thể mới vừa thành lập cũng đã có khả năng cạnh tranh được với các công ty có tuổi đời hàng chục năm. Do vậy, ngay trong chính những doanh nghiệp lâu đời và những doanh nghiệp đang manh mún phát triển buộc phải chuyển đổi, đi theo con đường số hoá, phù hợp với xu thế trên toàn cầu.

Bản thân mỗi doanh nghiệp sẽ không còn những suy nghĩ như là “làm tới đâu hay tới đó”, “công nghệ số chưa đến lượt chúng ta” hay “chúng ta làm ăn ở quanh khu vực, đất nước mình là được rồi”… bởi thông qua công nghệ số, doanh nghiệp dù lớn hay nhỏ, một khi đã kết nối thì đã trở thành doanh nghiệp toàn cầu.

Trong nhiều năm qua, rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam biết nắm bắt, tận dụng cơ hội để phát triển, vậy còn những doanh nghiệp đang “chậm tiến” thì sao? Trả lời câu hỏi này, tại hội thảo, GS.Hồ Tú Bảo, Giám đốc khoa học của Viện John von Neumann thuộc Đại học Quốc gia TPHCM, cho hay có hai nguyên nhân chính: thứ nhất là do lãnh đạo của doanh nghiệp chưa thay đổi tư duy, nhận thức, chưa chịu nhìn nhận giá trị mà công nghệ số mang lại hoặc là nhìn nhận chưa phù hợp; và thứ hai là doanh nghiệp đã có tư duy, nhận thức mới nhưng vẫn đang loay hoay không biết phải làm thế nào, bởi có quá nhiều dữ liệu cần xem xét, chọn lựa cho phù hợp.

Cũng tại hội thảo, đại diện các doanh nghiệp tham dự hầu hết đều có câu hỏi chung đó là làm sao để thay đổi tư duy người lãnh đạo “có tuổi” và lựa chọn những phần mềm, ứng dụng nào cho phù hợp…, nhất là làm thế nào để tham gia vào công cuộc chuyển đổi số trong khi trí tuệ nhân tạo không phải ai cũng có thể nắm bắt rõ bởi vì nó quá rộng, quá nhiều dữ liệu “số” cần giải mã. Như vậy, cũng đủ cho thấy một phần nào đó, dù đã hoà vào “dòng chảy” của trí tuệ nhân tạo nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn chưa thể “nằm vùng”.

“Nếu lãnh đạo doanh nghiệp không thay đổi tư duy, không sớm thì muộn doanh nghiệp đó cũng chết dần chết mòn”, GS.Hồ Tú Bảo nhận định. Về câu chuyện tuổi tác, ông Bảo cho biết những người lớn tuổi như ông thường không nắm bắt kịp, công việc mỗi người có những vị trí khác nhau, do vậy không cần so sánh, chạy đua mà thay vào đó phải “học theo” để hiểu và biết, như vậy nhận thức mới đúng đắn, dễ dàng cùng người trẻ giúp doanh nghiệp phát triển.

Bên cạnh đó, để “trấn an” các đại diện doanh nghiệp, GS.Bảo cho rằng AI không quá đáng sợ, không quá cao, vậy nên phải có cái nhìn khác, nghĩ đơn giản chọn những việc làm đơn giản, dùng công nghệ số làm những việc cũ để tạo ra những cái mới. Việc không thay đổi tư duy, nhận thức mới thật sự đáng sợ.

Ông Bảo đưa ra ví dụ, ở các quốc gia trên thế giới hay những công ty có khả năng tài chính tốt thường sử dụng những phần mềm đắt tiền, có tính tiện lợi cao. Cụ thể, những nhà hàng, khách sạn trên thế giới có tiềm lực tốt có rất nhiều phần mềm quản lý, được đầu tư rất mạnh, nhưng hầu hết các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ ở Việt Nam chỉ đơn giản là cần phần mềm tính tiền, bằng cách tăng giảm những thứ cần hoặc không cần thiết và sử dụng công nghệ để nâng cấp lên sao cho phù hợp với văn hoá, môi trường làm việc của doanh nghiệp đó là được. Thì đây là những cái nhỏ mang tính ngắn hạn.

“Như vậy, để đáp ứng công cuộc chuyển đổi số không phải quá khó, nhưng cái khó nhất đối với doanh nghiệp vẫn là “làm lung lay tư tưởng”, chịu chuyển mình để thay đổi, bằng cách đem khoa học dữ liệu vào sâu trong chính doanh nghiệp, tiếp đến dùng dữ liệu và công nghệ để thấu hiểu hoạt động kinh doanh, từ đây, giá trị mà doanh nghiệp mong muốn sẽ dần hiện hữu”, GS.Hồ Tú Bảo nói.

 

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới